Nhiễm virus HPV, cần làm gì để không bị ung thư cổ tử cung?

Nếu phát hiện nhiễm virus HPV càng sớm thì người bệnh có thể có cách phòng ngừa mắc ung thư cổ tử cung.

Tại Việt Nam, trong các bệnh ung thư ở phụ nữ, ung thư cổ tử cung hiện có số người mắc nhiều thứ hai chỉ sau bệnh ung thư vú. Đây là căn bệnh ung thư thường gặp hàng đầu ở phụ nữ trong độ tuổi 40. Có đến 70% các trường hợp bị ung thư cổ tử cung có liên quan đến nhiễm virus HPV.

Chờ khám lại ở phòng khám của Bệnh viện K Trung ương, chị Nguyễn Phương Liên ở Hà Tĩnh cho biết, chị đã phát hiện mình bị mắc ung thư cổ tử cung hơn 1 năm nay. Triệu chứng ban đầu là đi tiểu ra máu. Chị đi khám và điều trị theo hướng nhiễm trùng đường tiết niệu nhưng chỉ một thời gian ngắn sau bệnh tái phát. Chị đi kiểm tra phụ khoa thì phát hiện ra bệnh. Chị cũng làm xét nghiệm HPV và có kết quả dương tính với tuýp 16. Giờ chị mới biết những người mắc loại virus này có nguy cơ cao ung thư cổ tử cung. Phát hiện bệnh ở giai đoạn chưa quá muộn, chị Liên cho rằng mình còn may mắn hơn rất nhiều người.

Nếu phát hiện nhiễm virus HPV càng sớm thì người bệnh có thể có cách phòng ngừa mắc ung thư cổ tử cung. Ảnh: hellobacsi.com.

Theo PGS.TS Lưu Thị Hồng, nguyên Vụ trưởng Vụ Sức khỏe bà mẹ và trẻ em (Bộ Y tế), HPV là một loại virus có hai dạng là nguy cơ thấp và nguy cơ cao. Nếu nhiễm virus HPV nguy cơ thấp sẽ gây ra bệnh sùi mào gà, còn nếu nhiễm virus HPV nguy cơ cao có thể bị ung thư cổ tử cung. Theo nhiều nghiên cứu, số người nhiễm virus HPV hiện nay dao động từ 9-12%. Không phải ai nhiễm virus HPV cũng có thể bị ung thư cổ tử cung nhưng nguy cơ mắc bệnh này khá cao. Người phụ nữ không biết mình nhiễm virus này lúc nào nhưng thời gian từ lúc nhiễm đến lúc biến đổi gây ra những bất thường cho cổ tử cung có thể kéo dài từ 10-20 năm, thậm chí đến lúc già. Nếu phát hiện nhiễm virus này càng sớm thì người bệnh có thể có cách phòng ngừa mắc ung thư cổ tử cung.

Bà Hồng cho hay, không có dấu hiệu nào nhận biết bạn đã nhiễm HPV. Vì vậy, phụ nữ trong độ tuổi từ 30-65, nếu có điều kiện, bạn nên làm sàng lọc test để xét nghiệm (tế bào và HPV) có nhiễm virus hay không. Những người âm tính với HPV nên làm xét nghiệm 3-5 năm/lần. Còn đối với những người dương tính không có tổn thương cổ tử cung thì 1 năm sau nên làm bộ đôi xét nghiệm trên ở các bệnh viện chuyên ngành và gặp bác sĩ chuyên khoa để có những tư vấn thích hợp.

PGS.TS Lưu Thị Hồng khuyên rằng để phòng ngừa việc nhiễm virus HPV, chúng ta cần hiểu về HPV, có quan hệ tình dục an toàn, có chế độ ăn uống tập thể dục lành mạnh hoặc tiêm phòng ngừa virus và sàng lọc ung thư cổ tử cung đối với những phụ nữ đã có quan hệ tình dục.

(Ghi theo VOV2)

Hải Sơn

Nguồn Khỏe Plus: http://khoeplus24h.vn/khoe-a-z/nhiem-virus-hpv-can-lam-gi-de-khong-bi-ung-thu-co-tu-cung-765030.html