Nhiệt điện cạn kiệt than: Dừng hoạt động hay chuyển đổi?

Nhiều nhà máy nhiệt điện của Việt Nam đang rơi vào tình trạng cạn kiệt nguồn than cung cấp và đối mặt với nguy cơ dừng hoạt động.

Nguy cơ dừng hoạt động

Những nhà máy nhiệt điện rơi vào tình trạng trên được báo Pháp luật TP.HCM điểm danh, gồm Nhà máy Nhiệt điện Quảng Ninh, Nhà máy nhiệt điện Hải Phòng, Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình...

Cụ thể, do khan hiếm than, từ ngày 17/11, Nhiệt điện Quảng Ninh đã phải dừng 2 tổ máy số 1 và số 2 (giảm 600MW) để đảm bảo đủ than duy trì 2 tổ máy còn lại.

Tới thời điểm này, Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã cung cấp cho đơn vị này 2,57 triệu tấn than, Tổng Công ty Đông Bắc đã cung cấp 395.000 tấn than. Theo hợp đồng cung cấp, đến hết năm 2018, doanh nghiệp này chỉ còn được cung cấp khoảng 255.000 tấn.

Trong khi đó, sản lượng điện thương phẩm theo kế hoạch phát điện phải tháng 11 và 12 phải đạt 1,14 tỷ KWh, tương ứng với lượng than là 660.000 tấn. Như vậy, lượng than thiếu hụt là 405.000 tấn. Dù có được TKV cung cấp bổ sung tăng thêm 10% hợp đồng là 260.000 tấn, lượng than thiếu hụt sẽ là 145.000 tấn.

Nếu 2 nhà cung cấp than không bổ sung khối lượng than tăng thêm 10% theo quy định của hợp đồng, có thể từ 24/11, Nhiệt điện Quảng Ninh sẽ phải dừng hoạt động cả 4 tổ máy đến hết năm 2018.

Nhiệt điện than Quảng Ninh có nguy cơ dừng hoạt động vì thiếu than

Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), những ngày gần đây, tình hình cấp than cho các nhà máy nhiệt điện càng trở nên cấp bách khi lượng than dự trữ đã giảm xuống rất thấp. Nhiệt điện Quảng Ninh chỉ còn 8.800 tấn (không đủ 1 ngày vận hành), Nhiệt điện Hải Phòng còn hơn 66.700 tấn (5 ngày vận hành) có thể sẽ phải dừng 2 tổ máy trong một vài ngày tới.

Do năng lực của TKV theo giấy phép khai thác chỉ đạt 36-37 triệu tấn/năm than sạch, TKV phải nhập khẩu than (năm 2019 khoảng 4 triệu tấn, 2020 khoảng 9 triệu tấn, đến 2030 khoảng 16 triệu tấn) pha trộn để đáp ứng nhu cầu về than cho nền kinh tế, nhất là các nhà máy nhiệt điện.

Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong 10 tháng đầu năm 2018, Việt Nam đã phải nhập hơn 17,3 triệu tấn than từ các nước với giá cả đắt hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước.

Lượng nhập than về Việt Nam 10 tháng qua đã tăng hơn 5,6 triệu tấn so với cùng kỳ năm 2017 và gần 6 triệu tấn so với cùng kỳ năm 2016.

Giá than 10 tháng qua Việt Nam nhập về trung bình là 2,7 triệu đồng/tấn, đắt hơn 400.000 đồng/tấn so với giá nhập than 10 tháng 2017 (2,3 triệu đồng/tấn) và đắt hơn 1,2 triệu đồng/tấn so với cùng kỳ 2016 (1,5 triệu đồng/tấn).

Trong khi giá nhập than vào Việt Nam tăng mạnh, giá loại than xuất khẩu tốt nhất của Việt Nam cũng chỉ đạt 3 triệu đồng/tấn, đây chủ yếu là dòng than Antraxit có chất lượng cao ưu tiên dành cho xuất khẩu.

Không cần xây thêm nhà máy điện than mới

Theo Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID), việc nhập khẩu một khối lượng lớn than trong khi Việt Nam chưa có một kế hoạch cụ thể nào về ngân sách, phương tiện vận chuyển, các cảng bốc dỡ là một rủi ro rất lớn. Những rủi ro ấy có thể là rủi ro về thể chế (can thiệp bất ngờ từ chính phủ nước xuất khẩu), rủi ro về thị trường (biến động giá cả, khả năng có hay không có than, cạnh tranh với người mua mới) và rủi ro về tiền tệ (lạm phát, các thay đổi về thuế). Tất cả những nhân tố này có thể chi phối mạnh mẽ thị trường năng lượng tại Việt Nam.

GreenID đưa ra đề xuất thay đổi cơ cấu nguồn điện theo hướng: đến năm 2030 tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo từ khoảng 21% lên khoảng 30%; tăng tỷ trọng nhiệt điện khí từ khoảng 14,7% lên khoảng 22,8%; và giảm tỷ trọng của nhiệt điện than từ khoảng 42,6% xuống còn khoảng 24,4%.

Các nhà nghiên cứu của GreenID tin rằng, sau năm 2020, Việt Nam có khả năng không cần xây dựng thêm các nhà máy điện than mới mà vẫn đảm bảo được hệ thống năng lượng an toàn và khả thi về kinh tế.

Đối với nhiệt điện khí, cũng giống như than, Việt Nam có nguồn khí đốt
trong nước, nhưng trữ lượng nhiên liệu này là hữu hạn. Dần dần các nhà máy nhiệt
điện khí sẽ phụ thuộc vào nhiên liệu nhập khẩu.

Tuy nhiên, so với nhập khẩu than thì nhập khẩu khí đốt có lợi hơn khối lượng nhập khẩu khí chỉ bằng 1/3 so với than.

Đối với dạng năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng gió và mặt trời, Việt Nam có tiềm năng rất lớn để phát triển. Phần lớn tiềm năng năng lượng tái tạo ở Việt Nam vẫn chưa được khai thác. Chỉ 2.503 MW năng lượng tái tạo được khai thác cho đến năm 2015 so với tổng tiềm năng kỹ thuật là 329.708 MW. Năng lượng mặt trời và năng lượng gió đứng đầu với tiềm năng kỹ thuật lần lượt là 339.600 MW và 26.760 MW.

Năng lượng gió và năng lượng mặt trời thường được cho là dạng năng lượng không ổn định do phụ thuộc vào điều kiện thời tiết. Tuy nhiên, vấn đề này có thể giải quyết được bằng hệ thống lưu trữ năng lượng, ví dụ như thủy điện tích năng, giúp lưu trữ khi thừa điện và phát vào lưới khi thiếu. Những hệ thống lưu trữ điện như vậy nâng cao độ tin cậy của hệ thống và giảm tình trạng mất điện.

Minh Thái (Tổng hợp)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/thi-truong/nhiet-dien-can-kiet-than-dung-hoat-dong-hay-chuyen-doi-3369776/