Nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên

Vấn đề an toàn của học sinh ở trường học luôn thu hút sự quan tâm của xã hội, đặc biệt là các bậc phụ huynh. Càng nóng bỏng hơn khi ngay đầu năm học mới 2020-2021 này, tại một số địa phương trên cả nước đã xảy ra những vụ tai nạn gây chết người ngay tại trường học - nơi mà lâu nay vẫn đặt ra tôn chỉ 'mỗi ngày đến trường là một ngày vui'… Đây là thực tế không thể chấp nhận được!

Đành lòng sao được khi những mối lo này đến từ sự chủ quan và có cả tắc trách của người có trách nhiệm khiến trường, lớp không bảo đảm an toàn, kéo theo niềm vui đến trường của trẻ em không toàn diện, thậm chí bị ngăn trở…

Chúng ta phải làm gì trước thực tế dù không phải phổ biến này?

Câu trả lời trước hết vẫn là trách nhiệm của người lớn. Điều chắc chắn phải làm là không thể có lần thứ hai để cổng trường đổ, quạt trần bung cánh trong lớp học, sập tường trước cổng trường học, cây phượng đổ giữa sân trường… hay bất cứ một sự cố trong trường học nào nữa. Ngành Giáo dục Hà Nội tuy có điều kiện cơ sở vật chất khá hơn nhiều tỉnh, thành trong cả nước, song vấn đề mất an toàn trường học vẫn đang tiềm ẩn những nguy cơ. Bởi thế, công việc cấp thiết hàng đầu là bằng mọi cách có thể, ngành Giáo dục cũng như các địa phương phải đầu tư trường lớp đầy đủ, tạo dựng môi trường an toàn, thân thiện cho học sinh học tập.

Với trách nhiệm chăm lo cho thế hệ tương lai, chúng ta không thể vin vào cớ “địa phương khó khăn” hay “thiếu kinh phí”… để biện minh cho những công trình trường học kém chất lượng, gây nên những “cái bẫy” vô cùng nguy hiểm cho cả giáo viên và học sinh. Cũng cần nhận thức đầy đủ là vấn đề bảo đảm an toàn trường học không thể làm theo kiểu đối phó, được chăng hay chớ, như đổ cây phượng thì… chặt cây. Mà nhìn xa, trông rộng hơn là phải thường xuyên kiểm tra, rà soát cơ sở trường, lớp, phát hiện hư hỏng là sửa chữa, bổ sung kịp thời. Kiên quyết không để xảy ra tình trạng “mất bò mới lo làm chuồng”.

Bên cạnh đó, còn rất nhiều việc mà các bậc cha mẹ, giáo viên và cả xã hội phải quan tâm, với phương châm “phòng hơn chống” là phải ngăn chặn bằng được nạn xâm hại trẻ em, bạo lực học đường, tai nạn đuối nước; bảo đảm an toàn trong đưa đón học sinh bằng ô tô, bữa ăn bán trú… Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, thì việc thực hiện khuyến cáo của ngành chức năng về phòng, chống dịch bệnh ở trường học cũng như trong mỗi gia đình phải nghiêm để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho học sinh, giáo viên.

Ngoài những bài học về an toàn trong môi trường học đường, điều rất cần thiết được các nhà trường chú trọng là xây dựng các tình huống, các mô hình giả định để học sinh được trải nghiệm, qua đó giúp các em hình thành ý thức, phản xạ trước những nguy cơ mất an toàn cho mình. Đồng thời, bản thân mỗi giáo viên cũng cần trang bị kiến thức để xử lý được mọi tình huống xảy ra ở trường học cũng như kết hợp chặt chẽ với phụ huynh để trao đổi thông tin, làm sao để tạo được môi trường học tập tốt nhất cho học sinh.

Ở góc độ các bậc cha mẹ, cùng với việc chăm lo sức khỏe, học tập cần thường xuyên chỉ bảo thêm kỹ năng sống để con em mình biết và chủ động phòng, chống tai nạn thương tích ở mọi môi trường. Cùng với đó là nhắc nhở những điều nên làm, không nên làm khi đến lớp học hay ra ngoài xã hội.

Bảo đảm an toàn cho học sinh phải là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của ngành Giáo dục và toàn xã hội, từ đó tạo dựng một môi trường giáo dục thân thiện, an toàn.

Bắc Vũ

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/luan-ban-hanh-dong/978478/nhiem-vu-trong-tam-thuong-xuyen