Nhiều bất cập trong chính sách đối với doanh nghiệp công nghệ trong nước

là nhận định của các thành viên Ủy Ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Quốc hội (KHCN&MT) trong buổi thăm và làm việc với Công ty CP Công nghệ Công nghiệp Bưu chính viễn thông (VNPT Technology) – đơn vị tiên phong của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) trong lĩnh vực công nghệ công nghiệp, truyền thông và công nghiệp nội dung số, diễn ra vào ngày 10/03/2018.

Ông Phan Xuân Dũng – Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT Quốc hội, phát biểu trong buổi làm việc với VNPT Technology

Đoàn đại biểu Ủy ban KHCN&MT gồm các chuyên viên và đại biểu Quốc hội thuộc Ủy ban, dẫn đầu bởi ông Phan Xuân Dũng - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban, ngoài ra còn có đại diện lãnh đạo Vụ KHCN&MT, dẫn đầu bởi ông Phạm Hữu Duệ - Vụ trưởng. Đại diện lãnh đạo VNPT Technology tiếp đón đoàn gồm có ông Ngô Hùng Tín – Phó Tổng giám đốc (TGĐ) Tập đoàn VNPT, Chủ tịch Hội đồng quản trị VNPT Technology, ông Trần Hữu Quyền – TGĐ VNPT Technology và các Phó TGĐ: ông Trần Đình Hùng, ông Tô Mạnh Cường, ông Dương Thành Long, ông Phạm Văn Nam.

Giới thiệu về VNPT Technology, lịch sử hình thành, lĩnh vực hoạt động cũng như các thành tựu, sản phẩm, giải pháp mà Công ty đã tạo ra trong thời gian qua, ông Lý Quốc Chính – Giám đốc Công nghệ VNPT Technology cho biết: “Với hơn 20 năm hình thành và phát triển từ liên doanh Alcatel - VNPT trước đây, VNPT Technology hiện đang được đánh giá là một trong những công ty công nghệ có tiềm lực trong nghiên cứu phát triển và sản xuất các sản phẩm công nghệ cao tại Việt Nam.”

Tại Buổi làm việc, các đại biểu cũng nghe ông Nguyễn Anh Hoàng – Giám đốc trung tâm Internet of Things (IoT) trình bày về Cách mạng Công nghiệp 4.0 cũng như các nền tảng, giải pháp IoT mà VNPT Technology đã và đang phát triển. Ông Hoàng thay mặt VNPT Technology chia sẻ và giới thiệu nền tảng mở Smart Connected Platform (SCP), các giải pháp về nông nghiệp thông minh, giao thông thông minh, nhà máy thông minh và ngôi nhà thông minh, hướng tới xây dựng mô hình Thành phố thông minh trong tương lai gần. Ông Hoàng cũng nhấn mạnh, mô hình Thành phố thông minh do VNPT Technology phát triển xoay quanh người công dân 4.0, dựa theo các nhu cầu, liên kết của mỗi người công dân sinh hoạt trong thành phố.

Trong bối cảnh Việt Nam đang khẩn trương phát triển theo kịp đà phát triển chung của Cách mạng Công nghiệp 4.0, việc có 1 nền tảng chung để thống nhất, lưu giữ và phát triển tất cả các ứng dụng là điều tối quan trọng. Ông Ngô Hùng Tín khẳng định: “Nền tảng SCP của VNPT Technology đáp ứng tất cả các điều kiện cần thiết, là nền tảng mở cho tất cả các nhà phát triển, vấn đề an ninh thông tin cũng được bảo đảm một cách tối đa.”

Đoàn đại biểu tham quan các sản phẩm công nghệ của VNPT Technology trong phòng họp

Xung quanh những thuận lợi và khó khăn của doanh nghiệp Việt Nam nói riêng và VNPT Technology nói chung trong công cuộc nghiên cứu, phát triển các sản phẩm công nghệ tại Việt Nam, ông Ngô Hùng Tín chia sẻ: “VNPT Technology luôn chú ý hợp tác với các trường đại học để tìm kiếm, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực công nghệ trẻ. Tuy nhiên, với các công ty vốn nhà nước như VNPT Technology, quỹ lương được thực hiện theo quy định của Nhà nước, đãi ngộ cho nhân viên bị hạn chế nên luôn gặp khó khăn trong việc cạnh tranh nguồn nhân lực với các công ty công nghệ khác.”

Ông Trần Hữu Quyền cho biết thêm: “Do đặc thù của các công ty công nghệ, việc nghiên cứu một sản phẩm hay giải pháp mới có thể mất rất nhiều thời gian, và còn có thể thất bại, nên mong Chính phủ thay đổi chính sách đánh giá hiệu quả làm việc của các công ty công nghệ, để có thể đánh giá chính xác hơn về thành quả mà các công ty công nghệ đạt được.”

Trao đổi về các khó khăn, vướng mắc mà VNPT Technology nói riêng cũng như các công ty công nghệ Việt Nam nói chung đang gặp phải, ông Phan Xuân Dũng chia sẻ rằng Ủy ban cũng biết về các khó khăn này, và vẫn luôn sát cánh cùng các doanh nghiệp công nghệ nhằm tháo gỡ từng bước các khó khăn. Sau buổi làm việc này, Ủy ban sẽ có thêm các nghiên cứu, xem xét để có thể đề xuất điều chỉnh các chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện tốt hơn cho các doanh nghiệp công nghệ ở Việt Nam có môi trường phát triển thuận lợi. Ông Dũng cũng đánh giá cao các sản phẩm công nghệ do VNPT Technology tự nghiên cứu phát triển như Smartphone Vivas Lotus S3 LTE, SmartboxPC… và khẳng định sẽ đề xuất các chính sách để hỗ trợ các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam nói chung cạnh tranh chiếm lĩnh lại thị trường Việt Nam từ tay các doanh nghiệp công nghệ nước ngoài, tiến tới mang sản phẩm công nghệ Việt vươn đến các thị trường quốc tế.

Đoàn đại biểu tham quan phòng Lab nghiên cúu của VNPT Technology tại trụ sở Công ty

Sau buổi làm việc, chiều cùng ngày, đoàn đại biểu Ủy ban KHCN&MT đã đi tham quan phòng Lab của VNPT Technology tại trụ sở Công ty và thăm Nhà máy điện tử số 2 của Công ty tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc.

Ông Phan Xuân Dũng nghe giới thiệu về dây chuyền sản xuất của VNPT Technology tại nhà máy điện tử só 2 thuộc Khu Công nghệ cao Hòa Lạc.

Thu Quyên

Nguồn Đấu Thầu: http://baodauthau.vn/doanh-nghiep/nhieu-bat-cap-trong-chinh-sach-doi-voi-doanh-nghiep-cong-nghe-trong-nuoc-65257.html