Nhiều băn khoăn về Dự thảo nghị định quy định về quản lý và tổ chức lễ hội

Ngày 24-11, Bộ VH-TT&DL tổ chức Hội thảo lấy ý kiến dự thảo nghị định quy định về quản lý và tổ chức lễ hội. Tại đây, các nhà nghiên cứu, nhà khoa học đã chỉ ra và phân tích những điểm trong dự thảo còn gây nhiều băn khoăn.

Dự thảo Nghị định Quy định về quản lý và tổ chức lễ hội gồm 4 chương 19 điều áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân Việt Nam; tổ chức, cá nhân nước ngoài tham gia hoạt động lễ hội trên lãnh thổ Việt Nam. Trong đó, Chương II về Tổ chức lễ hội là phần nội dung có nhiều điểm mới.

Theo đó, lễ hội văn hóa, lễ hội ngành nghề có quy mô toàn quốc hoặc khu vực, lễ hội có nguồn gốc từ nước ngoài được tổ chức lần đầu phải đăng ký với Bộ VH-TT&DL trước khi tổ chức. Lễ hội truyền thống được khôi phục sau thời gian gián đoạn; lễ hội văn hóa, lễ hội ngành nghề có quy mô cấp tỉnh được tổ chức lần đầu phải đăng ký với UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Đối với các lễ hội văn hóa, lễ hội ngành nghề có quy mô toàn quốc hoặc khu vực; lễ hội có nguồn gốc từ nước ngoài được tổ chức định kỳ phải thực hiện thông báo với Bộ VH-TT&DL trước khi tổ chức. Lễ hội truyền thống, lễ hội văn hóa, lễ hội ngành nghề có quy mô cấp tỉnh được tổ chức định kỳ phải thông báo với UBND cấp tỉnh trước khi tổ chức…

Vẫn còn nhiều băn khoăn trong dự thảo nghị định quy định về quản lý và tổ chức lễ hội. Ảnh minh họa.

Góp ý cho dự thảo nghị định ở nội dung loại bỏ những nghi thức kích động, GS.TS Lê Hồng Lý, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đề nghị Ban Soạn thảo phải hết sức cẩn trọng. Bởi một văn bản nhà nước nếu không cẩn thận thì sẽ thành cấm đoán, áp đặt.

“Chẳng hạn như việc chém lợn, sẽ có hai luồng ý kiến, tôi nghĩ là do cách làm của chúng ta chứ không phải là việc chém lợn là sai. Có những phong tục tập quán của chúng ta từ trước tới nay có truyền thống và phải hiểu nó thì mới thấy giá trị, mình phải giải thích cho người nước ngoài chứ không phải thấy người ta kêu thế mình cũng kêu theo là phản cảm thì không được”, ông Lý nói.

Về vấn đề trình tự tiếp nhận hồ sơ đăng ký lễ hội, GS.TS Lê Hồng Lý đề xuất: Festival hay tổ chức lễ hội mới thì quy định, còn nếu với lễ hội dân gian thì phải xem xét cái nào phải đăng ký cái nào không, cái nào phải xin phép cái nào không. Phải phù hợp với mục tiêu, ý nghĩa từng lễ hội, từng Festival chứ không phải cái nào cũng quy định thế.

Tiến sĩ Lê Thị Minh Lý, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát huy giá trị di sản văn hóa cho rằng, cần phải tách bạch khái niệm quản lý lễ và quản lý hội thành hai vấn đề khác nhau: “Chúng ta ngầm hiểu phạm vi điều chỉnh là quản lý lễ hội thì có bao gồm cả hội trong đó. Chúng tôi đọc cũng thấy đang quản lý hội cộng đồng. Nên cố gắng phân định rõ ràng đừng để hiểu nhầm. Trong này có nhầm lẫn là chỗ thì định hướng, chỗ thì quy định. Cần tách cái hội ra và cái này không bàn đến. Khi tách ra được như vậy thì sẽ rõ ràng về tư duy. Hà Nội có khoảng 1.300 vừa lễ vừa hội thì làm sao quản lý được? Cái đó để cộng đồng quản lý. Từ bao đời nay vẫn thế rồi. Cộng đồng truyền từ đời này sang đời khác bao lâu rồi thì mình còn quy định làm gì?”...

Phát biểu kết luận hội thảo, bà Ninh Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở, Bộ VH-TT-DL cho biết, Ban soạn thảo dự thảo nghị định ghi nhận, tiếp thu những ý kiến góp ý của các nhà nghiên cứu, nhà khoa học. Trong thời gian tới, Ban soạn thảo sẽ tiếp tục bàn bạc, thống nhất và hoàn thiện dự thảo trước khi trình lên các cấp có thẩm quyền.

Vũ Cảnh

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/chuyen-dong-van-hoa/nhieu-ban-khoan-ve-du-thao-nghi-dinh-quy-dinh-ve-quan-ly-va-to-chuc-le-hoi-467843/