Nhiễm trùng bàn chân nghiêm trọng do tin lời thầy lang chữa bỏng

Một người đàn ông tại Quảng Ninh mới đây đã bị nhiễm trùng bàn chân do tin lời thầy lang chữa bỏng bằng thuốc nam.

Theo thông tin từ Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí, Quảng Ninh, chỉ với một vết bỏng diện tích không lớn ở vùng bàn chân 2 bên, do tin lời thầy lang mà giờ đây anh V.B. 33 tuổi trú tại Chí Linh – Hải Dương phải nhập viện điều trị do nhiễm trùng bàn chân 2 bên.

 Bàn chân anh B bị bỏng, hoại tử nặng do tin lời thầy lang. (Ảnh: BV Việt Nam- Thụy Điển Uông Bí)

Bàn chân anh B bị bỏng, hoại tử nặng do tin lời thầy lang. (Ảnh: BV Việt Nam- Thụy Điển Uông Bí)

Anh V.B chia sẻ, trước đó trong lúc nấu cơm do sơ suất anh B. bị bỏng dầu ăn vùng bàn chân 2 bên. Trong đó bàn chân trái diện tích bỏng nhiều hơn với vết phồng rộp, có bọng nước. Do tâm lý ngại đi viện, anh B. đã nghe lời mách mà ở nhà điều trị theo một bài thuốc của thầy lang.

Cũng theo anh B, thầy lang có đến tận nhà anh và mang theo một loại thuốc bột màu vàng cam không rõ là được bào chế từ gì. Sau đó dùng một đoạn lông gà chấm thuốc và rắc đều vào vùng bỏng ở chân anh B. Kèm theo đó là lời hứa chỉ sau một lần điều trị, chỉ 1-2 ngày sau vết bỏng sẽ khô miệng và tự khỏi. Sau 2 ngày anh thấy vùng bỏng có hiện tượng đau, sưng, nóng, chảy dịch, anh mới vội vàng đến viện để kiểm tra.

Thời điểm tới bệnh viện kiểm tra, anh B. nhập viện với vết bỏng mặt trong bàn chân trái khoảng 10x6cm khuyết hổng phần mềm, nhiều dịch đục lẫn hoại tử mo cau đen. Gan bàn chân phải diện tích bỏng kt 4x3cm hoại tử da, nhiều dịch đục kèm giả mạc trắng. Với chẩn đoán nhiễm trùng vết bỏng bàn chân 2 bên. Hiện người bệnh đang được điều trị kháng sinh, thay băng, cắt lọc hoại tử và xét mổ ghép da/chuyển vạt che phủ diện khuyết hổng phần mềm khi đủ điều kiện.

Trường hợp tương tự trước đó xảy ra tại Nghệ An. Theo đó, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cho biết, khoa Chấn thương chỉnh hình - Bỏng tiếp nhận cấp cứu bệnh nhi T.A. (8 tháng tuổi, trú tại Quỳnh Lưu) bị bỏng cháo nóng từ trên ngực xuống bàn chân.

Theo lời kể của gia đình, qua lời giới thiệu của hàng xóm, đã đưa bé bị bỏng tới thầy lang chữa mẹo. Tại đây, thầy lang dùng lông động vật đắp lên vết bỏng. Thấy cách làm phản khoa học, gia đình đã đưa bé T.A. tới Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An để điều trị chuyên sâu.

Ngay khi tiếp nhận bệnh nhân, các bác sĩ khoa Chấn thương chỉnh hình - Bỏng đã nhận định rõ nguy cơ nhiễm trùng do sơ cứu phản khoa học. Bé T.A. khẩn trương được chuyển tới bồn tắm điều trị bỏng, trẻ được tắm nước ấm, sát khuẩn toàn thân. Từng mảng lông động vật đắp vết bỏng được các bác sĩ loại bỏ hoàn toàn khỏi cơ thể bé.

Bác sĩ Đường Thị Hải Chi - chuyên ngành ngoại bỏng - khoa Chấn thương chỉnh hình - Bỏng nhận định: "Bé T.A. bị bỏng cháo nóng 32% diện tích cơ thể độ II, III. Sau khi tiếp nhận, chúng tôi tiến hành truyền dịch, giảm đau cho trẻ và chuyển thẳng bé tới phòng tắm điều trị bỏng. Bé T.A. đã được làm sạch toàn bộ lông động vật trên tổn thương bỏng, thay băng đắp thuốc điều trị bỏng, đề phòng nhiễm trùng vết thương bỏng". Tại thời điểm này bé vẫn đang sốt cao (39°C), các bác sĩ duy trì hạ sốt, giảm đau, theo dõi bé.

Bác sĩ Chi cho biết thêm: "Trong quá trình điều trị, không ít lần bác sĩ gặp phải các trường hợp bệnh nhân bị bỏng nhập viện với tình trạng nặng, thậm chí tử vong do sử dụng các phương pháp xử lý bỏng sai lầm, phản khoa học. Trong đó, lỗi sai khi sơ cứu phổ biến nhất mà nhiều người mắc phải đó là: bôi nước mắm, kem đánh răng, trứng gà, sữa bột lên vùng bị bỏng; đắp hành tỏi, dầu mỡ... Nhiều trường hợp còn dùng viên đá lạnh để chườm trực tiếp lên vết bỏng, đắp lá, đắp lông như trường hợp trên. Chính điều này đã làm cho tổn thương trở nên nặng hơn".

Do đó, các bác sĩ Khoa Chấn thương chỉnh hình và bỏng khuyến cáo đến người dân, với những tổn thương bỏng do bất cứ nguyên nhân gì, hãy đến cơ sở y tế hoặc liên hệ nhân viên y tế để được tư vấn điều trị đúng cách. Bởi có thể từ một tổn thương ban đầu đơn giản (như của người bệnh B.), nếu xử trí sai cách có thể gây hậu quả nghiêm trọng hơn như hoại tử gây khuyết hổng phần mềm, có thể dẫn đến hoại tử gân cơ gây ảnh hưởng chức năng bàn chân, làm kéo dài điều trị và tốn kém cho người bệnh. Trường hợp xấu nhất có thể dẫn đến nhiễm trùng hoại tử và phải cắt cụt cả bàn chân.

An Dương

Nguồn VietQ: https://vietq.vn/nhiem-trung-ban-chan-nghiem-trong-do-tin-loi-thay-lang-chua-bong-d200702.html