Nhiệt điện sẽ không còn là 'trụ cột'

Khuyến khích phát triển mạnh mẽ các nguồn năng lượng tái tạo, giảm thiểu và hạn chế các dự án nhiệt điện - đó là nội dung đáng chú ý được đưa ra tại dự thảo Đề án Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn tới năm 2045 (Quy hoạch Điện VIII).

Nhiệt điện than không còn được ưu tiên trong Đề án Quy hoạch điện VIII.

Nhiệt điện than không còn được ưu tiên trong Đề án Quy hoạch điện VIII.

Giảm thiểu nhiệt điện

Thủ tướng Chính phủ vừa yêu cầu Bộ Công thương khẩn trương trình và Hội đồng Thẩm định khẩn trương thẩm định Đề án Quy hoạch Điện VIII, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 10/3/2021.

Theo Dự thảo Đề án Quy hoạch Điện VIII với dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam giai đoạn 2021-2030 đạt bình quân 6,6%/ năm, giai đoạn 2031-2045 bình quân 5,7%/ năm, dự báo điện thương phẩm năm 2030 đạt 491 tỉ kWh, năm 2045 đạt 877 tỉ kWh. Hệ số đàn hồi điện thương phẩm/GDP đạt 1,13 lần năm 2030 và giảm xuống 0,58 lần năm 2045 (năm 2020 hệ số này là 1,20).

Đối với chương trình phát triển nguồn điện, theo dự thảo, tới năm 2030, tổng công suất đặt nguồn điện của Việt Nam đạt 137,2 GW. Năm 2045 tổng công suất đặt của nguồn điện đạt gần 276,7GW . Theo Bộ Công thương, so với Quy hoạch điện VII, trong giai đoạn đến 2030, chương trình phát triển nguồn điện của Quy hoạch VIII có những thay đổi lớn. Thứ nhất, phát triển với quy mô lớn nguồn điện gió, điện mặt trời (công suất nguồn điện gió gấp 3 lần và điện mặt trời gần gấp 2 lần so với QHĐ VII ĐC). Thứ hai, chỉ tiếp tục xây dựng các dự án nhiệt điện than đang xây dựng và đang xúc tiến đầu tư để có thể vào vận hành trong giai đoạn 2021-2025. Thứ ba, xây dựng thêm nguồn điện khí sử dụng LNG (CCGT) ở miền Bắc và nguồn điện linh hoạt (ICE) ở cả hai miền Bắc và Nam

Dự thảo Quy hoạch Điện VIII cũng nêu rõ, trong giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 sẽ khuyến khích phát triển mạnh mẽ năng lượng tái tạo (ngoài thủy điện), từ khoảng 13% năm 2020 lên tới gần 30% năm 2030 và 44% năm 2045. Đây là xu hướng phù hợp với sự phát triển của trên thế giới.

Cụ thể, giai đoạn 2021-2030 , cơ cấu công suất có sự thay đổi theo hướng giảm dần tỷ trọng nhiệt điện than từ 34% năm 2020 xuống còn 27% vào năm 2030, trong giai đoạn này không phát triển thêm nhiệt điện than mới ngoài các nhà máy nhiệt điện than đang trong quá trình xây dựng, và đang xúc tiến đầu tư để có thể vào vận hành trong giai đoạn 2021-2025.

Cần tiếp tục bổ sung cho Sơ đồ điện VIII

Đánh giá về Dự thảo Quy hoạch Điện VIII, chuyên gia ngành năng lượng, TS Ngô Đức Lâm nhận định, so với Quy hoạch điện VII, đây là bản Quy hoạch có nhiều điểm nổi trội, thể hiện sự tiến bộ rõ rệt.

Theo ông Lâm, Quy hoạch điện VII có hai điểm yếu. Một là đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội chưa chuẩn nên ngay khi Quy hoạch điện VII “chào đời” đã phải điều chỉnh rồi. Thứ hai, bản Quy hoạch này đã đánh giá xu hướng phát triển điện lực không đúng với xu hướng thế giới, trong khi cả thế giới giảm phát triển nhiệt điện than, hướng đến năng lượng tái tạo, thì Việt Nam lại thúc đẩy sự phát triển của nhiệt điện than, dẫn đến thực trạng thời gian qua không thu hút được vốn vào lĩnh vực này.

“Quy hoạch VIII ưu việt hơn hẳn so với 7 tổng sơ đồ vừa qua. Lần đầu tiên bản quy hoạch VIII đã bám sát chính sách phát triển và chiến lược năng lượng của Nhà nước, đó là bám vào Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị và chiến lược phát triển năng lượng Việt Nam” - TS Lâm nhấn mạnh đồng thời khẳng định, chỉ tiêu về năng lượng tái tạo kể cả về công suất lẫn sản lượng hoàn toàn phù hợp với sự phát triển chung của thế giới. Điều này chưa tổng sơ đồ nào làm được. Thứ hai, chú ý đến sự phát triển của năng lượng tái tạo, đưa vào tất cả các tiêu chí đều phải tính toán đến môi trường, rác thải, chất thải... để làm sao có chi phí thấp nhất, lần đầu tiên lượng hóa được câu chuyện về môi trường. Đó cũng là một điểm được.

Thứ ba, chưa bao giờ huy động được các tài nguyên sơ cấp trong nước như Sơ đồ VIII. Tổng sơ đồ VIII khai thác triệt để tới mức, năm 2030 là công suất của năng lượng mặt trời là 58%. Lần đầu tiên trong lịch sử, than không còn là trụ cột của phát triển năng lượng nước nhà nữa, thay vào đó là các nguồn năng lượng tái tạo. Và như vậy, những lo lắng về nguồn cung, về tình trạng thiếu điện sẽ không còn là nỗi lo thường trực.

Mặc dù có nhiều điểm ưu việt hơn hẳn so với Quy hoạch VII, song TS Lâm cũng thấy còn nhiều điểm cần phải hoàn thiện khi bản Quy hoach VIII vẫn chưa được thiết kế hoàn chỉnh. Theo ông Lâm, Quy hoạch VIII vẫn còn luẩn quẩn trong cái nhiệt điện than, vẫn còn tư duy phát triển các dự án nhiệt điện than cũ, nhưng vẫn tiếp tục phát triển thêm dự án mới, rồi tính đến việc nhập khẩu thêm hàng triệu tấn than. “Tại sao chúng ta vẫn còn tư duy nhập khẩu than để phát triển nhiệt điện trong khi nguồn năng lượng tái tạo của chúng ta đang rất dồi dào như điện gió, mặt trời, còn chưa nói đến khí” - ông Lâm đặt câu hỏi.

Bên cạnh đó, vị chuyên gia cũng nhấn mạnh, Tổng sơ đồ VIII chưa đưa khí vào nhưng như vậy không có nghĩa là bỏ qua. Chúng ta còn rất nhiều tiềm năng để khai thác khí cho phát triển điện. Nguồn năng lượng khí đang còn rất dồi dào. Kể cả việc nhập khí cũng vẫn hợp lý hơn rất nhiều so với nhập than khi nói đến bài toán kinh tế.

Theo ông Lâm, vẫn có thể để các dự án nhiệt điện cũ đang hoạt động sử dụng nguồn than trong nước. Còn đối với những nhà máy đang chủ trương xây, đang thương lượng xây dựng, tốt nhất là xem xét và cân nhắc kỹ lưỡng, trong khi đang khó thu hút nguồn vốn, cộng với bài toán môi trường. Việc phát triển thêm các dự án nhiệt điện mới hoàn toàn không khả thi.

Đại diện cho doanh nghiệp trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, ông Phạm Nam Phong - Chủ tịch Vũ Phong Energy Group cho rằng, Quy hoạch điện VIII cần có chính sách phát triển điện mặt trời phân tán, ưu tiên phát triển nơi tiêu thụ nhiều, ít nhu cầu phát lưới và khuyến khích hệ thống tích trữ năng lượng.

TS Ngô Đức Lâm - chuyên gia năng lượng thuộc Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam nhấn mạnh về vai trò của thị trường điện cạnh tranh, chấm dứt độc quyền trong ngành điện. Riêng về Đề án Quy hoạch Điện VIII, theo TS Lâm, nếu chưa có chính sách về thị trường điện năng hoàn chỉnh thì liệu quy hoạch này có đảm bảo thực hiện được không?

Duy Phương

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/nhiet-dien-se-khong-con-la-tru-cot-555427.html