Nhiệt điện than bị phản đối dù Myanmar khát điện

Nhiệt điện than bị phản đối mạnh mẽ ở Myanmar do những quan ngại về ô nhiễm môi trường.

Tại các thành phố lớn ở Myanmar, cúp điện là chuyện thường xuyên và chỉ có khoảng 34% dân số được cung cấp điện.

Bên cạnh việc phục vụ nhu cầu sinh hoạt thì điện được xem là nguồn năng lượng thúc đẩy phát triển và thu hút đầu tư nước ngoài. Đây là một trong những ưu tiên hàng đầu kể từ khi Myanmar có nhiều chính sách mở cửa và thu hút đầu tư từ năm 2011, cũng như nhờ yếu tố thuận lợi là Mỹ dỡ bỏ toàn bộ cấm vận kinh tế với nước này vào năm ngoái.

Chiến dịch chống điện than ở Myanmar. Ảnh: Chụp màn hình Eleven Myanmar

Chiến dịch chống điện than ở Myanmar. Ảnh: Chụp màn hình Eleven Myanmar

Tuy nhiên, đầu tư nước ngoài trực tiếp vào Myanmar chỉ còn 6,6 tỷ USD (150.000 tỷ đồng) trong tài khóa 2016/2017, giảm 30% so với tài khóa trước. Điều này khiến chính quyền ráo riết tìm các nguồn cung cấp điện.

Myanmar đặt mục tiêu tăng sản lượng điện lên 23.500 MW vào năm 2030, gấp 4 lần so với hiện tại nhằm phục vụ nhu cầu tăng nhanh.

Dù thiếu điện trầm trọng nhưng người dân Myanmar và các tổ chức môi trường lại phản đối mạnh mẽ nhiệt điện than.

Hiện điện than chỉ góp khoảng 1% tổng sản lượng điện ở Myanmar, trong khi chính phủ muốn tăng tỷ lệ này lên 30% vào năm 2030.

Mới đây, liên doanh Thái Lan - Nhật Bản Toyo Thai dự kiến xây 2 nhà máy điện than tại bang Mon và bang Kayin ở miền đông nam với mỗi nhà máy có vốn đầu tư 3 triệu USD và công suất 1.280 MW.

Dự kiến nhà máy tại bang Mon sẽ động thổ trong năm nay trong khi nhà máy còn lại vẫn còn đang ở giai đoạn nghiên cứu.

Cả hai dự án đều gây lo ngại về những ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe người dân. Hơn 100 tổ chức đã ký chung đơn kêu gọi chính phủ hủy dự án và phát triển năng lượng tái tạo.

Đa số người dân tại khu vực này sống nhờ nông nghiệp và điều họ lo nhất là đất đai, nguồn nước không còn có thể sử dụng để trồng trọt.

Trước đó, chính phủ của cựu Tổng thống Thein Sein đã dừng 10 dự án điện than do vấp phải phản đối. Một số chuyên gia phương Tây cũng khuyên Myanmar không nên phát triển điện than vì nước này sẽ phải nhập khẩu than dẫn đến chảy máu ngoại tệ.

Ông Soe Hlaing, người đứng đầu cơ quan năng lượng bang Kayin, cho biết chính phủ sẽ xúc tiến các dự án điện than nếu “có đủ sự ủng hộ của dư luận”.

Tờ The Myanmar Times mới đây dẫn lời một quan chức cấp cao Bộ Điện và Năng lượng Myanmar khẳng định chính phủ chỉ cho phép nhà đầu tư đến từ các quốc gia có công nghệ hiện đại đầu tư điện than và thủy điện để giảm thiểu tác động môi trường.

Trên thế giới hiện nay, xu hướng đoạn tuyệt với nhiệt điện than đang ngày một gia tăng mạnh mẽ, đặc biệt là ở tại nước phát triển như Anh, Pháp, Mỹ, Canada...

Ngược lại, tại Việt Nam, đến năm 2030, phát triển nhiệt điện than vẫn là bước đi không thể thiếu.

Theo thống kê, cả nước hiện có khoảng 20 nhà máy nhiệt điện than đang vận hành với tổng công suất đặt máy 13.110 MW, tiêu thụ khoảng 45 triệu tấn than/năm.

Dự kiến tới năm 2020 có thêm 12 dự án nhiệt điện than được đưa vào hoạt động và tổng công suất lắp đặt là 24.370 MW.

Theo Quy hoạch điện VII, Việt Nam sẽ có thêm 40 nhà máy nhiệt điện than vào năm 2030.

Trả lời báo chí, lãnh đạo Tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng, Bộ Công thương cho biết: Áp lực tăng trưởng điện trong giai đoạn 2016-2030, vẫn còn rất lớn. Trong đó, nhiệt điện than đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an ninh năng lượng.

Cụ thể, đến năm 2020, tổng công suất nhiệt điện than khoảng 26.000 MW chiếm 49,3% điện sản xuất; năm 2025 đạt khoảng 47.600 MW, chiếm 55% điện sản xuất; năm 2030 đạt 55.300MW chiếm 53,2% điện sản xuất.

Minh Thái

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/khoa-hoc/khoa-hoc/nhiet-dien-than-bi-phan-doi-du-myanmar-khat-dien-3339177/