Nhiều 'anh chị' ở phía Bắc vào TPHCM cho vay nặng lãi

Công an TPHCM xác nhận trên địa bàn có 873 đối tượng hoạt động cho vay trái pháp luật và vi phạm lãi suất, trong đó hơn 2/3 là người các tỉnh phía Bắc, không ít đối tượng đang bị điều tra, truy nã.

Một gia đình ở TPHCM bị xã hội đen "khủng bố" bằng sơn.

Sáng 5.12, kỳ họp lần thứ 12 HĐND TPHCM khóa IX, nhiệm kỳ 2016-2021 tiếp tục diễn ra với phiên thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế - xã hội năm 2018 và hoạt động năm 2019.

Cuối phiên thảo luận, Thiếu tướng Phan Anh Minh - Phó giám đốc Công an TPHCM đã dành nhiều thời gian nói về tình trạng cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê có biểu hiện gia tăng gây bất ổn xã hội.

Theo thiếu tướng Phan Anh Minh, hiện tượng cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê trong thời gian qua tại TPHCM khiến dư luận rất bức xúc. Theo thiếu tướng Minh, xuất phát từ nhu cầu vay vốn của một bộ phận người dân, doanh nghiệp nhỏ, loại tội phạm này đánh trúng vào tâm lý của người vay nhanh gọn.

Ông Minh cho biết các đơn vị công an xác nhận trên địa bàn TPHCM có 873 đối tượng hoạt động cho vay trái pháp luật và vi phạm lãi suất. Trong đó hơn 2/3 là người các tỉnh phía bắc, không ít đối tượng đang bị điều tra, truy nã.

Thiếu tướng Phan Anh Minh - Phó giám đốc Công an TPHCM phát biểu về vấn đề cho vay nặng lãi.

Theo Thiếu tướng Phan Anh Minh, năm 2014 bình quân một tháng xảy ra 1 vụ án hình sự là hệ quả của hoạt động cho vay trái pháp luật, nhưng hiện nay một tháng xảy ra khoảng 4 vụ, nhẹ nhất là xâm phạm về chỗ ở, nặng hơn là cố ý gây thương tích, cưỡng đoạt, hủy hoại tài sản, nặng nhất là giết người. Đáng báo động, năm 2018 có 3 vụ giết người mà nguyên nhân là thu hồi nợ không được.

Cũng trong năm 2018, lực lượng công an đã kiểm tra, phát hiện lập biên bản 60 nhóm với hơn 320 đối tượng vi phạm. Tuy nhiên hầu hết chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính và những vi phạm không đáng kể như không đăng ký tạm trú, gây mất trật tự công cộng…

Nói về các vướng mắc, Thiếu tướng Phan Anh Minh cho biết trước năm 2018, theo lLuật Hình sự cũ gần như không vụ nào có thể khởi tố được. Vì luật quy định tình tiết luận tội phải có tính chất bóc lột, chuyên nghiệp và hàng loạt ràng buộc khác. Nhưng nạn nhân không phải người lao động nên không thể có bóc lột.

Đến 2018 có Luật Hình sự mới, quy định lãi suất khoảng 8,33%/tháng bị xem là có vi phạm và thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng trở lên thì hình phạt là cải tạo không giam giữ.

“Thu lợi bất chính đến 100 triệu đồng thì hình phạt cao nhất là ba năm tù nhưng không được tạm giam. Đây là chỗ vướng mắc” - ông Minh nói.

Thiếu tướng Phan Anh Minh cũng cho biết tội cho vay nặng lãi hiện nằm trong nhóm tội vi phạm tài chính của ngân hàng chứ không phải tội hình sự. Hiện nay trong toàn bộ hệ thống luật hành chính, không có vi phạm về cho vay vượt lãi suất quy định.

“Trước đây chúng ta ngộ nhận đó là giao dịch dân sự do các bên tự thỏa thuận với nhau. Khi các bên có tranh chấp về lãi suất thì tòa án sẽ giải quyết. Đây là sơ hở của pháp luật” - ông Minh lý giải.

Về hướng giải quyết, ông Minh thông tin hiện một số nghị định đang được lấy ý kiến sửa đổi. Nếu sửa đồng bộ và có hệ thống thì sẽ có cơ sở pháp lý để xử lý các vi phạm này một cách căn cơ.

Riêng Công an TPHCM hiện phải giải quyết bằng các giải pháp như trong kế hoạch cao điểm phòng, chống tội phạm có nội dung đấu tranh với tín dụng đen.

Công an TPHCM cũng có đề án tăng cường chất lượng hoạt động của công an phường, xã, trong đó có nội dung quản chặt nhân khẩu, sớm phát hiện các đối tượng có vấn đề trên địa bàn.

MINH QUÂN - NGÔ SƠN

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/phap-luat/nhieu-anh-chi-o-phia-bac-vao-tphcm-cho-vay-nang-lai-644985.ldo