Nhiều bất cập trong công tác đảm bảo an toàn vệ sinh lao động

Mua các giấy tờ giả về huấn luyện an toàn lao động cho người lao động (NLĐ) để đối phó, chưa bố trí cán bộ làm công tác an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ), chưa trang bị các biển báo nguy hiểm tại các loại máy móc, thiết bị nguy hiểm… - đó là những hạn chế phổ biến ở không ít doanh nghiệp (DN) được các đoàn kiểm tra về ATVSLĐ kiến nghị phải khắc phục trong đợt kiểm tra mới đây.

Đoàn kiểm tra công tác an toàn vệ sinh lao động tại Công ty TNHH ONP Việt Nam (TP.Biên Hòa). Ảnh: L.Mai

Đoàn kiểm tra công tác an toàn vệ sinh lao động tại Công ty TNHH ONP Việt Nam (TP.Biên Hòa). Ảnh: L.Mai

Theo Sở LĐ-TBXH, thực hiện Tháng Cao điểm về ATVSLĐ, từ cuối tháng 4 đến nay, Sở đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra việc chấp hành các quy định về ATVSLĐ tại 20 DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Tại hầu hết các đơn vị kiểm tra đều phát hiện nhiều sai phạm, thiếu sót trong công tác đảm bảo ATVSLĐ.

* Còn nhiều sai phạm

Khi trực tiếp kiểm tra hồ sơ giấy tờ liên quan đến việc chấp hành pháp luật an toàn lao động tại các DN, các đoàn kiểm tra nhận định, hầu hết các DN còn lơ là, đối phó với đoàn kiểm tra khi đưa ra các loại giấy tờ không đầy đủ và đúng quy định. Ngoài ra, thực trạng mua giấy tờ, hồ sơ về huấn luyện ATVSLĐ cho NLĐ ở một số DN vẫn tồn tại, ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn lao động và ý thức tuân thủ quy định ATVSLĐ của công nhân lao động. Một số DN chưa bố trí cán bộ làm công tác ATVSLĐ, chưa phân loại lao động làm việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo danh mục, không trang bị bảo hộ lao động cho công nhân, thiếu các biển báo, hướng dẫn sử dụng máy móc thiết bị bằng tiếng Việt…

Theo đó, đoàn kiểm tra đã hướng dẫn, nhắc nhở, gia hạn thời gian để các đơn vị khắc phục, sửa chữa và báo cáo về Sở trong cuối tháng 5 này.

Để đảm bảo ATVSLĐ, giảm thiểu tai nạn lao động, trong thời gian tới, Sở LĐ-TBXH đề ra nhiều giải pháp cụ thể như: tăng cường thanh, kiểm tra công tác ATVSLĐ tại các DN; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm ở các lĩnh vực để chấn chỉnh kịp thời những hạn chế, bất cập và sai phạm ở các DN trong việc thực hiện các quy định về ATVSLĐ.

Tại Công ty TNHH Sản phẩm bao bì Golden Kaitat Việt Nam (TP.Biên Hòa), khi đoàn kiểm tra thực tế hồ sơ cho thấy, các giấy chứng nhận huấn luyện lao động, thẻ an toàn lao động không có ảnh, không có chữ ký, dấu mộc, thậm chí là không có cả ngày tháng trong quyết định. Công tác chấp hành các quy định về ATVSLĐ tại DN vẫn còn nhiều bất cập như: chưa phân loại lao động làm việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo danh mục…

Tại Công ty TNHH MTV Chính Túc (TP.Biên Hòa) cũng có tình trạng tương tự. Tại buổi kiểm tra, đại diện DN cho biết, đã huấn luyện ATVSLĐ cho công nhân nhưng khi đoàn xuống xưởng hỏi ý kiến NLĐ thì được biết họ chưa được tham gia huấn luyện. Ngoài ra, nhiều loại giấy tờ cung cấp cho đoàn kiểm tra đều không có ngày, tháng cụ thể, nhiều giấy chứng nhận huấn luyện ATVSLĐ đều có dấu hiệu mua để đối phó với đoàn kiểm tra.

Ông Lê Hồng Quang, Phó trưởng phòng Chính sách lao động Sở LĐ-TBXH, cho hay qua kiểm tra thực tế công tác ATVSLĐ cho thấy, một số DN tổ chức huấn luyện ATVSLĐ theo kiểu đối phó, liên hệ với các đơn vị tổ chức huấn luyện nhưng không đủ thời gian theo quy định. Khi kiểm tra tại xưởng, có một số nội dung DN chưa thực hiện hoặc thực hiện chưa đầy đủ như: trang thiết bị, quy trình vận hành máy, một số DN sắp xếp nguyên vật liệu còn ở độ cao hoặc NLĐ chưa có chứng chỉ lái xe nâng rất dễ xảy ra tai nạn lao động.

* Cần chấn chỉnh kịp thời

Theo Sở LĐ-TBXH, để khắc phục những hạn chế, sai phạm nêu trên, đoàn kiểm tra đã đề nghị các DN báo cáo định kỳ công tác đảm bảo ATVSLĐ theo quy định; xây dựng phương án xử lý sự cố, ứng cứu khẩn cấp và huấn luyện ATVSLĐ cho công nhân. Đồng thời, tổ chức đào tạo vận hành thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động đủ thời gian, đúng quy định; rà soát khám bệnh nghề nghiệp và huấn luyện sơ cấp cứu cho NLĐ…

Các cán bộ Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở cho rằng, thời gian qua, các cấp, các ngành và địa phương đã nỗ lực tuyên truyền, nâng cao nhận thức, kiến thức về ATVSLĐ đến người sử dụng lao động và NLĐ theo lĩnh vực ngành nghề quản lý nhưng chưa phủ khắp đến toàn bộ DN trong tỉnh. Nhiều chủ DN chưa chú trọng cải thiện môi trường làm việc hoặc không tham gia các buổi huấn luyện ATVSLĐ, chưa quan tâm đúng mức trong thực hiện các quy định ATVSLĐ. Ngoài ra, các mức xử phạt trong lĩnh vực ATVSLĐ còn thấp, chưa đủ để răn đe nên tình trạng DN vi phạm về lĩnh vực an toàn lao động còn tồn tại và kéo theo nhiều bất cập khác.

Theo báo cáo của Sở LĐ-TBXH, năm 2021, số vụ tai nạn lao động trên địa bàn Đồng Nai đã giảm so với các năm trước với 27 vụ tai nạn, làm 28 người chết, thiệt hại về vật chất trên 16 tỷ đồng. Số vụ tai nạn tuy có giảm nhưng cũng không thể chủ quan, bởi năm 2021, do tình hình dịch bệnh nên nhiều ngành nghề sản xuất phải tạm ngừng hoạt động một thời gian dài. Do vậy, việc thường xuyên kiểm tra và nhắc nhở để nâng cao ý thức phòng ngừa tai nạn lao động của chủ DN và NLĐ là vô cùng cần thiết, bởi khi tai nạn xảy ra, thiệt thòi nhất vẫn là NLĐ.

Lan Mai

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/congdoan/202205/nhieu-bat-cap-trong-cong-tac-dam-bao-an-toan-ve-sinh-lao-dong-3118230/