Nhiều bất cập ở Làng thanh niên lập nghiệp biên giới A Lưới

So với ngày đầu lên lập nghiệp (năm 2011), cuộc sống của các hộ dân ở Làng thanh niên lập nghiệp biên giới A Lưới (xã Hương Phong, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế) nay đã ổn định hơn. Tuy nhiên, để phát triển theo đúng mục tiêu dự án, vẫn còn nhiều khó khăn cần tháo gỡ.

Thiếu đất sản xuất, nguồn thu nhập chính của gia đình chị Thoan hoàn toàn phụ thuộc vào chăn nuôi. Ảnh: Bá Trí

Dự án Làng thanh niên lập nghiệp biên giới A Lưới được khởi công vào tháng 9-2009, với diện tích hơn 50ha. Năm 2011, 19 hộ thanh niên đầu tiên được bố trí tới lập làng. Mỗi hộ lên lập nghiệp được cấp 2.000m2 đất ở và đất vườn, 20 triệu đồng hỗ trợ di dân tái định cư, 2ha đất rừng để sản xuất, 5 triệu đồng tiền con giống...

Đến năm 2014, sau khi làng đón thêm 26 hộ mới, dự án đã được bàn giao cho địa phương (xã biên giới Hương Phong của huyện A Lưới) với tổng số 45 hộ. Các công trình hạ tầng cơ sở gồm hệ thống giao thông, điện nước sinh hoạt, nhà mẫu giáo, sân thể thao... cơ bản đã đáp ứng nhu cầu thiết yếu của các hộ.

Dần ổn định cuộc sống

Là một trong những hộ đầu tiên lên định cư ở Làng thanh niên lập nghiệp biên giới A Lưới, vợ chồng anh Hoàng Quốc Linh - chị Trần Thị Thu Thoan nay đã xây dựng được ngôi nhà to nhất làng, có kiến trúc kiểu nhà ống với một phòng khách, hai phòng ngủ, một phòng bếp. Trong nhà, vợ chồng anh chị mua sắm tương đối đầy đủ các vật dụng. Từ khi lên định cư tại làng, anh chị đã chào đón đứa con thứ hai của mình ra đời.

Anh Linh kể: “Vợ chồng tôi trước đây ở Phong Mỹ (Phong Điền). Sau 2 năm đi xuất khẩu lao động trở về, cuộc sống cũng chẳng khá hơn là bao. Sau khi biết làng tuyển chọn các hộ thanh niên xung kích đến lập thân, lập nghiệp, phát triển kinh tế ở khu vực biên giới, vợ chồng tôi liền đăng ký, quyết tâm đi khai phá vùng đất mới. Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng sau khi gắn bó, vợ chồng tôi đã xem làng như quê hương thứ hai của mình...”.

Cũng như gia đình anh Linh, mới đứng chân ở làng được ít năm, nhưng gia đình anh chị Trần Văn Dương – Nguyễn Thị Hiền (quê ở Phong Mỹ, Phong Điền) đã có cơ ngơi khá tươm tất, với ngôi nhà gạch kiên cố cùng khu vườn trồng chuối, sắn, đậu các loại. Vợ chồng anh chị chăn nuôi thêm đàn gia cầm để kiếm thêm thu nhập.

Chị Hiền tâm sự: “Hiện tại, cuộc sống của gia đình tôi cơ bản ổn định. Song sản xuất vẫn còn khó khăn, do đất bạc màu và thiếu vốn đầu tư. Đây là tình cảnh chung, vì hầu hết các gia đình trong làng đều thiếu việc làm, đàn ông chủ yếu đi chặt cây thuê cho các chủ rừng và đi phụ thợ nề, còn phụ nữ đa số ở nhà làm vườn, chăn nuôi và chăm con nhỏ”...

Chủ tịch UBND xã Hương Phong Mai Văn Linh cho biết: “Làng thanh niên bây giờ là một bộ phận của xã, tất cả các chính sách, các chương trình của địa phương đều hướng sự ưu tiên đến các hộ trong làng. Hiện tại, có hơn 20 hộ ở đây chưa được cấp đất rừng sản xuất 2ha/ hộ theo dự án. Xã đã linh động và giải quyết cấp cho mỗi hộ 0,7ha đất rừng từ quỹ đất của Đoàn kinh tế quốc phòng 92 bàn giao lại cho xã, góp phần giải quyết khó khăn cho các hộ...”.

Gỡ khó để tạo đà

Do chậm được cấp đất rừng nên đến nay, diện tích cây keo tràm của nhiều hộ trong làng mới được hơn 1 năm tuổi. Thu nhập của các hộ chủ yếu dựa vào chăn nuôi, cây trồng trong vườn và đi phụ thợ nề, phát rừng thuê... Các hộ được cấp 2ha đất rừng trước đó cũng gặp nhiều khó khăn do đất cằn cỗi, chi phí sản xuất phải tăng gấp đôi do lượng phân bón và ngày công lao động tăng lên.

Anh Hoàng Quốc Linh chia sẻ: “2ha đất rừng tôi tiến hành trồng tràm, nhưng do đất bạc màu, lại thiếu vốn đầu tư nên cây phát triển rất kém. Không có khả năng chăm sóc, tôi đành để vậy, dành thời gian đi làm thêm kiếm tiền sinh hoạt”.

Khó khăn chung của các hộ ở đây là thiếu đất sản xuất, vốn đầu tư và thiếu việc làm. Khi lên lập nghiệp, tuy mỗi hộ được Ban quản lý dự án phối hợp với chính quyền địa phương hỗ trợ tín chấp cho vay 20 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách Xã hội, nhưng số vốn đó không thấm vào đâu đối với các gia đình lên lập nghiệp ở vùng khó khăn, khu vực biên giới này. Thiếu vốn, hầu hết các hộ ở đây chỉ chăn nuôi nhỏ lẻ.

Anh Nguyễn Văn Dự, chủ hộ ở xã A Ngo (A Lưới) chuyển đến làng định cư cuối năm 2013, than thở: “Thanh niên lên vùng đất mới lập nghiệp phần lớn có hoàn cảnh khó khăn. Đã thế, đến nay, chúng tôi vẫn chưa được hỗ trợ kinh phí để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở, nên không có điều kiện thế chấp vay vốn đầu tư phát triển kinh tế”.

Anh Nguyễn Duy Cường cho biết: “Do vùng quy hoạch dự án có sự chồng chéo với diện tích của Công ty Giống vật nuôi, cây trồng tỉnh và khu tái định cư thủy điện A Lưới; đồng thời, việc thu hồi diện tích từ Đoàn kinh tế quốc phòng 92 gặp khó khăn, nên ảnh hưởng đến công tác đền bù, thu hồi bố trí đất, đặc biệt là đất sản xuất cho thanh niên lập nghiệp”.

Cùng chung nỗi bức xúc này, anh Nguyễn Văn Duy, chủ hộ ở xã Hồng Thượng (A Lưới) đến làng lập nghiệp năm 2013, bày tỏ: “Nếu tính các khoản nộp tiền sử dụng đất ở và lệ phí trước bạ, mỗi hộ phải đóng gần 40 – 45 triệu đồng. Đây là điều “quá sức” đối với các hộ thanh niên chúng tôi, khi mà vốn đầu tư cho sản xuất vẫn còn thiếu thốn. Vì thế, tất cả các hộ ở đây đều chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở, kể cả các hộ đầu tiên đến lập làng từ năm 2011”.

Trao đổi vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND huyện A Lưới Nguyễn Quốc Cường cho biết thêm, do xã Hương Phong hiện đã đạt chuẩn nông thôn mới, không phải vùng đặc biệt khó khăn, nên các hộ ở đây không thuộc diện được miễn tiền sử dụng đất ở. UBND huyện đang tranh thủ ý kiến các ban, ngành liên quan của tỉnh và nghiên cứu văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính để thực hiện đảm bảo quyền lợi cho các hộ đúng quy định.

Theo thông tin từ UBND xã Hương Phong, địa phương đang hoàn tất hồ sơ cấp quyền sử dụng đất rừng cho các hộ để họ có tài sản thế chấp vay thêm vốn đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế. Cùng với các cấp, ngành ở địa phương, Ban Dân tộc tỉnh Thừa Thiên Huế cũng có những động thái hướng đến hỗ trợ các hộ đồng bào ở đây từng bước phát triển sản xuất, giảm bớt khó khăn.

Ông Hồ Xuân Trăng, Trưởng ban Dân tộc tỉnh cho hay: Chúng tôi đang xây dựng chương trình phối hợp với các cơ quan, ban, ngành liên quan tổ chức chuyển giao khoa học-kỹ thuật nông lâm nghiệp cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số trong làng, tận dụng các diện tích đất có độ dốc cao xây dựng mô hình trồng cỏ voi phục vụ chăn nuôi gia súc cho các hộ; đồng thời, nghiên cứu chính sách, lồng ghép hỗ trợ về cây, con giống và phân bón, thức ăn chăn nuôi để các hộ phát triển sản xuất.

Với mục đích phát huy vai trò của thanh niên xung kích lập thân, lập nghiệp, phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh ở vùng biên giới, thiết nghĩ các hộ thanh niên trong Làng thanh niên lập nghiệp cần được hỗ trợ giải quyết việc làm thông qua các chương trình, dự án kêu gọi đầu tư của huyện. Chính quyền địa phương sớm cấp đất cho người dân khai thác, sử dụng hiệu quả tiềm năng đất đai, tài nguyên để họ yên tâm lập nghiệp, ổn định, phát triển sản xuất.

Bá Trí

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/nhieu-bat-cap-o-lang-thanh-nien-lap-nghiep-bien-gioi-a-luoi/