Nhiệm vụ chết chóc của phi công cảm tử Nhật thời CTTG2

Cuối năm 1944, Nhật Bản sử dụng chiến thuật Kamikaze (gió thần). Theo đó, lực lượng Kamikazen được thành lập với sự tham gia của những phi công cảm tử nhằm tiêu diệt tàu chiến Mỹ. Dù đạt được kết quả nhưng chiến thuật này vẫn không giúp Nhật Bản 'trở mình'.

Sau khi Nhật Bản tấn công hạm đội Mỹ ở Trân Châu Cảng tháng 12/1941, chính quyền Washington quyết định tham gia vào Thế chiến 2 với tư cách dẫn đầu phe Đồng minh.

Kể từ đây, lực lượng Mỹ đối đầu với Nhật Bản tại mặt trận Thái Bình Dương. Trước sức mạnh quân sự của Mỹ, Nhật Bản liên tiếp gặp nhiều thất bại như ở Midway, New Guinea, quần đảo Solomons.

Trong bối cảnh mất dần ưu thế trên chiến trường, đại úy phi công Motoharu Okamura, chỉ huy sư đoàn không quân 341, đề xuất thực hiện một chiến thuật mới mang tên Kamikaze (gió thần).

Đây là chiến thuật tấn công cảm tử nhằm tiêu diệt tàu chiến Mỹ. Đối tượng tham gia là những phi công của của Không quân Nhật Bản. Những phi công này tình nguyện chấp nhận cái chết khi làm nhiệm vụ nguy hiểm. Theo đó, vào tháng 10/1944, lực lượng Kamikaze đầu tiên được thành lập với 24 phi công thuộc tập đoàn không quân hải quân 201.

Mục tiêu của nhóm phi công cảm tử này là tàu sân bay hộ tống USS St. Lo (CVE-63). Trước sự tấn công liều chết của đội phi công cảm tử Nhật Bản, tàu sân bay Mỹ chìm chỉ trong khoảng 1 giờ đồng hồ. Sự việc này khiến 100 thủy thủ Mỹ thiệt mạng.

Với thành công ban đầu, giới chức Nhật Bản quyết định tăng số vụ tấn công Kamikaze lên. Theo đó, nhiều phi công và máy bay được Nhật Bản triển khai để phá hủy các tàu chiến của Mỹ.

Theo ước tính, Nhật Bản thực hiện khoảng 2.800 vụ tấn công Kamikaze. Kết quả là Mỹ bị thiệt hại nặng với 34 tàu chiến bị đánh chìm, 368 tàu bị hư hại, 4.900 thủy thủ Mỹ thiệt mạng và 4.800 người khác bị thương.

Để giành được những thắng lợi ấy, phía Nhật Bản phải trả cái giá khá đắt. Theo một nghiên cứu, khoảng 5.000 phi công Nhật Bản chết khi làm nhiệm vụ tấn công liều chết. Cùng với đó là hàng trăm máy bay thực hiện nhiệm vụ cảm tử bị phá hủy.

Một số chuyên gia quốc tế cho rằng, không phải phi công Nhật Bản nào cũng tự nguyện thực hiện sứ mệnh Kamikaze. Không ít người cảm thấy sợ hãi, lo lắng khi làm nhiệm vụ nhưng không dám làm trái mệnh lệnh của cấp trên cũng như sợ bị coi là kẻ hèn nhát.

Dù thực hiện chiến thuật Kamikaze nhưng điều này vẫn không giúp Nhật Bản thay đổi cục diện chiến tranh. Cuối cùng, Nhật Bản chịu thất bại trước Mỹ và lực lượng đồng minh.

Mời quý độc giả xem video: Hitler còn sống sau Thế chiến 2? (nguồn: VTC14).

Tâm Anh (theo ATI)

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/kho-tri-thuc/nhiem-vu-chet-choc-cua-phi-cong-cam-tu-nhat-thoi-cttg2-1259145.html