Nhiều bản nghèo biên giới gặp khó khi chưa có điện

Nhiều năm qua, tại những thôn bản khó khăn vùng sâu, vùng xa, thuộc huyện biên giới Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa người dân vẫn chỉ mơ ước có điện thắp sáng ban đêm, mong có điện để sử dụng những tiện nghi đơn giản của đời sống hiện đại.

Gia đình anh Hơ Văn Co, bản Cá Nọi, xã Pù Nhi phải nấu cơm xong trước khi trời tối vì không có điện lưới.

Gia đình anh Hơ Văn Co, bản Cá Nọi, xã Pù Nhi phải nấu cơm xong trước khi trời tối vì không có điện lưới.

Nhưng đến nay, trên địa bàn huyện vẫn còn 1.872 hộ dân với 9.551 nhân khẩu đang sinh sống tại 34/88 bản chưa được sử dụng điện lưới quốc gia. Phần lớn các hộ gia đình này phải dùng điện kéo tạm hoặc thắp đèn dầu, đèn pin.

Mường Lát là huyện biên giới nghèo nhất tỉnh Thanh Hóa, tại một số bản giáp đường biên giới Việt - Lào, cuộc sống của người dân tộc Mông, Dao, người Khơ Mú, Thái, Mường đang gặp nhiều khó khăn, hiện cả 8 xã, thị trấn thuộc huyện Mường Lát đã có điện lưới nhưng vẫn còn 34/88 bản chưa có điện lưới quốc gia.

Nguyên nhân là do các bản có người dân tộc thiểu số ở trên núi cao, phải có nguồn kinh phí lớn, trong khi nhu cầu sử dụng điện của người dân lại thấp. Tại những nơi đã có điện lưới, nhiều hộ dân chỉ sử dụng từ 15 - 20kWh, tương đương với số tiền khoảng từ 30.000 - 40.000 đồng/tháng.

Tại bản Cá Nọi, xã Pù Nhi đang có 114 hộ dân chưa được sử dụng điện lưới quốc gia, đây là một trong những thôn, bản khó khăn có nhiều người dân tộc Mông sinh sống. Do chưa có điện lưới quốc gia nên nhiều hộ dân phải dùng củi hoặc đèn pin thắp sáng vào ban đêm, cuộc sống của các hộ dân nơi đây đang gặp rất khó khăn, nghề nghiệp chính của các hộ chủ yếu đây là trồng rừng, làm ruộng, đi nương và trồng rau nên thu nhập đầu người rất thấp.

Một công trình điện lưới được nhà nước đầu tư xây dựng tại xã Pù Nhi, huyện Mường Lát, dự kiến cuối năm 2020 sẽ đóng điện tại 5 bản.

Anh Hơ Văn Co, trú tại bản Cá Nọi, xã Pù Nhi chia sẻ: Dù trời là ban ngày, nhưng bên trong nhà anh luôn như ban đêm, mỗi khi khách đến nhà chơi hoặc làm việc gì đó đề phải thắp đèn pin chiếu sáng do khu vực này nằm ngay giữa núi rừng. Không có điện gia đình anh không được tiếp cận thông tin liên lạc, không được xem ti vi, cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn. Hiện trên địa bàn đang được nhà nước đầu tư công trình điện lưới, mong công trình sớm hoàn thiện để gia đình anh và các hộ dân quanh vùng sẽ có điện sử dụng.

Là người dân tộc Mông với nghề chính là làm nông nghiệp, anh Hơ Văn Thành, trú tại bản Cá Nọi, xã Pù Nhi cho hay, gia đình anh phải nấu cơm, nấu canh bằng củi, đóm, bếp lửa để trong nhà rất nguy hiểm nhưng không thể không để vì còn phải đốt lửa thắp sáng.

Do chưa có điện gia đình không được tiếp cận các mô hình phát triển kinh tế mới trên báo đài nên cuộc sống khá khó khăn, công việc làm nông nghiệp của gia đình chỉ cho thu nhập hơn 7 triệu/năm.

Theo thông tin từ điện lực huyện Mường Lát, vào tháng 5/2020 vừa qua, Nhà nước đã đầu tư xây dựng các công trình điện về 5 bản gồm bản Cá Nọi, Cá Tớp, Pha Đén, Hua Pù, Pù Quăn, xã Pù Nhi. Dự kiến, cuối năm nay sẽ đóng điện rút ngắn số thôn bản chưa có điện xuống còn 29 thôn, bản.

Một công trình điện lưới được nhà nước đầu tư xây dựng tại xã Pù Nhi, huyện Mường Lát, dự kiến cuối năm 2020 sẽ đóng điện tại 5 bản.

Ông Bùi Huy Lương, Giám đốc điện lực huyện Mường Lát cho biết: Tại khu vực xã Pù Nhi đang triển khai đưa điện vào 5 thôn, bản, với tiến độ đặt ra của chủ đầu tư thì cuối năm nay các thôn, bản này sẽ đóng điện. Trong thời gian tới, điện lực huyện Mường Lát sẽ phối hợp tích cực với chính quyền địa phương tìm giải pháp nhanh nhất để đưa điện lưới quốc gia đến các thôn, bản đặc biệt khó khăn, theo mục tiêu đến năm 2025 sẽ đưa điện lưới quốc gia đến 100% các thôn, bản còn lại.

Bên cạnh đó, khi có điện người dân sẽ yên tâm lao động sản xuất, các em nhỏ sẽ được học hành vui chơi, tránh xa các tệ nạn xã hội, các hủ tục còn lạc hậu, giữ vững an ninh biên giới.

Ông Hoàng Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Lát cho hay, các bản chưa có điện lưới nhân dân gặp nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế xã hội, xóa đói giảm nghèo. Do đó, huyện cũng kiến nghị đề xuất UBND tỉnh Thanh Hóa, Tập đoàn điện lực Việt Nam đầu tư các công trình điện,để nhân dân có cuộc sống tốt hơn.

Theo thống kê của Sở Công Thương tỉnh Thanh Hóa, trên địa bàn tỉnh đang còn 73 bản chưa có điện lưới quốc gia, dự kiến 31/11/2020 sẽ đóng điện 28 thôn, bản, còn lại 45 thôn bản đầu tư sau giai đoạn 2020.

Ngoài huyện Mường Lát, vẫn đang có nhiều hộ dân sống tại các huyện miền núi Quan Sơn, Quan Hóa, Lang Chánh, Thường Xuân chưa đươc sử dụng điện lưới quốc gia. Chính vì vậy, các cấp bộ nghành trung ương và UBND tỉnh Thanh Hóa rất cần sớm đầu tư các công trình điện tới các thôn, bản đặc biệt khó khăn còn lại để góp phần phát triển kinh tế xã hội nơi các huyện nghèo vùng cao.

Tin, ảnh: Nguyễn Nam (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/xa-hoi/nhieu-ban-ngheo-bien-gioi-gap-kho-khi-chua-co-dien-20201111160844309.htm