Nhiếp ảnh gia tâm huyết với môi trường biển

Vừa qua, nhiếp ảnh gia Nguyễn Việt Hùng (nghệ danh Lê-ki-ma Hùng) đã gây ấn tượng với triển lãm 'Hãy cứu biển', trưng bày hơn 100 bức ảnh về rác thải ở biển. Với hành trang một chiếc xe máy cùng thiết bị tác nghiệp, Lê-ki-ma Hùng có hành trình chụp ảnh dọc theo hơn 3.000 km bờ biển, tại 28 tỉnh, thành phố và hơn 100 cửa sông. Phía sau triển lãm này là niềm trăn trở và những câu chuyện ý nghĩa về môi trường biển của tác giả.

Nhiếp ảnh gia Lê-ki-ma Hùng tại triển lãm "Hãy cứu biển". Ảnh: LPA

Nhiếp ảnh gia Lê-ki-ma Hùng tại triển lãm "Hãy cứu biển". Ảnh: LPA

Lê-Ki-Ma Hùng sinh năm 1977 tại Hà Nội. Trước khi chạm ngõ nhiếp ảnh, anh là cựu sinh viên Trường đại học Kinh tế quốc dân. Nghệ danh của anh bắt nguồn từ loài hoa lê-ki-ma thuở nhỏ vẫn chơi đồ hàng, giúp những người bạn gái nhỏ xâu vòng hoặc ngày Tết cổ truyền trèo hái để bố, mẹ bày trên mâm lễ. Anh chia sẻ, ấn tượng về loài hoa mộc mạc, ít sắc mầu, không phô trương ấy là ngay cả khi rụng xuống đất vẫn đẹp đẽ, tươi mới.

Hơn 100 bức ảnh trong triển lãm "Hãy cứu biển" được lựa chọn từ 3.000 bức ảnh, tác giả sắp xếp theo nội dung, địa điểm và thời gian chụp giúp người xem dễ hình dung về bức tranh tổng thể thực trạng rác thải nhựa xuyên suốt bờ biển Việt Nam. Nói về ý tưởng, cảm hứng thực hiện bộ sưu tập, Lê-ki-ma Hùng cho biết, cách đây 5 năm, anh nhận tin mẹ mình bị bệnh ung thư, bác sĩ nói căn nguyên có thể xuất phát từ ảnh hưởng của hạt vi nhựa. Anh lên mạng tìm hiểu mọi thông tin liên quan rồi ngỡ ngàng khi biết Việt Nam nằm trong bảng xếp hạng cảnh báo về rác thải nhựa trên thế giới. Vốn làm nghề nhiếp ảnh, dạy nhiếp ảnh, anh tin giá trị thông tin, cảm xúc của từng tác phẩm sẽ thay đổi nhận thức, hành động của cộng đồng cho nên quyết định lên đường.

Hành trình "săn" rác thải biển giúp Lê-ki-ma Hùng tiếp cận nhiều câu chuyện ám ảnh. Chẳng hạn, ở bãi biển Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận có những dòng kênh không nhìn thấy nước, chỉ toàn rác thải nhựa nổi lềnh phềnh. Mỗi ngày, sáng chiều đều rất đông trẻ con chơi đùa ở chính môi trường độc hại ấy. Tương tự, nhiều bãi biển dài đến vài ki-lô-mét, không thấy cát đâu, trở thành nơi con người xả rác. Lê-ki-ma Hùng chớp được khoảnh khắc người dân quăng rác như thể tập thể dục buổi sáng với biểu hiện vô cảm. Muôn vàn lý do được đưa ra, nào không có thùng rác, không cách xử lý cho nên đành đốt ngay tại bãi rác, cháy rụi luôn cây cối chung quanh. Lê-ki-ma Hùng chia sẻ: "Tôi luôn tự hỏi ở những khu trung tâm, đang phát triển du lịch mà còn như vậy thì vùng sâu vùng xa, làng quê hẻo lánh sẽ thế nào? Mục đích của tôi qua triển lãm là giúp mọi người hình dung được điều gì đang xảy ra, hậu quả sẽ ra sao nếu không biết bảo vệ, cải thiện môi trường. Tôi cũng mong muốn câu chuyện của mình được lan tỏa, truyền cảm hứng mạnh mẽ tới cộng đồng, nhằm góp phần thay đổi nhận thức, thúc đẩy những hành động tích cực và sự quan tâm hơn nữa từ các sở, ban, ngành trong cuộc chiến chống lại rác thải nhựa".

"Hãy cứu biển" còn thu hút nhiều du khách, nghệ sĩ nước ngoài quan tâm, bình luận. Lê-ki-ma Hùng cho biết, câu chuyện bằng ảnh anh kể về rác không thi vị nhưng đó là câu chuyện chân thực đến nhức nhối, xót xa. Tác giả tin, triển lãm sẽ có ích vì ai cũng thấy mình trong đó.

Tại triển lãm, chúng tôi gặp những khán giả đặc biệt. Kỹ sư Trần Vũ Thành, người đi Trường Sa bảy lần, chủ nhiệm các công trình máy lọc nước biển thành nước ngọt, máy ép rác đặt trên điểm đảo và nhà giàn, cũng là một người đam mê nhiếp ảnh. Anh Thành cho hay, nạn rác thải không chỉ ở đất liền mà nơi đảo xa cũng rất nan giải. Rác không phải từ đảo xả ra mà là loại rác "không quốc tịch" trôi nổi trên biển, theo sóng dạt vào. Ý thức cao về môi trường, bộ đội mỗi ngày đều phải gom nhặt, đập dập rác thải nhựa cho vào bao tải, chờ tàu chở vào đất liền xử lý. Ở Trường Sa, từ vỏ đồ hộp, lon nhựa đựng đồ uống đều được kiểm soát chặt chẽ. Ngoài lượng rác tái chế thành chậu trồng cây, hộp bút, đồ lưu niệm… hoặc đơn giản hơn, vỏ đồ hộp dùng kê chân giường cho khỏi mục, còn lại rác được cho vào máy ép, rút gọn 80% thể tích. Trong điều kiện còn nhiều khó khăn, các chiến sĩ đảo xa đã và đang chung tay bảo vệ môi trường bằng mọi cách. Lê-ki-ma Hùng cũng đã đi Trường Sa cho nên rất đồng cảm trước thực trạng đó, anh hy vọng từ những hành động nhỏ bé, thiết thực nhưng nếu cùng góp sức lại thì câu chuyện lớn về rác thải, cụ thể là rác thải biển có thể được giải quyết.

THỤY PHƯƠNG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/vanhoa/dong-chay/item/40866302-nhiep-anh-gia-tam-huyet-voi-moi-truong-bien.html