Nhiều bạn trẻ vớ quả lừa khi mua búp bê thần tượng qua mạng

Với các bạn trẻ yêu thích Kpop, việc sở hữu những món đồ liên quan đến thần tượng luôn là mong ước cháy bỏng. Tuy vậy, để mua được những món hàng này, người mua thường phải đặt qua trung gian. Lợi dụng điều đó, một số đối tượng đã thực hiện hành vi lừa đảo nhằm chiếm đoạt tiền.

Phát sốt vì phụ kiện liên quan đến thần tượng

Tại Việt Nam, cơn sốt thần tượng Kpop diễn ra ở nhiều tỉnh thành. Không ít Fan Club đã được thành lập, những ấn phẩm liên quan đến thần tượng được bày bán khắp nơi nhằm đáp ứng nhu cầu của người hâm mộ, đặc biệt là trên mạng xã hội. Các tấm poster hay những ấn phẩm như áo, sách, thiệp... do chính tay thần tượng kí luôn được săn lùng và không ít người sẵn sàng trả giá cao để được sở hữu nó.

Các thần tượng luôn có sức ảnh hưởng lớn đối với người hâm mộ. Do vậy, những phụ kiện giống thần tượng hay những món đồ có in hình của họ như móc khóa, móc cặp, vòng đeo tay, quần áo, balo, cốc, thậm chí cả móc áo in hình thần tượng, lighstick (cây gậy cổ vũ phát sáng) và áo đồng phục Fanclub cũng là những sản phẩm được tiêu thụ mạnh.

Búp bê thần tượng là món đồ được nhiều bạn trẻ hâm mộ Kpop săn lùng

Búp bê thần tượng là món đồ được nhiều bạn trẻ hâm mộ Kpop săn lùng

Không chỉ có vậy, thời gian gần đây, búp bê thần tượng đang được các fan Kpop ráo riết săn lùng. Đây là những con búp bê nhồi bông được làm mô phỏng theo vẻ ngoài của thần tượng, được xem là món hàng cao cấp có giá thành cao mà không phải người hâm mộ nào cũng có đủ điều kiện để sở hữu. Ngoài ra, còn có một loại búp bê là thú nhồi bông do fanclub của các nhóm nhạc Hàn Quốc làm để đại diện cho thần tượng của mình cũng thu hút sự chú ý của khá nhiều fan trẻ tuổi.Tuy vậy, giá của những món đồ này không hề rẻ và việc mua được chúng cũng không hề dễ dàng. Hầu hết những sản phẩm này được đặt qua mạng, đối tượng khách hàng chủ yếu là những bạn trẻ hâm mộ những nam ca sĩ, diễn viên nổi tiếng.

Là một trong những người đã từng bị lừa khi đặt mua búp bê thần tượng qua mạng, em V.T.C – 15 tuổi ở đường Lạc Long Quân, quận Tây Hồ, Hà Nội chia sẻ, do hâm mộ một nhóm nhạc ở Hàn Quốc nên cách đây 2 tháng khi đọc được thông tin từ một tài khoản Facebook về việc nhận đặt búp bê thần tượng với giá ưu đãi, C đã quyết định dùng toàn bộ số tiền tiết kiện hơn 2 triệu đồng của mình để đặt hàng. Theo bên bán, do hàng đặt từ Hàn Quốc, lại khá khan hiếm nên bên mua phải chuyển toàn bộ số tiền ngay từ đầu, sau 12 ngày sẽ nhận được hàng. Đến hẹn, C gọi điện cho bên bán thì thấy tắt máy, nhắn tin qua mạng xã hội thì tài khoản Facebook này đã khóa.

“Đọc thông tin trên một diễn đàn em thấy tài khoản Facebook này đã nhận đặt hàng của khá nhiều bạn với cùng một món đồ, nhận không ít tiền song không giao hàng cho bất cứ người nào. Sau khi đưa thông tin này lên mạng, một số bạn đã giúp em tìm ra nơi ở, trường học của người bán (một học sinh đang học PTTH) nên đã gây sức ép và nhận lại được tiền. Có khác do sợ gia đình biết sự việc nên đành im lặng, chấp nhận mất tiền oan” – C chia sẻ.

Chỉ nên mua sắm ở những nơi có uy tín

Ngoài búp bê thần tượng, không ít bạn trẻ còn sẵn sàng bỏ tiền ra để săn lùng, mua album K-Pop. Kèm theo đó là photo card của từng thành viên. Được biết, người mua và người bán những mặt hàng trên hầu hết trong độ tuổi còn khá trẻ, chỉ quen biết nhau qua mạng nên khi bên bán nhận tiền và lặn mất tăm, bên mua chỉ biết “bắc thang lên hỏi ông trời”!

Về những nguy cơ khi mua hàng qua mạng, Luật sư Nguyễn Thị Thu – Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, thời gian qua đã có không ít người tiêu dùng đã mua phải hàng gần hết hạn sử dụng mẫu mã, chất lượng khác xa so với quảng cáo, không được giao hàng đúng hạn. Do vậy, để tránh rủi ro, mỗi cá nhân chỉ nên mua hàng chỉ nên mua sắm tại các sàn giao dịch uy tín và đã được các cơ quan quản lý Nhà nước cấp phép, tìm hiểu đầy đủ thông tin về sản phẩm trước khi mua. Đặc biệt, bên mua nên chọn hình thức “thanh toán tạm giữ” để đảm bảo chỉ khi nhận được hàng đúng mô tả, người bán mới có thể rút tiền, không nên chuyển tiền toàn bộ, trực tiếp cho người bán khi mua hàng online.

Bên cạnh đó, các đơn vị kinh doanh thương mại điện tử, cần có quy định chặt chẽ trong việc đăng bán sản phẩm trên website của mình, có quy trình xử lý tranh chấp rõ ràng để bảo vệ quyền lợi của cả hai bên. Ngoài ra, khi phát hiện dấu hiệu lừa đảo, người tiêu dùng cần thu thập chứng cứ và nhanh chóng tình báo với cơ quan chức năng để được giải quyết kịp thời.

Huệ Linh

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/doi-song/nhieu-ban-tre-vo-qua-lua-khi-mua-bup-be-than-tuong-qua-mang/761325.antd