Nhiệm vụ cấp bách, lâu dài

Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác phòng, chống thiên tai, thời gian qua, thành phố Hà Nội đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng để từng bước hoàn thiện hạ tầng đê điều, thủy lợi. Điều này thực sự ý nghĩa bởi Hà Nội có nét đặc trưng địa lý là 'thành phố sông hồ' hay 'thành phố trong sông', với những đặc điểm thủy văn phức tạp, khó lường.

Trước hết phải khẳng định, hệ thống công trình phòng, chống thiên tai của Hà Nội được đầu tư đã mang đến lợi ích kép. Trong đó, lợi ích lớn nhất là niềm vui và sự an tâm cho nhân dân sinh sống ở những khu vực chịu ảnh hưởng trực tiếp của thiên tai. Đặc biệt, với thực tế phân bố ở hầu khắp các địa phương, hệ thống đê điều được “cứng hóa” đã trở thành “mạch máu” giao thông len lỏi đến những địa bàn xa xôi nhất của Thủ đô, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân.

Thực tế, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, diễn biến thiên tai thời gian qua không tuân theo quy luật, luôn tiềm ẩn sự khó lường. Vì vậy, phòng, chống thiên tai phải là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục của các cấp, ngành, địa phương. Trong đó, việc tiếp tục dành nguồn lực thích đáng đầu tư hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng phòng, chống thiên tai cần được đặt ra với yêu cầu vừa cấp bách, vừa lâu dài.

Hiện tại, với các công trình đang được triển khai, xét tính cấp bách của yêu cầu phòng, chống thiên tai, chủ đầu tư, nhà thầu thi công cần đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm chất lượng công trình để sớm đưa vào sử dụng ngay trong mùa mưa bão 2020. Ngoài ra, bên cạnh các tuyến đê từ cấp III đến đặc biệt đoạn đi qua thành phố Hà Nội đã đủ cao trình chống lũ với mực nước thiết kế, thì nhiệm vụ cần kíp nhất là tiếp tục đầu tư xây dựng đáp ứng cao trình chống lũ đối với các tuyến đê cấp IV, cấp V, đê bối trên địa bàn thành phố. Sở NN&PTNT Hà Nội tham mưu với UBND thành phố để đầu tư xây dựng hoàn chỉnh cao trình chống lũ cho hệ thống đê điều này, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và ổn định đời sống nhân dân địa phương.

Về lâu dài, nhiệm vụ bao trùm là trong mọi hoàn cảnh luôn phải bảo đảm an toàn phòng, chống thiên tai; trong đó, nòng cốt là có biện pháp quản lý, sử dụng hiệu quả hệ thống đê điều, thủy lợi. Muốn vậy, các ngành chức năng, địa phương cần tăng cường công tác quản lý, bảo vệ công trình đê, kè, trạm bơm, cống qua đê…; thường xuyên tuần tra để kịp thời phát hiện, sửa chữa những hư hỏng (nếu có) và xử lý nghiêm vi phạm công trình phòng, chống thiên tai; chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, vật tư, hậu cần, kinh phí theo phương châm “4 tại chỗ”… Cùng với đó là đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu, thực hiện đúng các quy định pháp luật về phòng, chống thiên tai.

Một nhiệm vụ nữa rất quan trọng phải thực hiện hằng năm, đó là ngành chức năng cần đánh giá tổng thể, toàn diện năng lực của hệ thống công trình phòng, chống thiên tai. Trong điều kiện có thể, cần có những nghiên cứu, đánh giá về chế độ thủy văn cũng như xu hướng bão lũ qua các năm để có sự điều chỉnh, bổ sung đầu tư xây dựng công trình và xây dựng, hoàn thiện phương án ứng phó theo cấp độ rủi ro thiên tai phù hợp.

Vì cuộc sống an toàn của chính mình và cộng đồng, mỗi người dân cần nâng cao ý thức bảo vệ công trình phòng, chống thiên tai. Nếu phát hiện vi phạm công trình đê, kè, thủy lợi..., người dân cần báo ngay cho cấp có thẩm quyền để kịp thời ngăn chặn, xử lý.

Nhiệm vụ phòng, chống thiên tai luôn là yêu cầu vừa mang tính cấp bách, vừa mang tính lâu dài!

Chí Kiên

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/luan-ban-hanh-dong/977258/nhiem-vu-cap-bach-lau-dai