Nhiều bản làng tan hoang sau lũ

Yên Bái trở thành nơi thiệt hại lớn nhất về người và của trong các đợt lũ, sạt lở đất tại miền núi phía Bắc vừa qua. Ðợt lũ này có bất thường mà chính lãnh đạo tỉnh này cũng đánh giá: Lũ diễn ra diện rộng, không chỉ xảy ra ở lưu vực sông, suối lớn như trước mà còn xảy ra tại các khe suối nhỏ…

Bộ đội sửa lại nhà cho người dân ở xã Sơn Lương.

Bản làng tang thương

Hiện đang là chuỗi ngày đau thương đối với người dân xã Sơn Lương (huyện Văn Chấn). Trận lũ lớn chưa rút hẳn, hậu quả của nó vẫn hiện diện trên từng nếp nhà, con đường, góc ruộng. Trong đó, 15 ngôi nhà bị sập đổ hoàn toàn, ba người dân của xã thiệt mạng.

Ở bản Tủ, xã Sơn Lương trưa 22/7, bà Ðinh Thị Quý đôi chân vẫn run rẩy như muốn khuỵu xuống; những nốt bầm tím, trầy xước chưa kịp khô da. Bà đau khổ kể: Lúc 4h 30 ngày 20/7, bà thấy nước lên, liền dọn đồ dưới sàn đưa lên gác. Chưa đầy một tiếng sau, nước ầm ầm đổ về, bà hô hoán chồng đang ngủ rồi chạy thục mạng. Bà vấp ngã, bị cuốn trôi, bám được vào cột nhà hàng xóm; nước rút, được hàng xóm kéo lên. Còn ông Hòa (chồng bà Quý) bị lũ cuốn trôi cùng với toàn bộ ngôi nhà, đã 3 ngày chưa tìm thấy thi thể.

Ông Hầu A Lềnh - Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam và ông Ðỗ Ðức Duy - Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái tặng quà, chia sẻ với người dân bị sập nhà tại xã Sơn Lương.

Bà Quý ở bản Tủ từ năm 1991; gia đình có 3 con gái đã gả chồng nhưng hai vợ chồng bà chưa lúc nào thoát khỏi danh sách hộ nghèo. Bây giờ, mọi thứ trong nhà bị cuốn đi hết, bàn thờ chồng được hàng xóm lập tạm ngoài trời, chờ tìm được xác mới làm lễ.

Ðau xót hơn là gia đình anh Lò Văn Dung. Anh Dung mới đi làm thợ xây được 3 ngày tại tỉnh Hà Nam thì em trai gọi về. Nghe điện thoại sáng thứ 6, hôm sau anh mới về đến nơi để chứng kiến vợ và đứa con gái 3 tuổi bị vùi trong lũ. Anh nghe hàng xóm kể lại: Khi lũ về, cả ba mẹ con đang ngủ, chỉ khi lũ dồn sập nhà mới kịp nhận ra. Hai mẹ con bị lũ cuốn; run rủi, cô con gái chân bị tật bị lũ đánh lên một gốc cây cạnh nhà nên thoát được. “Làm phụ hồ một tháng được 5 triệu đồng nhưng bây giờ mình không đi nữa, ở nhà làm lại nhà, nuôi con” - ông bố côi cút kể lại.

Lũ cục bộ, xuất hiện từng khe suối nhỏ

Theo anh Dung và hàng xóm, bản Tủ trong vòng 50-70 năm nay chưa lần nào có lũ lớn như lần này. Con suối chảy giữa bản quanh năm nước chảy róc rách, mưa lớn cũng không đến mức cuốn cả đất đá như lần này. Anh Dung nhìn lên ngọn núi Hủ, nơi nước dội về nói: “Trên đó, trước đây là rừng, bây giờ người ta chặt nhiều, trồng cao su nên nước về nhanh”.

Trao đổi với PV Tiền Phong tại hiện trường sạt lở khi đi khảo sát ở xã Sơn Lương này, ông Ðỗ Ðức Duy, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái đánh giá: Lũ năm nay rất bất thường. “Mọi năm, Yên Bái chỉ bị lũ một hai huyện, trong huyện chỉ bị một vài xã nhưng năm nay hầu hết các huyện thị đều có lũ. Trước đây, lũ chỉ xuất hiện trên các lưu vực sông lớn nhưng nay, các khe suối nhỏ cũng có lũ” - ông Duy nói.

Với câu hỏi, có phải lũ xuất hiện khắp nơi có phải do nạn phá rừng, chuyển đổi rừng tự nhiên sang rừng trồng, trong đó có rừng cao su nhưng không có biện pháp phòng ngừa? ông Duy cho hay: Ðó có thể là nguyên nhân nhưng theo khảo sát của chính bản thân ông, đợt lũ quét, sạt lở lần này không chỉ xảy ra ở rừng trồng mà còn xảy ra ở rừng tự nhiên. “Nguyên nhân về chất lượng rừng cần được nghiên cứu thêm nhưng trước mắt có thể thấy do lượng mưa quá lớn, làm vỡ kết cấu đất nên gây sạt, ngay cả phần đỉnh núi, nơi không tích nhiều nước cũng bị sạt” - ông Duy nói.

Ông Duy cho hay, hiện Chính phủ đã giao Bộ NN&PTNT xây dựng đề án đánh giá và đề ra giải pháp tổng thể của hiện tượng biến đổi khí hậu đối với vùng trung du, đồi núi phía Bắc. “Ðúng là lũ bất thường nhưng cần có đánh giá một cách tổng thể, khoa học để đưa ra các giải pháp hiệu quả, bền vững” - ông Duy đề nghị.

Sỹ Lực - Long Vân

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/xa-hoi/nhieu-ban-lang-tan-hoang-sau-lu-1304345.tpo