Nhiều bạn trẻ ở Trung Quốc vay nợ để tân trang nhan sắc

Họ không ngừng chạy theo các mẫu hình trên mạng với hy vọng vẻ ngoài xinh đẹp sẽ giúp bản thân có cuộc sống tốt hơn.

Với Chen Siqi, các bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ là “cha mẹ thứ hai” cho cô cuộc sống hoàn toàn mới. Tháng 12/2017, Chen 19 tuổi và là sinh viên đại học. Cô chuẩn bị 20.000 nhân dân tệ (khoảng 3.000 USD), trong đó 50% là đi vay, bay đến Thượng Hải, Trung Quốc và bắt đầu trùng tu nhan sắc.

Chen không nhớ nổi cảm giác lo lắng hay sợ hãi. Điều còn sót lại trong đầu cô lúc này là đẹp bằng mọi giá. Sau vài giờ, bác sĩ đã tạo hình xong mí mắt cho Chen, cùng đó là cắt mở tròng, bóc mỡ thừa ở bọng.

Cuộc đời của Chen thay đổi từ đó. Khi đi trên phố, hàng chục ánh mắt ngoái lại nhìn nữ sinh. Cô cũng nhận được nhiều lời đề nghị làm người dẫn chương trình từ các công ty giải trí. Bạn trai cũ mong muốn quay lại với Chen, nhưng cô từ chối.

Cô gái này đã chi tổng cộng 200.000 nhân dân tệ (hơn 30.000 USD) để phẫu thuật thẩm mỹ toàn bộ khuôn mặt. Giờ đây, Chen chia sẻ “tiếc vì đã không phẫu thuật thẩm mỹ sớm hơn” bởi khuôn mặt mới mang đến cho cô nhiều cơ hội.

 Từ trái sang phải: Hình ảnh của Chen Siqi thời trung học, mùa hè năm 2018 và tháng 1/2019. Ảnh: Chen Siqi.

Từ trái sang phải: Hình ảnh của Chen Siqi thời trung học, mùa hè năm 2018 và tháng 1/2019. Ảnh: Chen Siqi.

Phụ huynh cũng rơi vào "vòng xoáy" đổi đời

Những người như Chen không phải hiếm trong xã hội Trung Quốc. Thậm chí, độ tuổi phẫu thuật còn trẻ hơn. Năm 2019, thị trường phẫu thuật thẩm mỹ tại quốc gia này đạt 800 tỷ nhân dân tệ.

Gengmei, ứng dụng dành cho người phẫu thuật thẩm mỹ, ước tính 22 triệu người Trung Quốc đã phẫu thuật thẩm mỹ vào năm 2018. 54% trong số đó dưới 28 tuổi. Khách hàng sinh sau năm 2000 chiếm 8%.

Liu Di, CEO của Gengmei, cho biết thế hệ thanh thiếu niên sinh sau năm 2000 đều đặt ngoại hình lên đầu và coi đó là chìa khóa thành công. “Họ sống trong thời kỳ Internet và mạng xã hội phát triển. Với các em, ngoại hình bắt mắt, hấp dẫn giúp mình được xã hội công nhận nhiều hơn”, Liu Di nói.

Mùa hè năm 2017, vài tháng sau khi thi đại học, Fan Tiantian và mẹ đến bệnh viện nổi tiếng ở Cáp Nhĩ Tân, Hắc Long Giang, để phẫu thuật thẩm mỹ. Trong trường trung học của Tiantian, 10 người bạn khác đã cắt mí và sửa mũi. Tiantian nóng lòng muốn đẹp hơn như các bạn. “Kỳ nghỉ sau thi đại học là thời điểm vàng để tôi tút tát lại nhan sắc. Tôi sẽ có một khởi đầu mới ở trường đại học”, Tiantian chia sẻ.

Để phục vụ các khách hàng trẻ như Tiantian, nhiều phòng thẩm mỹ giảm giá mạnh cho sinh viên trong các dịp lễ, tháng vàng. Các thương hiệu này thậm chí còn cho khách hàng là sinh viên trả góp, vay tín dụng.

Bác sĩ chuẩn bị phẫu thuật cắt mí mắt cho một sinh viên tại Liêu Ninh. Ảnh: Sixth Tone.

Ngoại hình của Tiantian không xấu. Cô có dáng người cao, mảnh khảnh cùng sống mũi thẳng, đôi mắt cười hơi híp. Nhưng bạn cùng lớp vẫn luôn chế giễu Tiantian. “Nhiều bạn nam thời trung học thường cười phá lên và trêu chọc rằng mắt tôi như hai sợi chỉ. Khi có ngoại hình mới hoàn hảo hơn, tôi được nhiều người yêu quý”, cô gái này chia sẻ. Kèm theo đó, Tiantian lấy minh chứng bằng các trường hợp như cô học kém nhưng vẫn được giáo viên ưu ái hay nhiều người giúp đỡ vì ngoại hình ưa nhìn.

Cha mẹ luôn khen Tiantian dễ thương. Nhưng khi con gái đưa đề nghị phẫu thuật thẩm mỹ, họ không phản đối thậm chí, rất ủng hộ, nhất là mẹ. Theo Tiantian, cha mẹ của cô có suy nghĩ cởi mở và hiểu được giá trị của ngoại hình trong xã hội hiện đại.

Trong nhiều trường hợp, cha mẹ chính là người gợi ý cho con cái tìm đến "dao kéo" để đổi đời. Trước khi con gái của Lu Juan, Yihan, vào đại học, bà mẹ này đã nghĩ sẽ đưa con đi thẩm mỹ để cải thiện nhan sắc. Juan luôn chê bai, than thở con gái có đôi mắt một mí giống cha thay vì bồ câu như mẹ.

Mùa hè năm 2013, Juan đến phòng khám tư nhân của bạn ở Ninh Ba, Chiết Giang. Nhiều khách hàng phẫu thuật thẩm mỹ tại đây đều có độ tuổi rất trẻ. Những bức ảnh chụp trước và sau dao kéo hấp dẫn bà mẹ này. Juan coi rủi ro trong ca nhấn mí “rất thấp” và vì nhiều người đã làm. Bà mẹ này quyết định đưa con tới phẫu thuật.

Tại phòng khám, Yihan không chỉ cắt mí mắt. Theo lời gợi ý từ bác sĩ, cô gái này tiêm thêm filler để làm đầy thái dương, độn cằm và má baby, giúp khuôn mặt đối xứng, hài hòa hơn.

Khuôn mặt sưng húp của nữ sinh 20 tuổi sau khi phẫu thuật thẩm mỹ tại một bệnh viện ở Thanh Đảo, Sơn Đông. Ảnh: Sixth Tone.

"Nghiện" dao kéo và không ngừng chạy đua theo mốt

Ngoại hình trở thành nỗi ám ảnh nhiều nhất ở nữ giới. Trong suy nghĩ của giới trẻ Trung Quốc, phụ nữ ít nhất phải có mắt to, mũi cao, môi anh đào, cằm nhọn và làn da trắng. Các ca sĩ, diễn viên nổi tiếng được xem là mẫu hình nhan sắc lý tưởng cho những cô gái lấy đó làm mục tiêu.

Một số bệnh nhân bị rối loạn, ám ảnh ngoại hình và không bao giờ hài lòng vì vẻ ngoài của mình. Họ “nghiện” dao kéo, luôn muốn sửa đổi để phù hợp với chuẩn mực của xã hội. Mà chuẩn mực đó không cố định, mang tính xu hướng và thay đổi theo thời gian. “Cơ thể sẽ thay đổi khi họ già đi. Chiếc mũi nhân tạo thì không. Kết cục, họ trông rất kỳ cục”, bác sĩ phẫu thuật Shi Chengfang chia sẻ với Sixth Tone.

Thị trường dao kéo biến động nhanh theo nhu cầu của khách hàng. Báo cáo năm 2017 của Gengmei cho thấy thị trường có 60.000 phòng khám và 150.000 bác sĩ hoạt động không giấy phép. Sự hỗn loạn kéo theo nhiều hệ lụy.

Nhưng Chen Siqi không quan tâm tới điều đó. Cô hài lòng với chiếc mũi, cằm và đôi mắt đã được dao kéo tỉ mỉ. Chen dự định nâng xương lông mày và tiêm môi để nó đầy đặn hơn. Cô gái này cũng không màng đến việc phải chạy đua theo mốt để có khuôn mặt hợp xu hướng.

Phẫu thuật thẩm mỹ đã khá quen thuộc nhưng nhiều người vẫn phải đối mặt sự khinh miệt từ người thân, bạn bè hoặc đồng nghiệp. Zhang là sinh viên vừa tốt nghiệp đang đi tìm việc. Khi nhà tuyển dụng hỏi cô đã phẫu thuật thẩm mỹ chưa, Zhang thẳng thắn thừa nhận. Tuy nhiên, thái độ thiếu thiện cảm từ nhà tuyển dụng khiến Zhang không thoải mái.

Dù vậy, cô vẫn tin ngoại hình là điểm cộng giúp mình cạnh tranh so với các ứng viên khác. “Vẻ ngoài xinh đẹp giúp bạn tự tin, nổi bật giữa đám đông”, Zhang chia sẻ. Tuy nhiên, cô cũng phải thừa nhận điều đó chỉ giúp ích ở những công ty nhỏ. Doanh nghiệp lớn vẫn quan tâm khả năng đầu tiên, ngoại hình là yếu tố nhỏ đi kèm.

Zhang là người hâm mộ K-pop và phẫu thuật nhiều lần để giống thần tượng Sunmi. “Tất nhiên tự nhiên sẽ tốt hơn nhưng tôi thà xinh đẹp nhân tạo còn hơn xấu xí. Phẫu thuật thẩm mỹ giúp tôi trở thành người lý tưởng mà mình muốn. Tôi thấy mình sống thật hơn sau khi dao kéo”, cô gái nói.

Cô gái đã bay đến Hàn Quốc để phẫu thuật thẩm mỹ. Trải nghiệm đó đến giờ vẫn khiến Zhang kinh hãi. “Các bác sĩ nói tiếng Hàn, tôi chẳng hiểu lấy một từ. Nằm trần truồng trên bàn mổ, tôi thấy rất lạnh. Ánh đèn khổng lồ rọi xuống đầu, sau đó, họ bắt đầu gây mê. Khoảnh khắc kinh khủng nhất là lúc bạn chìm vào bất tỉnh”.

Tuy nhiên, Zhang vẫn cho rằng điều mình đánh đổi là xứng đáng. Cô đã chi hơn 200.000 nhân dân tệ để trùng tu nhan sắc như ý. Nhưng giờ đây, mỗi khi thấy ai đó xinh đẹp hơn, Zhang vẫn thầm ngưỡng mộ và không thể ngăn cảm giác muốn chỉnh sửa khuôn mặt, cơ thể tiếp.

Thiên Nhan

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nhieu-ban-tre-o-trung-quoc-vay-no-de-tan-trang-nhan-sac-post1149674.html