Nhiệm vụ âm thầm của 'lính' công nghệ cao Hà Nội

Không trực diện đấu tranh với tội phạm luôn thủ sẵn súng đạn, nhưng cuộc chiến trên không gian mạng của lực lượng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an thành phố Hà Nội không ít những thử thách, cam go.

Đối với Trung tá Đinh Thị Thu Thủy - Trưởng phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, ấn tượng gần đây nhất là những trận đánh, xử lý tin giả trên mạng Internet trong thời điểm dịch Covid-19 diễn ra phức tạp. “Trong không gian đa chiều, với những thông tin cập nhật từng giây, từng phút... đòi hỏi mỗi cán bộ, chiến sỹ phải 24/24h bám và kiểm soát thông tin, kịp thời xử lý các trường hợp đưa tin sai sự thật về tình hình dịch bệnh” - vị nữ chỉ huy nhớ lại.

Cán bộ Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đấu tranh với trường hợp đưa tin thất thiệt

Cán bộ Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đấu tranh với trường hợp đưa tin thất thiệt

Cảm thấy mắc nợ khi vụ việc vẫn còn là ẩn số

Trung tá Đinh Thị Thu Thủy kể, thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều đối tượng đã sử dụng mạng xã hội thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật. Từ việc xuyên tạc tình hình dịch bệnh, đến phát tán thông tin sai sự thật công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Bộ Y tế và các bộ, ban, ngành, địa phương trong nỗ lực phòng chống dịch bệnh. “Mục đích của các đối tượng đăng tin nhằm câu view, câu like, tăng sự tương tác, thể hiện cái tôi và phục vụ mục đích cá nhân. Số khác thì lợi dụng dịch bệnh để công kích cá nhân, tổ chức, nhất là những cơ quan Nhà nước thực hiện công tác y tế cộng đồng. Bên cạnh đó, nhiều trường hợp do thiếu hiểu biết đã chia sẻ những thông tin thất thiệt, tin của các trang mạng phản động, vô tình tiếp tay cho việc lan truyền thông tin sai sự thật” - Trung tá Thủy phân tích.

Kết quả phòng chống Covid-19 của Việt Nam được nhân dân và cộng đồng quốc tế đánh giá cao, song các đối tượng xấu vẫn không từ thủ đoạn nào để chống phá. Lúc cao điểm, các chiến sỹ an ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao làm việc 24/24h, liên tục tổ chức truy xét, truy tìm các nguồn tán phát thông tin sai sự thật để kịp thời đấu tranh, ngăn chặn, không để ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch bệnh và lợi dụng dịch bệnh để xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước. Qua đó, không chỉ chủ động trong công tác tuyên truyền, đấu tranh phản bác thông tin giả, sai sự thật trên không gian mạng mà còn góp phần nâng cao nhận thức của người dân trước các thông tin sai sự thật.

Đại úy Nguyễn Thị Minh Thu - cán bộ Đội 7 chia sẻ, tội phạm hoạt động trên không gian mạng ngày càng tinh vi, xảo quyệt, đồng nghĩa với công việc của đội thêm vất vả. Trên không gian mạng, một thông tin sai lệch trong thời gian ngắn có thể được chia sẻ với tốc độ không ngừng và gây ra những hậu quả khôn lường. Vì vậy, áp lực công việc của những người lính an ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao không hề nhỏ. Lúc đi ngủ, điện thoại, máy tính xách tay cũng phải kè kè bên cạnh. Thông tin phải cập nhật liên tục và báo cáo lãnh đạo để có hướng xử lý. Đối tượng đấu tranh trên không gian ảo, nhưng ngoài đời lại là người thật, việc thật. Quá trình tìm kiếm phải bắt đầu từ những chi tiết nhỏ nhất, có những trường hợp tìm ra được, nhưng cũng có những trường hợp thì không. Và khi còn một vụ việc chưa giải quyết xong thì họ đều cảm thấy trăn trở như một món nợ.

Nhiều tin tức thất thiệt bị lực lượng an ninh mạng và phòng chống tội phạm lật tẩy, cảnh báo

Năng lực lọc thông tin

23h ngày 6-3-2020, trên mạng xã hội xuất hiện các thông tin từ một tài khoản với nội dung bịa đặt về bệnh nhân số 17. Chỉ trong thời gian ngắn, thông tin này được chia sẻ rộng rãi gây hoang mang dư luận. Nhưng đó cũng là lúc lực lượng an ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao bắt đầu cuộc truy lùng nguồn phát tán thông tin đầy khó khăn. Ban đầu, danh tính của đối tượng rất mờ nhạt. Và sau gần 10 ngày dò từng dấu vết, lực lượng chức năng đã xác định được thủ phạm khi đối tượng xuất hiện tại Hà Nội. Với các chứng cứ mà trinh sát tỉ mỉ thu thập được, đối tượng đã phải thừa nhận hành vi sử dụng điện thoại cá nhân đăng tải bài viết sai sự thật về lộ trình hoạt động của bệnh nhân số 17. Sau đó, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã bàn giao đối tượng cho CAQ Hoàn Kiếm (Hà Nội) xử lý theo quy định của pháp luật.

Sự bùng nổ của mạng xã hội như facebook dẫn đến nhiều thông tin mang tính chủ quan, có thông tin xấu, độc hại, ảnh hưởng trực tiếp đến người dân, đời sống xã hội, cơ chế chính sách của Đảng và Nhà nước… Chính vì vậy, công việc của cán bộ, chiến sỹ Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao càng thêm vất vả. Đặc thù công việc khiến lính an ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao đúc rút ra một trong những yêu cầu quan trọng là năng lực lọc thông tin hội, nhóm.

Để phát hiện các thông tin vi phạm, ngoài sự tỉ mỉ còn là khả năng phán đoán của trinh sát và tinh thần quyết tâm tấn công tội phạm, xử lý đến cùng các hành vi vi phạm pháp luật. Nếu tội phạm truyền thống còn có người chứng kiến, có hiện trường, tang vật, thì trên không gian mạng tất cả đều… vô hình. Người sử dụng có thể dùng tên giả, địa chỉ giả, ảnh giả để phục vụ cho ý đồ cá nhân. Trong hàng nghìn bài viết, phải lựa chọn các bài viết điển hình để xử lý mang tính răn đe. Từ những vụ việc được đơn vị phát hiện hoặc phối hợp với các địa phương xử lý đã có tác dụng tuyên truyền, răn đe, phòng ngừa tội phạm...

Trong những chiến công thầm lặng góp sức vào việc phòng, chống dịch Covid-19, có đóng góp không nhỏ của những người lính an ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao. Họ đã hạn chế các thông tin xấu, độc hại, góp phần không nhỏ vào thành quả phòng chống dịch Covid-19 chung của cả nước.

Minh Hà

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/chinh-tri-xa-hoi/nhiem-vu-am-tham-cua-linh-cong-nghe-cao-ha-noi/859915.antd