Nhiều bất cập tại các công trình của Đề án hỗ trợ người dân tộc thiểu số Ơ Đu ở Nghệ An

Nhiều gói thầu xây dựng chuồng trại, cấp cỏ và phân bón, hỗ trợ khai hoang tạo đất sản xuất... được bàn giao cho người dân sử dụng xuất hiện nhiều bất cập.

Công trình "biệt thự" bò xây dựng thiếu khoa học?

Đề án thực hiện trong thời gian 10 năm (2016-2025), chia thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 từ 2016-2020, giai đoạn 2 từ 2021-2025. Địa điểm thực hiện là bản Văng Môn, xã Nga My và bản Đửa, xã Lượng Minh, huyện Tương Dương. Tổng kinh phí thực hiện là 120 tỉ đồng, trong đó ngân sách trung ương hỗ trợ 108 tỉ đồng, ngân sách tỉnh 12 tỉ đồng.

Chị Lê Thị Hòe, bản Văng Môn, xã Nga My đang cho đàn bò do đề án cấp phát ăn.

Chị Lê Thị Hòe, bản Văng Môn, xã Nga My đang cho đàn bò do đề án cấp phát ăn.

Tổng số vốn đã được cấp là hơn 28,1 tỷ đồng. Tổng kinh phí đã thực hiện hơn 27,7 tỷ đồng. Số kinh phí hơn 471 triệu bị hủy dự án, nộp trả ngân sách (gồm chi phí thuê kiếm toán độc lập, quyết toán chưa thực hiện, chi không hết dự toán).

Số tiền dành cho hỗ trợ sản xuất gồm: Hỗ trợ 280 con bê (cả kinh phí vắc xin tiêm phòng) hơn 4,3 tỷ đồng; Hỗ trợ khai hoang, cải tạo đất sản xuất với kinh phí gần 5,3 tỷ đồng; Hỗ trợ cỏ, giống ngô, phân bón và các vật tư thiết yếu phục vụ nuôi, trồng và chế biến thức ăn cho gia súc, gia cầm hơn 1,5 tỷ đồng…

Chuồng bò xây dựng không khoa học khiến người được hưởng lợi rất vất vả.

Đáng chú ý, trong mục hỗ trợ phát triển sản xuất này có mục hỗ trợ xây dựng chuồng trại gia súc theo quy hoạch lâu dài với số tiền hơn 12,4 tỷ đồng tại bản Văng Môn, xã Nga My (huyện Tương Dương), chủ đầu tư đã cho xây dựng 67 chuồng nuôi nhốt bò giống cho 77 hộ.

Trong đó, có 4 chuồng loại 1 gần 510 triệu đồng, 53 chuồng loại 3 hơn 7,24 tỷ đồng. Đặc biệt, có 10 chuồng loại 2 hơn 2,36 tỷ đồng. Điều này đồng nghĩa với việc một chuồng bò tương ứng gần 236 triệu đồng. Kích thước mỗi chuồng là 4,5 x 6,69m, chiều cao tường 2,7m. Trước và sau đều có hệ thống bạt cuốn che lạnh vào mùa đông, nền nhà bê tông. Phía trước là hành lang và máng đựng thức ăn... Được biết, hạng mục xây dựng nhà ở cho bò đã được nghiệm thu và đưa vào sử dụng.

Có rất nhiều diện tích đất chưa có cỏ để trồng.

Đây được xem là gói thầu mang nhiều "tai tiếng" nhất trong Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội dân tộc Ơ Đu ở bản Văng Môn, xã Nga My.

Nhiều người dân Ơ Đu cho biết, khi đưa vào sử dụng, những chuồng bò này đã xuất hiện nhiều bất cập. Chị Lê Thị Hòe (sinh năm 1973, trú bản Văng Môn, xã Nga My) cho biết, gia đình nhận chuồng bò từ hồi tháng 5 và nhận bò nuôi từ tháng 6 vừa qua. Khi đưa bò về nuôi thấy chuồng bò được xây dựng thiếu khoa học khiến cho mọi người trong gia đình chị vất vả thêm.

Đó là việc xây dựng nền chuồng bò quá bằng phẳng, có những đoạn dốc về phía trong khiến cho nước tiểu của bò ứ đọng lại tăng phần hôi thối, ảnh hưởng đến gia đình và hàng xóm. Không những thế, việc mặt bằng của nền xây không khoa học làm cho người dân mất thời gian mỗi khi dọn phân và tưới chuồng trại.

"Nếu như chuồng bò đổ nền dốc ra phía ngoài chỉ cần tưới một lúc là sạch. Còn đây tưới cả giờ đồng hồ vẫn chưa sạch gây tốn thêm tiền điện", chị Hòe bức xúc nói.

Cỏ cấp thiếu khiến đàn bò của bản Văng Môn thiếu thức ăn nghiêm trọng.

Một số hộ dân còn cho rằng, việc xây chuồng bò ở một số vị trí không khoa học như xây ở đầu hướng gió, cao hơn nhà chính cũng gây bất tiện trong các khâu vệ sinh chuồng trại, xử lý phân thải từ vật nuôi của gia đình.

Thiếu nguồn giống đực cho đàn bò?

Đề án và các gói thầu được trình qua nhiều bước để phê duyệt và thực hiện. Tuy nhiên, các bên liên quan chưa tính đến việc "tìm bạn tình" cho 280 con bò của người Ơ Đu ở bản Văng Môn. Sự việc đang khiến người dân hết sức lo lắng khi hầu hết những con bò sắp sửa đến kỳ sinh sản.

Nhiều người dân nghèo của bản phải bỏ tiền túi đi mua giống cỏ.

Chị Lê Thị Hòe kể, trong số 4 con bò của gia đình được cấp từ hồi tháng 6/2020 có 1 con đến giai đoạn sinh đẻ. Tuy nhiên, số bò được cấp ở bản đều là giống cái nên gia đình chị cũng như nhiều người dân không biết tìm đâu ra giống đực để cho phối giống. Không chỉ cấp bò thiếu khoa học, những con bò được cấp cũng "quá nhỏ" so với số tiền đã thực hiện.

Anh L.V.B, một người dân xin được giấu tên cho biết: "Nghe nói mỗi con bò trị giá gần 15 triệu đồng nhưng hiện nay đem ra thị trường bán 7 triệu đồng cũng khó".

Chưa dừng lại ở đó, việc cấp giống cỏ và giống ngô nằm trong gói hỗ trợ cỏ, giống ngô, phân bón và các vật tư thiết yếu phục vụ nuôi, trồng và chế biến thức ăn cho gia súc, gia cầm với giá trị hơn 1,5 tỷ đồng bộc lộ nhiều bất cập.

: Toàn bộ bò được cấp là giống bò cái nên thiếu bò đực để phối giống.

Ông Lo Thanh Trung (bản Văng Môn) cho biết, thông tin từ các cuộc tập huấn và họp bản ngoài việc được cấp bò, xây chuồng bò người dân sẽ được cấp cỏ và ngô để có thức ăn cho đàn bò. Theo đó, mỗi hộ dân sẽ được cấp 77kg cỏ và gần 2 kg ngô để trồng. Số lượng này đủ để cho đàn bò (4 con) ăn và phát triển khỏe mạnh. Tuy nhiên, đến nay cỏ mới chỉ được cấp hơn 40kg. Đặc biệt, giống cỏ cấp không tốt, sau khi người dân trong bản mang đi trồng đạt diện tích quá nhỏ, cỏ cũng phát triển quá chậm.

Qua tìm hiểu, việc cấp cỏ nhỏ giọt và không quy củ khiến cho 1 số hộ trong bản chỉ nhận được 2 kg cỏ. Trong quá trình cấp cỏ, đơn vị trúng thầu đứng ra cung ứng cũng không hề thực hiện đúng theo thiết kế của hồ sơ. Tìm hiểu được biết, giống cỏ trong hồ sơ của gói thầu này đã được Sở Tài chính phê duyệt là loài cỏ Voi, giống Thái Lan và được cấp bằng hạt. Tuy nhiên, thực tế tại bản Văng Môn, người dân chỉ nhận được từ nhà thầu là cỏ bằng cành với số lượng ít ỏi. Việc cấp cỏ thiếu đã dẫn đến tình trạng thiếu thức ăn cho đàn bò của hầu hết gia đình ở bản Văng Môn. Nhiều diện tích đất khai hoang bỏ không vì không có giống cỏ để trồng.

Những con bò được mua về nhỏ hơn so với thực tế.

"Tình hình này không biết là bò chết trước hay người chết trước. Ngày nào cũng "còng lưng" đi kiếm cỏ cho bò mà vẫn không đủ", một người dân nói.

Ông Lương Tuấn Dũng, Chủ tịch UBND xã Nga My cho biết, những bất cập trong đề án hỗ trợ đầu tư phát triển kinh tế - xã hội tại bản Văng Môn cũng đã nghe người dân phản ánh ở các cuộc họp hội đồng. Cụ thể như giống bò cấp không đủ, giếng khoan không có nước…

"Do vừa mới về nhận công tác và mọi việc ở bản Văng Môn đang bị đình chỉ để đảm bảo công tác điều tra của cơ quan chức năng nên tôi cũng đang cố gắng để xử lý công việc", ông Dũng nói.

Cán bộ Ban dân tộc tỉnh Nghệ An bị bắt giữ.

Tối 23/7, Công an Nghệ An khám xét nơi ở và bắt khẩn cấp Lê Văn Sơn - Giám đốc Công ty Văn Sơn để điều tra những sai phạm về kinh tế khi thực hiện một số gói thầu trong Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội dân tộc Ơ Đu (dân tộc dưới 1.000 người) ở tỉnh Nghệ An.

Trước đó, Công an tỉnh Nghệ An khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam 4 tháng và khám xét chỗ ở ông Kim Văn Bốn (38 tuổi, ngụ xã Nghi Phú, TP Vinh) - cán bộ Phòng Chính sách - Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An - để điều tra làm rõ về hành vi "tham ô tài sản" và khám xét phòng làm việc của ông Nguyễn Tâm Long (46 tuổi) - Quyền Trưởng phòng Chính sách - Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An - vì liên quan đến sai phạm trong quá trình thực hiện đề án hỗ trợ và phát triển người dân tộc Ơ Đu.

Hồ Phương

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/nhieu-bat-cap-tai-cac-cong-trinh-cua-de-an-ho-tro-nguoi-dan-toc-thieu-so-o-du-o-nghe-an-20200727150354753.htm