Nhiếp ảnh gia Tâm Bùi: 'Phim 'Vợ ba' bị bức tử đúng như thân phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến'

Với bối cảnh cuối thế kỷ 19 ở làng quê Việt Nam, 'Vợ ba' kể về cô gái trẻ tên Mây được gả làm vợ lẽ cho chủ đồn điền giàu có thời đó. Cái kết của 'Vợ ba'' trên màn ảnh và ngoài đời thật được travel blogger/nhiếp ảnh gia Tâm Bùi đánh giá là khá giống nhau:' Phim 'Vợ ba' bị bức tử đúng như thân phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến.'

Lâu lắm mới có một phim Việt Nam khiến tôi ngưỡng mộ, trầm trồ, thèm muốn được làm phim như “Vợ ba”. Kể cả khi tôi chưa xem trailer, chỉ nhìn qua vài tấm poster. Tôi thích từ ánh mắt đầy số phận của diễn viên cho đến cách sử dụng ánh sáng, chọn bối cảnh lẫn thiết kế trang phục. Và may mắn, tôi đã kịp là 1 trong 40 ngàn người được coi “Vợ ba” ngay trên màn ảnh rộng ở Việt Nam trước khi phim chính thức ngừng chiếu.

Ở góc nhìn là một khán giả yêu nghệ thuật, Tâm Bùi khá tiếc nuối khi phim không được nhiều khán giả đón nhận.

Ở góc nhìn là một khán giả yêu nghệ thuật, Tâm Bùi khá tiếc nuối khi phim không được nhiều khán giả đón nhận.

“Vợ ba” là kịch bản tốt nghiệp của nữ đạo diễn Ash Mayfair (tên thật Nguyễn Phương Anh), sau rất nhiều phim ngắn mà bạn đã làm. Theo tôi, kịch bản hình ảnh và mạch câu chuyện được trau chuốt khá kĩ lưỡng. Nó không phải cố gắng làm màu cho ra vẻ nghệ thuật như nhiều phim tôi đã từng xem. Mọi thứ đơn giản, không quá nhiều lời thoại, chỉ khai thác ngôn ngữ hình ảnh, cơ thể và ánh mắt của diễn viên. Tôi cho rằng, một bộ phim mà tỉ lệ % lời thoại nhiều chứng tỏ sự bất lực trong khả năng thể hiện hình ảnh của đạo diễn. Ở “Vợ ba”, thoại chiếm khoảng 10% thời lượng, có thể là rất ít nhưng đắt giá vì đúng điểm rơi. Việc đạo diễn dành nhiều công sức để dàn dựng ngôn ngữ hình ảnh thay cho những câu thoại dài lê thê là điều đáng trân trọng.

Phim đã nhận được một số giải thưởng quốc tế, sau đó mới mang về Việt Nam trình chiếu. Tôi nghĩ, nếu nhà sản xuất chọn quy trình quen thuộc, ra mắt ở nước nhà trước rồi mới mang chuông đi đánh xứ người thì có lẽ “Vợ ba” sẽ trắng tay. Vì nếu may mắn vượt được khâu kiểm duyệt nhưng chưa hẳn sẽ qua được búa rìu dư luận.

“Vợ ba” gây bức xúc dư luận khi diễn viên chính Trà My phải thực hiện các cảnh quay nhạy cảm khi mới 13 tuổi. Dù đoàn phim đã cam kết về việc bảo vệ hình ảnh diễn viên, mẹ của Trà My cũng khẳng định hoàn toàn ủng hộ con gái tham gia bộ phim.

Không ít khán giả đã nhân danh đạo đức để lên tiếng bảo vệ cho cô bé diễn viên 13 tuổi đóng cảnh nhạy cảm là vi phạm luật lao động, nhân quyền. Nhưng họ không hiểu rằng, điện ảnh là tái hiện hiện thực xã hội, là ước lệ, là cường điệu và là sắp đặt. Điều này đồng nghĩa, phim là làm giả chứ không phải làm thật, nhưng qua màn ảnh chúng ta nhìn như thật. Đó là cái hay của điện ảnh.

Do đó, chúng ta hãy nhìn đúng bản chất của vấn đề thay vì bàn luận những điều mình không hiểu rõ. Ngay bản thân cô bé diễn viên chính và phụ huynh cũng không lên tiếng là họ bị bức hại để dư luận phải ra tay bảo vệ. Thay vào đó, công chúng nên dành sức lực để lên án những vấn đề gây nhức nhối nhưng chẳng may chìm vào quên lãng ngoài thực tế.

Chúa Jesus bị chính quyền La Mã đóng đinh trên cây thập giá vì đã thuyết giảng những điều đi quá xa trước thời đại. Gần 300 năm sau, chính quyền La Mã lại lấy những lời giảng ấy làm quốc giáo của mình. “Vợ ba” may mắn hơn, đã kể câu chuyện được cả thế giới phương Tây lắng nghe và ngưỡng mộ, nhưng lại ngã quỵ ở chính quê nhà, nơi mình được sinh ra. Có cần tới 300 năm nữa để khán giả Việt lĩnh hội thế nào là điện ảnh và thế nào là đời thực không?

Bài: Tâm Bùi

Nguồn Đẹp: https://dep.com.vn/nhiep-anh-gia-tam-bui-phim-vo-ba-bi-buc-tu-dung-nhu-than-phan-nguoi-phu-nu-trong-xa-hoi-phong-kien/