Nhiệm vụ khó khăn

Sau nhiều chật vật, cuối cùng Iraq cũng tìm được chủ nhân của những chiếc ghế Tổng thống, Thủ tướng và Chủ tịch Quốc hội, khai thông bế tắc chính trị sau 5 tháng tiến hành tổng tuyển cử. Một Chính phủ đoàn kết dân tộc của Iraq hy vọng sẽ sớm được thành lập nhằm đối phó những thách thức an ninh, kinh tế hiện nay, đưa quốc gia Trung Đông bước vào thời kỳ ổn định sau cuộc chiến chống tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS).

Việc chính khách kỳ cựu người Kurd B.Salih được Quốc hội Iraq bầu làm Tổng thống gần đây đã thổi luồng không khí mới cho chính trường Iraq. Là nhân vật được cả Mỹ và Iran ủng hộ, tân Tổng thống B.Salih được kỳ vọng có thể giúp Iraq thoát ra khỏi tình trạng chia rẽ bè phái, tiến tới ổn định tình hình đất nước.

Tổng thống B.Salih đã chỉ định chính khách theo dòng Hồi giáo Shiite A.Mahdi làm Thủ tướng, đồng thời giao ông Mahdi nhiệm vụ thành lập Chính phủ mới. Ông Ma-đi là gương mặt khá quen thuộc trên chính trường Iraq, do từng đảm nhiệm vị trí Phó Tổng thống, Bộ trưởng Dầu mỏ và Bộ trưởng Tài chính. Theo Hiến pháp Iraq, ông A.Mahdi có 30 ngày để thành lập Chính phủ mới và trình Quốc hội thông qua. Quốc hội Iraq cũng đã bầu nghị sĩ Hồi giáo dòng Sunni M.Halbousi, 37 tuổi, làm Chủ tịch và ông Halbousi trở thành Chủ tịch Quốc hội trẻ nhất trong lịch sử Iraq. Như vậy, các vị trí chủ chốt trong chính quyền Iraq đã có chủ và kể từ khi nhà lãnh đạo S.Hussein bị lật đổ năm 2003, quyền lực ở quốc gia Trung Đông này được chia đều cho ba nhóm sắc tộc lớn nhất. Theo đó, Thủ tướng thường là người Hồi giáo dòng Shiite, Chủ tịch Quốc hội là người Hồi giáo dòng Sunni và Tổng thống đại diện cho người Kurd.

Chính phủ mới ở Iraq sẽ phải đối mặt hàng loạt thách thức khi phải vực dậy nền kinh tế, củng cố sức mạnh quân sự sau thời gian dài đất nước trải qua cuộc chiến chống IS. Cuộc chiến này đã tàn phá nghiêm trọng cơ sở hạ tầng, gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế Iraq, cũng như đặt ra vấn đề nhân đạo đầy phức tạp cho Chính phủ. Mặc dù Chính phủ Iraq đã tuyên bố giải phóng hoàn toàn các vùng lãnh thổ khỏi sự chiếm đóng của IS, song “tham vọng” thành lập cái gọi là “Vương quốc hồi giáo” của IS vẫn chưa thật sự bị dập tắt. Hiện tổ chức này vẫn phân bố lực lượng ở nhiều nơi và chờ thời cơ trỗi dậy bất cứ lúc nào. Một báo cáo của Liên hợp quốc cho biết, hiện có khoảng từ 20 nghìn đến 30 nghìn chiến binh IS vẫn hoạt động ở Iraq và Syria, bất chấp sự thất bại tại những chiến trường này và sự rút lui của nhóm thánh chiến trong khu vực. Số lượng thành viên của IS được phân bố với tỷ lệ tương đương giữa Iraq và Syria, trong đó có hàng nghìn chiến binh khủng bố đến từ nước ngoài. IS không kiểm soát hoàn toàn bất cứ vùng lãnh thổ nào ở Iraq, nhưng tại đây vẫn tồn tại các cơ sở hoạt động bí mật của IS ở khu vực sa mạc và những nơi khác.

Từng có thời điểm IS kiểm soát nhiều vùng lãnh thổ rộng lớn tại Iraq, cho nên mối đe dọa từ tổ chức khủng bố này vẫn hiện hữu và là nỗi ám ảnh ghê gớm đối với người dân Iraq. Việc hồi hương người tị nạn Iraq vốn chạy trốn khỏi các khu vực IS kiểm soát trước đây là một thách thức không nhỏ khi sự tàn phá về vật chất cũng như vết sẹo từ những chấn thương tâm lý mà IS gây ra cho người dân quốc gia này còn rất lớn. Bất ổn an ninh đã khiến gần năm triệu người phải rời bỏ nhà cửa đi tha hương ở cả trong và ngoài nước, trong khi hệ thống hạ tầng bị phá hủy nặng nề. Chính phủ Iraq cho biết, nước này cần gần 80 tỷ USD để xây dựng lại các thành phố được giải phóng từ IS cũng như cải thiện dịch vụ tại những thành phố khác. Trong khi đó, các điều kiện kinh tế ngày càng sa sút khiến Iraq khó có thể bảo đảm được khoản kinh phí khổng lồ này.

Iraq cũng đối mặt một thách thức an ninh mới khi các cuộc biểu tình bạo lực bùng phát ở thành phố miền nam Basra nhằm phản đối nạn tham nhũng, thất nghiệp và thiếu các dịch vụ cơ bản. Nhiều phần tử quá khích đã đốt phá trụ sở chính quyền cũng như nhiều cơ quan nhà nước. Đã xảy ra các cuộc tiến công nhằm vào Lãnh sự quán Mỹ tại Basra và Đại sứ quán Mỹ tại Baghdad, khiến Washington quyết định đóng cửa Lãnh sự quán ở Basra do mối đe dọa ngày càng gia tăng.

Đưa đất nước “hồi sinh” từ “đống đổ nát” của tám năm chiến tranh do Mỹ phát động hồi năm 2003 và ba năm tiến hành cuộc chiến chống IS bắt đầu từ giữa năm 2014, là một thách thức lớn đối với chính quyền Iraq. Điều quan trọng hiện nay là các bên ở Iraq phải gạt bỏ bất đồng, xây dựng một Chính phủ chia sẻ quyền lực, đồng thời thực hiện đoàn kết dân tộc thì mới có thể tạo sức mạnh để đưa đất nước vượt qua những chông gai của chặng đường phía trước thời kỳ hậu IS.

BẢO ANH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/binh-luan-quoc-te/item/37859802-nhiem-vu-kho-khan.html