Nhiệm vụ trọng tâm

Xây dựng cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia kinh tế công nghiệp và thương mại (CN&TM) đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc tái cơ cấu ngành Công Thương.

Hệ thống CSDL còn hạn chế

Theo Trung tâm Thông tin CN&TM (Bộ Công Thương), thời gian qua, hoạt động tổng hợp, thống kê các dữ liệu của ngành Công Thương tại trung ương và địa phương đã đáp ứng một phần nhu cầu về số liệu, thông tin phục vụ công tác quản lý nhà nước, xây dựng các báo cáo trình Chính phủ, Quốc hội; đồng thời cung cấp thông tin về kinh tế CN&TM cho các doanh nghiệp, hiệp hội; phục vụ hoạt động đầu tư, công tác nghiên cứu khoa học... Dù vậy, vẫn còn tồn tại một số hạn chế trong hoạt động cung cấp CSDL phục vụ công tác điều hành của Bộ Công Thương và hoạt động của doanh nghiệp.

Cần cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin thị trường

Cần cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin thị trường

Cụ thể, chưa có sự phối hợp, chia sẻ, sử dụng kết quả tổng hợp, thống kê các dữ liệu giữa các đơn vị trong ngành Công Thương với nhau, dẫn đến khả năng lãng phí về thời gian, công sức và nguồn lực của xã hội. Bên cạnh đó, các số liệu chủ yếu lưu trữ trong báo cáo giấy, tệp văn bản và số liệu trong các bảng tính, do đó chưa đáp ứng kịp thời việc tra cứu, khai thác; không phát huy được hết các giá trị của số liệu. Ngoài ra, số liệu thu thập được chưa đồng bộ, gây khó khăn cho việc khai thác, sử dụng, chưa đủ tin cậy để đánh giá và dự báo phục vụ cho công tác hoạch định chính sách, phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Trước thực tế trên, nhiều chuyên gia cho rằng, đối với cơ quan quản lý, Cổng thông tin CN&TM cần cung cấp đầy đủ thông tin thị trường nhằm kịp thời điều chỉnh cân đối cung - cầu, ổn định thị trường, phục vụ tốt sản xuất và đời sống xã hội. Ngoài ra, thông tin CN&TM rất cần thiết trong việc định hướng phát triển, quyết định phương án sản xuất - kinh doanh tối ưu của người dân và doanh nghiệp.

Những hành động cụ thể

Nhận thấy tầm quan trọng về việc xây dựng CSDL quốc gia kinh tế CN&TM, Bộ Công Thương đã có Thông tư số 40/2016/TT-BCT ngày 30/12/2016 ban hành hệ thống chỉ tiêu thống kê ngành Công Thương là căn cứ để xây dựng Chế độ báo cáo thống kê ngành Công Thương, đóng vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh cân đối cung - cầu nhằm ổn định thị trường, phục vụ tốt sản xuất và đời sống xã hội.

Theo đó, Bộ Công Thương đang đẩy mạnh CSDL các nhóm chỉ tiêu về công nghiệp với các thông tin như: Giá trị sản xuất, sản lượng, hàng tồn kho, giá bình quân sản phẩm, doanh thu... Nhóm chỉ tiêu về thương mại trong nước gồm: Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng, cân đối cung - cầu, số lượng, giá trị các mặt hàng thiết yếu, cơ sở hạ tầng thương mại (chợ, siêu thị), giá cả hàng hóa, thông tin doanh nghiệp...

Nhóm chỉ tiêu thương mại quốc tế với các dữ liệu: Hồ sơ thị trường xuất/nhập khẩu, ngành hàng xuất/nhập khẩu, số lượng, giá trị các mặt hàng xuất/nhập khẩu chủ yếu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, giá bình quân một số mặt hàng xuất/nhập khẩu, số vụ kiện chống bán phá giá và chống trợ cấp của nước ngoài đối với hàng xuất khẩu Việt Nam..

Nhóm CSDL được cập nhật từ nhiều nguồn như: Bộ Công Thương, Tổng cục Thống kê, Tổng cục Hải quan, các Sở Công Thương... sẽ hỗ trợ doanh nghiệp đánh giá, dự báo mặt hàng, thị trường, lấy đó làm cơ sở để lên kế hoạch sản xuất, kinh doanh ngắn hạn, trung hạn và dài hạn hiệu quả.

Sau khi thực hiện nhiệm vụ Nâng cấp CSDL công nghiệp, Hệ thống CSDL quốc gia kinh tế CN&TM đã có những điểm mới trước đây chưa có. Cụ thể, tính năng phần mềm mới, thu thập được tình hình thống kê các chỉ tiêu công nghiệp của một số đối tác kinh tế lớn của Việt Nam, những thông tin hữu ích cho người khai thác thông tin và quản trị để phục vụ quản lý nhà nước của Bộ Công Thương và nhiệm vụ Tái cơ cấu ngành Công Thương phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển bền vững giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030.

Trung tâm Thông tin CN&TM thông tin, Trung tâm đã cấp tài khoản khai thác tới các đơn vị trong Bộ như: Vụ Kế hoạch, Cục Công nghiệp, Cục Phòng vệ Thương mại, Cục Xuất nhập khẩu, Cục Xúc tiến thương mại... tạo điều kiện thuận lợi về công nghệ và nội dung thông tin chuẩn bị sẵn sàng cho kết nối, trao đổi thông tin với CSDL quốc gia kinh tế CN&TM.

Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục đưa vào CSDL quốc gia kinh tế CN&TM một số chỉ tiêu mới theo chuẩn quốc tế phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam như: Tình hình trang bị máy móc, thiết bị, vốn đầu tư, ứng dụng, chuyển giao khoa học - công nghệ, tình hình cung cấp nguyên vật liệu, phân phối, tiêu thụ sản phẩm, xuất nhập khẩu, điều kiện, môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp CN&TM; năng suất, chất lượng, hiệu quả ngành Công Thương...

Trong bối cảnh công nghệ thông tin phát triển nhanh và cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 có tác động lan tỏa đến mọi mặt của nền kinh tế và lĩnh vực CN&TM, việc nâng cấp các tính năng của hệ thống để theo kịp tốc độ phát triển công nghệ thông tin trên thế giới, cũng như đáp ứng nhu cầu về lưu trữ và tra cứu dữ liệu trong lĩnh vực CN&TM là hết sức cấp bách.

Lan Anh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/nhiem-vu-trong-tam-128049-128049.html