'Nhiệm vụ bất khả thi' vẫn tìm kiếm đề cử Oscar đầu tiên

Sau hơn 20 năm, thương hiệu phim hành động gắn liền với tên tuổi của Tom Cruise chưa một lần được Viện hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật nước Mỹ (AMPAS) trao cho cơ hội tranh tài.

Trailer bộ phim 'Nhiệm vụ bất khả thi - Sụp đổ' Phần 6 của thương hiệu hành động nổi tiếng "Mission: Impossible" với Tom Cruise trong vai chính là điệp viên Ethan Hunt.

Không có nhiều thương hiệu điện ảnh kéo dài hơn 20 năm như Mission: Impossible - Nhiệm vụ bất khả thi và chỉ gắn liền với một ngôi sao không thay đổi là Tom Cruise. Điều đáng ngạc nhiên hơn là các tập tiếp sau ngày một hấp dẫn và nhận được nhiều sự ủng hộ hơn.

Mới nhất, Mission: Impossible - Fallout chính thức ra rạp hôm 27/7. Trên trang Metacritic, phim nhận điểm 86/100 từ 54 bài bình luận. Còn theo tổng hợp của Rotten Tomatoes, số bài viết tích cực dành cho bom tấn hành động lên tới 98%. Đó là những con số thường dành cho các tác phẩm tranh giải Oscar.

5 tập phim Mission: Impossible đầu tiên đều không nhận được bất cứ đề cử Oscar nào, dù chỉ là các hạng mục kỹ thuật. Ảnh: Paramount.

5 tập phim Mission: Impossible đầu tiên đều không nhận được bất cứ đề cử Oscar nào, dù chỉ là các hạng mục kỹ thuật. Ảnh: Paramount.

Song, có một thực tế rằng AMPAS chưa một lần trao đề cử Oscar cho Nhiệm vụ bất khả thi. Kể từ khi loạt phim ra đời vào năm 1996, Tom Cruise và các cộng sự chọn mục tiêu hướng tới khán giả đại chúng bằng những pha hành động kịch tính, chứ không phải các thành viên của Viện hàn lâm.

Dẫu vậy, việc loạt phim vắng bóng tại các hạng mục kỹ thuật như Dựng phim, Hòa âm, Dàn dựng âm thanh, Kỹ xảo hình ảnh hay Quay phim xuất sắc vẫn là một sự ngạc nhiên nhất định.

Các đạo diễn từng tham gia loạt Nhiệm vụ bất khả thi đều từng có “duyên nợ” với Oscar. Tác giả phần một - Brian De Palma - từng giúp Sean Connery ẵm tượng vàng với The Untouchables (1987), cũng như bộ đôi Sissy Spacek - Piper Laurie có đề cử với tác phẩm kinh dị kinh điển Carrie (1977).

Ngô Vũ Sâm gây tranh cãi lớn với Mission: Impossible II vào năm 2000. Nhưng Face/Off (1977) của nhà làm phim người châu Á cũng từng nhận một đề cử về âm thanh.

Mission: Impossible III (2006) do J.J. Abrams thực hiện. Thành công tại Oscar đến với ông sau tác phẩm, khi liên tiếp Star Trek (2009), Star Trek: Into Darkness (2013) và Star Wars: The Force Awakens (2015) của Abrams đều tranh tài tại Oscar.

Vốn nổi tiếng trong lĩnh vực hoạt hình, Brad Bird thử sức với phim live-action (người đóng) qua Mission: Impossible - Ghost Protocol (2011). Ông vốn là “người quen” đối với Viện hàn lâm khi hai tác phẩm The Incredibles (2004) và Ratatouille (2007) do nhà làm phim thực hiện đã ẵm giải Phim hoạt hình xuất sắc.

Mission: Impossible - Fallout có thể là lần đầu tiên Nhiệm vụ bất khả thi được ghi tên tranh tài tại Oscar. Ảnh: Paramount.

Christopher McQuarrie có thể là cái tên còn xa lạ với số đông. Song, ông thực tế từng sở hữu một tượng vàng Oscar. Đó là giải Kịch bản gốc xuất sắc cho bộ phim hình sự kinh điển The Usual Suspects (1995).

Giới quan sát nhận định nếu hãng Paramount tổ chức một chiến dịch tranh giải quy mô, rầm rộ cho Fallout, “vận đen” của Mission: Impossible tại Oscar sẽ kết thúc. Loạt phim có thể nhìn vào trường hợp của một thương hiệu hành động - điệp viên khác là Jason Bourne để học tập.

Cả The Bourne Identity (2002) và The Bourne Supremacy (2004) đều được công chúng ca ngợi, nhưng rốt cuộc bị AMPAS ngó lơ. Song, đạo diễn Paul Greengrass không nản lòng và thực hiện tiếp The Bourne Ultimatum (2007) đầy đột phá. Kết quả là tập phim thứ ba dành cả ba giải Oscar mà nó nhận đề cử: Dựng phim, Dàn dựng âm thanh Hòa âm xuất sắc.

Ít nhất, Mission: Impossible - Fallout đã có bước khởi đầu vững chắc - sự ủng hộ của báo chí và khán giả đại chúng - trên con đường tái lặp thành công của The Bourne Ultimatum tại Oscar.

Mission: Impossible - Fallout đang được trình chiếu tại các rạp trên toàn quốc.

Tuấn Lương

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/nhiem-vu-bat-kha-thi-van-tim-kiem-de-cu-oscar-dau-tien-post864290.html