Nhiệm vụ của Bộ đội Biên phòng không chồng chéo với chức năng, nhiệm vụ của lực lượng khác

'Việc quy định lực lượng chuyên trách làm nòng cốt trong quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia là thống nhất với các nghị quyết của Bộ Chính trị, phù hợp với Luật Biên giới quốc gia năm 2003, Luật An ninh quốc gia năm 2004, Luật Công an nhân dân năm 2018, Luật Quốc phòng năm 2018... Sự phù hợp đó không có điều gì phải bàn cãi, vì người gác cửa biên giới quốc gia được Nhà nước giao cho BĐBP, cho nên, lực lượng này phải là lực lượng nòng cốt trong việc bảo vệ biên giới quốc gia. Do vậy, họ giữ vai trò chủ trì duy trì an ninh trật tự ở khu vực biên giới, cửa khẩu hoàn toàn đúng đắn'. Đó là ý kiến của đại biểu Nguyễn Văn Chương, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thành phố Hồ Chí Minh về Dự án Luật Biên phòng Việt Nam (BPVN). Đó cũng là quan điểm của đa số ĐBQH trong phiên thảo luận về Dự thảo Luật BPVN.

Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Tà Lùng, BĐBP Cao Bằng phối hợp với Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Tà Lùng bắt vụ buôn lậu pháo nổ qua cửa khẩu. Ảnh: Văn Tuân

Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Tà Lùng, BĐBP Cao Bằng phối hợp với Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Tà Lùng bắt vụ buôn lậu pháo nổ qua cửa khẩu. Ảnh: Văn Tuân

Những dấu ấn trong thực tiễn

Đại biểu Bế Minh Đức, Đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng phân tích: “Xuất phát từ thực tế công tác tại tỉnh miền núi, biên giới, bản thân tôi có nhiều thời gian tiếp xúc và làm việc với lực lượng vũ trang ở khu vực biên giới, nhất là với cán bộ, chiến sĩ ở các đồn Biên phòng trên địa bàn tỉnh. Ở khu vực này, vai trò của BĐBP hết sức quan trọng và có thể nói là không thể thiếu trong nhiều mặt hoạt động liên quan đến 3 chức năng là an ninh, quốc phòng và đối ngoại. BĐBP đã chủ động làm tốt công tác phòng ngừa, kịp thời phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn các hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia. Trong những năm qua, cùng với các lực lượng khác, BĐBP đã kịp thời phát hiện, đấu tranh, bắt giữ nhiều vụ án liên quan đến tội phạm buôn bán ma túy, buôn lậu, mua bán phụ nữ, trẻ em qua biên giới... Bên cạnh đó, BĐBP cũng rất tích cực và có nhiều đóng góp quan trọng trong xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở, phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực biên giới. Những đóng góp, hy sinh của cán bộ, chiến sĩ BĐBP trong thực hiện nhiệm vụ đã khẳng định vai trò hết sức quan trọng của BĐBP là lực lượng nòng cốt, chuyên trách trong quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia. BĐBP đã thực hiện tốt nhiệm vụ duy trì an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật ở khu vực biên giới, cửa khẩu”.

Ở khía cạnh khác, đại biểu Phan Thái Bình, Đoàn BĐQH tỉnh Quảng Nam cho biết: Từ thực tiễn trong những năm qua, cán bộ BĐBP tham gia tăng cường xã giữ các chức danh Bí thư, Phó Bí thư, Chủ tịch UBND các xã biên giới đã phát huy được hiệu quả, góp phần củng cố hệ thống chính trị cơ sở. Ban Bí thư cũng đã có Kết luận số 68-KL/TW ngày 5-2-2020 về thực hiện chủ trương tăng thêm cấp ủy viên là cán bộ đồn Biên phòng tham gia cấp ủy cấp huyện, xã biên giới, hải đảo. Do vậy, dự thảo Luật BPVN cần nghiên cứu, đánh giá, tổng kết và luật hóa quy định về vai trò của BĐBP tham gia xây dựng chính quyền cơ sở ở địa phương biên giới.

Công tác phối hợp giữa các lực lượng đã và đang phát huy hiệu quả

Thực tiễn, BĐBP đang trực tiếp kiểm soát xuất nhập cảnh tại 117 cửa khẩu biên giới đất liền và 37 cửa khẩu cảng do Bộ Quốc phòng quản lý. Trong thời gian qua, nhất là trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 BĐBP đã và đang làm rất tốt nhiệm vụ này. BĐBP đã phối hợp chặt chẽ với các lực lượng tại cửa khẩu để đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm, qua đó, đã đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ đảm bảo quốc phòng, an ninh, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới, cửa khẩu.

Làm rõ hơn vấn đề, đại biểu Nguyễn Văn Sơn, Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh chia sẻ: Thực tiễn ở địa phương chúng tôi, trong công tác kiểm tra, kiểm soát, BĐBP tại cửa khẩu đã phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng với lực lượng Hải quan, phát hiện và bắt giữ nhiều phương tiện, đối tượng vi phạm pháp luật, phục vụ hiệu quả công tác đấu tranh các chuyên án, vụ án lớn về ma túy. Hơn nữa, trong phòng, chống đại dịch Covid-19, cửa khẩu quốc tế Cầu Treo đã kiểm tra, phát hiện các đối tượng trốn trong hầm hàng của phương tiện để về Việt Nam nhằm tránh cách ly, nguy cơ gây lây lan bệnh dịch ra cộng đồng rất cao. Do đó, theo tôi, dự thảo Luật BPVN quy định như vậy là phù hợp trong chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và địa bàn hoạt động của BĐBP và không chồng chéo trong mối quan hệ chủ trì, phối hợp với Công an, Hải quan và các lực lượng khác tại khu vực biên giới, cửa khẩu.

Đối với một số ý kiến cho rằng còn có sự chồng chéo trong vấn đề thực thi nhiệm vụ giữa lực lượng, đại biểu Nguyễn Ngọc Hải, Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang bày tỏ quan điểm: Tôi tán thành với các quy định về quyền hạn của BĐBP quy định tại Điều 14 dự thảo Luật BPVN vì đã đảm bảo được tính thống nhất giữa các quy định của pháp luật hiện hành có liên quan và không có sự mâu thuẫn, xung đột với các luật khác, như Luật Hải quan.

“Ở Điều 12, khoản 1, Điều 35 Luật Hải quan năm 2014 quy định: Hải quan có nhiệm vụ thực hiện kiểm tra, giám sát hàng hóa, phương tiện vận tải; phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới; tổ chức thực hiện pháp luật về thuế đối với hàng hóa xuất nhập khẩu và có trách nhiệm kiểm tra hàng hóa, phương tiện vận tải trong phạm vi địa bàn hoạt động của Hải quan. Trong dự thảo Luật BPVN chỉ quy định quyền hạn của BĐBP kiểm tra, kiểm soát, xử lý phương tiện khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật ở khu vực biên giới, cửa khẩu theo quy định của pháp luật. Như vậy, về phạm vi, mục đích kiểm tra, kiểm soát phương tiện của BĐBP và lực lượng Hải quan là khác nhau. BĐBP chỉ kiểm tra, kiểm soát, xử lý phương tiện khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật ở khu vực biên giới, cửa khẩu và theo quy định của pháp luật. Về mục đích, lực lượng Hải quan kiểm soát về hàng hóa, phương tiện vận tải xuất nhập cảnh xem hàng hóa có đủ giấy tờ xuất nhập khẩu theo đăng ký hay không, còn BĐBP kiểm tra, kiểm soát phương tiện vận tải xuất, nhập cảnh để bảo đảm về mặt an ninh đối với hàng hóa, thủ tục, giấy tờ đối với phương tiện, người điều khiển phương tiện xuất, nhập cảnh và các phương tiện khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật ở khu vực biên giới, cửa khẩu” - Đại biểu Nguyễn Ngọc Hải phân tích.

Ở khía cạnh khác, đại biểu Đặng Hoàng Tuấn, Đoàn ĐBQH tỉnh Long An nêu quan điểm: Thực thi nhiệm vụ biên phòng ở khu vực biên giới, cửa khẩu có nhiều chủ thể tham gia theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật. Nội dung nhiệm vụ biên phòng rộng, đa dạng về lĩnh vực quản lý nhà nước, một số nhiệm vụ có thể giao thoa giữa các lực lượng. Để phát huy sức mạnh tổng hợp, cần phân định rõ trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị, lực lượng ở khu vực biên giới, cửa khẩu để đảm bảo tính chủ động, linh hoạt, bí mật, kịp thời trong xử lý các vụ việc, không tạo khoảng trống, đảm bảo không sót lọt trong xử lý các vụ việc. Xác định rõ cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp và trách nhiệm của mỗi cơ quan, tổ chức, lực lượng, tránh hiện tượng “tranh công đổ lỗi”, đùn đẩy trách nhiệm.

Linh Đan

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/nhiem-vu-cua-bo-doi-bien-phong-khong-chong-cheo-voi-chuc-nang-nhiem-vu-cua-luc-luong-khac-post434893.html