Nhiếp ảnh gia người Pháp chụp chân dung những người phụ nữ Việt đăng trên BBC, khiến cả thế giới bất ngờ

Bộ ảnh là tâm huyết của nhiếp ảnh gia Réhahn trong suốt 8 năm sinh sống và làm việc ở Việt Nam.

Việt Nam có biết bao nhiêu thứ để khám phá, những món ăn ngon, những thắng cảnh đẹp và hơn hết là con người chịu thương chịu khó đầy thân thiện ở nơi đây. Bấy nhiêu đối với người Việt chúng ta có thể không mới lạ nhưng với người nước ngoài thì lại là một câu chuyện khác. Họ coi đó là cả một kho tàng những điều thú vị để tìm hiểu.

Đăng trên BBC mới đây với tựa đề "The Faces of Vietnam" (Những gương mặt Việt Nam), một nhiếp ảnh gia du lịch người Pháp có tên là Réhahn đã giới thiệu bộ ảnh chụp các dân tộc ở Việt Nam. Tham vọng của Réhahn là có thể gặp được tất cả 54 dân tộc để chụp ảnh và hỏi những câu chuyện về cuộc sống của họ.

Réhahn là người Pháp nhưng anh lại có hộ khẩu "đường phố", khi coi du lịch là lẽ sống của đời mình. Anh đã đi qua 35 quốc gia và 8 năm về trước đã chọn Hội An, Việt Nam là nhà của mình.

Tại đây, anh đã viết rất nhiều cuốn sách có thể kể đến như "Vietnam, Mosaic of Contrasts năm 2014, Vietnam, Mosaic of Contrasts Vol ll" năm 2015 và The Collection, 10 years of Photography" năm 2017. Năm nay, anh tiếp tục giới thiệu với thế giới dự án ảnh mang tên The Precious Heritage (Di sản quý giá) với đối tượng chụp là 54 dân tộc anh em của Việt Nam.

Đến hiện tại, chặng đường của Réhahn mới đi được một phần, và anh cho biết sẽ tiếp tục cho đến khi hoàn thành mục đích thì mới thôi. "Tôi đã bắt đầu suy nghĩ sâu sắc về cái gọi là "di sản" kể từ sau khi được làm bố. Và như tất cả những người làm cha khác trên thế giới này, tôi tự hỏi rằng các con của tôi sẽ học được gì từ tôi, tôi sẽ để lại gì cho chúng.

Trước khi đến Việt Nam, tôi chưa từng tưởng tượng ra một đất nước có nhiều thứ ngôn ngữ và bản sắc có thể tồn tại cùng nhau như vậy. Tôi thấy ấn tượng và nghĩ rằng cái mình cần làm là đi thật nhiều, ghi chép thật nhiều và chụp ảnh thật nhiều.

Trong 8 năm qua, tôi đã đi khắp Việt Nam, gặp nhiều người từ những nền văn hóa khác nhau. Đa số họ đều bày tỏ sự tiếc nuối rằng con cái họ không chọn nói tiếng dân tộc, không theo nghề thủ công của đời trước. Ngôn ngữ sẽ không thể tồn tại nếu không ai nói, bài hát sẽ bị lãng quên nếu không ai còn ngân nga. Đó là lúc tôi nhận ra tầm quan trọng của việc gìn giữ di sản. Vậy là tôi cho ra đời dự án này".

Dưới đây là một số bức ảnh Réhahn yêu thích nhất và được đăng trên tờ BBC.

Đây là An Phước, cô bé có đôi mắt màu xanh rất đặc biệt. Lần đầu tiên Réhahn gặp An Phước là khi cô bé mới 7 tuổi. Phước là người dân tộc Chăm sống ở tỉnh Bình Thuận. Réhahn đã gặp và chụp ảnh An Phước rất nhiều lần đến nỗi cô bé đã trở thành gương mặt phổ biến ở Việt Nam. Réhahn đã tài trợ tiền học cho hai chị em cô bé để các em có cơ hội phát triển nhiều hơn.

Đây là An Phước, cô bé có đôi mắt màu xanh rất đặc biệt. Lần đầu tiên Réhahn gặp An Phước là khi cô bé mới 7 tuổi. Phước là người dân tộc Chăm sống ở tỉnh Bình Thuận. Réhahn đã gặp và chụp ảnh An Phước rất nhiều lần đến nỗi cô bé đã trở thành gương mặt phổ biến ở Việt Nam. Réhahn đã tài trợ tiền học cho hai chị em cô bé để các em có cơ hội phát triển nhiều hơn.

Đây là bà Vi Thị Inh sinh năm 1916 và hiện đã 103 tuổi. Dù tuổi đã cao nhưng bà Inh vẫn vô cùng minh mẫn khi tự tay nấu ăn cho các cháu. Đây là một trong những bức ảnh mà Réhahn thích nhất.

Réhahn đã tới Sapa ít nhất 10 lần vào năm 2012 để gặp người Mông Đen thuộc tộc người Mông nói chung. Réhahn ấn tượng nhất với khả năng may vá của các cô gái Mông. Anh tìm hiểu được rằng các bé gái người Mông đã học cách tự may quần áo cho mình từ khi lên 7. Vải của người Mông được làm từ cây gai dầu, sau đó nhuộm màu chàm rất lâu trước khi dệt. Trong ảnh là Lồ Thị Si đang buộc tóc giữa cánh đồng lúa chín.

Đây là dân tộc Lào, có nguồn gốc từ nước Lào và đến hiện tại vẫn sử dụng ngôn ngữ của nước bạn. Phụ nữ của dân tộc này vẫn mặc đồ theo truyền thống Lào và đeo khuyên tai bạc nặng, đến nỗi đôi tai bị kéo dài ra. Trong ảnh là bà Lò Thị Banh, một trong những mẫu ảnh mà Réhahn yêu thích nhất đang hút thuốc.

Người Pà Thẻn sống ở Tuyên Quang và họ có một quy định là các em học sinh sẽ phải mặc trang phục của dân tôc mình để đến trường vào mỗi thứ Hai hàng tuần nhằm mục đích gìn giữ văn hóa. Trong ảnh là bé Xìn Thị Hương 8 tuổi đang rất vui vì được mặc quần áo mới.

Người K'Ho có nguồn gốc từ tỉnh Lâm Đồng. Trong ảnh là cụ bà K'Long K'ê khi chụp ảnh đã thọ 101 tuổi và có tới 11 người con, 165 cháu chắt. Khi cụ qua đời, chiếc chăn của cụ đã được đưa lại cho Réhahn để bảo tồn cùng với bức chân dung của cụ.

Bà Lò Vân Báu là một người Lự, tộc người sống ở phía bắc Việt Nam. Khi được đề nghị chụp ảnh, bà đã hỏi Réhahn rằng sao anh không đến từ lúc bà còn trẻ và xinh đẹp. Câu hỏi này là một phần động lực khiến nhiếp ảnh gia Réhahn tập trung nhiều hơn vào mẫu ảnh là những người cao tuổi ở các dân tộc thiểu số để khai thác vẻ đẹp của họ.

Điều khiến Réhahn ấn tượng nhất với tộc người Dao Đỏ này chính là khả năng may vá. Trong ảnh là Lý Lo May trong trang phục truyền thống của dân tộc mình.

Trong ảnh là cụ bà Pu lo Ma 89 tuổi và con gái 60 tuổi. Họ là người Hà Nhì Đen và điều này thể hiện hoàn toàn qua những trang phục của mình. Phải mất 6 tháng để dệt lên những bộ quần áo màu đen này, một trong những nguyên liệu đặc biệt chính là những bím tóc thật của con người được tết vào và dệt thành mảnh vải.

Ngoài những bức ảnh này, trên trang cá nhân của Réhahn còn có rất nhiều hình ảnh khác chụp chân dung con người Việt Nam.

Réhahn là một nhiếp ảnh gia thật sự đã không còn xa lạ với những người thích chụp ảnh và xem ảnh tại Việt Nam lẫn thế giới.

Tuy nhiên sau khi đăng xong bộ ảnh này trên BBC, Réhahn đã giúp cả thế giới có một góc nhìn khác về văn hóa và cuộc sống của người Việt Nam, điều mà khó có ai làm được trên chính mảnh đất của chúng ta.

Nhân Mã

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/nhiep-anh-gia-nguoi-phap-chup-chan-dung-nhung-nguoi-phu-nu-viet-dang-tren-bbc-khien-ca-the-gioi-bat-ngo-2019061706591714.htm