Nhiễm bệnh từ lợn thả rông

Xưa kia, người dân nuôi lợn thả rông vì không có điều kiện chăm sóc, thiếu thức ăn, còn ngày nay, nhiều nơi vẫn thả rông lợn, bởi cho rằng, thả rông thịt ngon hơn, sạch hơn. Đây là một tập quán lạc hậu từ bao đời nay.

Ngon hơn hay không chưa biết, còn sạch hơn thì chắc chắn không. Vụ hơn 100 người nhiễm sán dây lợn ở Bình Phước mấy ngày qua đã cho thấy, nguyên nhân nhiễm là do lợn thả rông.

Người dân thờ ơ với bệnh gia súc

Chúng tôi về vùng nông thôn huyện biên giới Bù Gia Mập, thấy đa số người dân địa phương, đặc biệt các hộ là đồng bào thiểu số, vẫn thả rông đàn heo mọi, heo rừng lai, và cả heo nhà. Điều đáng ngại hơn cả là hầu hết người dân chủ quan với nguy cơ nhiễm bệnh từ lợn, trâu bò khi nguồn gia súc không đảm bảo “sạch”. Ông Điểu Yên, ở thôn Bù Gia Phúc 1, xã Phú Nghĩa, huyện Bù Gia Mập, nơi đoàn kiểm tra phát hiện trong thịt lợn bị nhiễm ấu trùng sán dây lợn, vẫn chưa biết rõ về các loại bệnh giun, sán ở con lợn, chó, mèo. Vì thế, không những gia đình ông Yên mà rất nhiều hộ dân trong thôn rất chủ quan về dịch bệnh từ lợn, chó, mèo gây ra.

Thịt lợn nhiễm sán dây

“Ở đây mấy năm trước có người biết là heo nhiễm bệnh gạo nhưng vẫn làm thịt ăn. Nhà mình cũng nuôi heo, nuôi chó chưa chích ngừa. Nếu heo bị bệnh, bị tiêu chảy, bỏ ăn thì mình kêu thú y vô chích, mình trả tiền cho người ta”, ông Yên nói. Còn ông Điểu Tú, ở thôn 1, xã Phú Văn, hoàn toàn không quan tâm gì về bệnh sán dây trên heo, ông thản nhiên bảo: “Heo nuôi thả rông quen rồi, nhốt nó sẽ phá chuồng. Thả cho nó đi kiếm ăn, nhốt phải nấu cám, tốn kém”.

Với đa phần bà con dân tộc thiểu số, việc nuôi heo thả rông đã trở thành tập quán từ xa xưa. Heo tự đi kiếm thức ăn, tự tìm chỗ ngủ, gần như không có bàn tay chăm sóc của người nuôi. Cách nuôi này không mang lại hiệu quả kinh tế lại gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Trao đổi với ông Phạm Hồng Khanh, Phó Chủ tịch UBND huyện Bù Gia Mập, ông Khanh cho biết, Bù Gia Mập là một trong những huyện biên giới của tỉnh Bình Phước, đời sống người dân còn nhiều khó khăn, lạc hậu, nên tập quán nuôi lợn thả rông vẫn khá phổ biến… Do địa bàn rộng, dân cư ở rải rác, công tác tuyên truyền cũng khó khăn nên việc tiếp cận các thông tin còn hạn chế.

Bà con nuôi heo thả rông xưa giờ rồi, có nhắc nhở họ cũng chẳng chịu nhốt. Họ lấy lý do không có tiền làm chuồng, không biết nấu thức ăn cho heo, nên phải thả. Thậm chí đã nhiều lần xã đi vận động, hỗ trợ bà con chặt cây, làm chuồng, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, bảo vệ đàn heo nhưng khi cán bộ đi rồi thì đâu lại vào đấy.

Gia súc thả rông không hề sạch

Trước câu hỏi, lợn thả rông có sạch? PGS.TS Lê Thành Đồng, Viện trưởng Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng TP.HCM (SRKSTCT TP.HCM) khẳng định: “Đây là cách chăn nuôi rất lạc hậu, tồn tại từ hàng trăm năm nay, cần phải thay đổi ngay. Thịt gia súc nuôi thả chưa biết có ngon hơn nuôi nhốt hay không, vì “sạch” nó gồm nhiều yếu tố, để thịt thơm ngon không phải cứ thả rông là sạch mà phải chú trọng ở nguồn dinh dưỡng nuôi nó.

Heo thả rông là nguyên nhân khiến nhiều người nhiễm bệnh sán dây, nhưng tình trạng nuôi thả còn rất phổ biến

Chăn nuôi thả rông không quyết định chất lượng thịt ngon hay không ngon. Thứ nhất là thức ăn phải sạch, không được dùng chất cấm, chất tạo màu, tạo nạc mà sử dụng những nguyên liệu có lợi phong phú như dược liệu, vi sinh vật. Thứ hai để chất lượng thịt thơm ngon cần có môi trường và nguồn nước đảm bảo. Trang trại phải tuân thủ nghiêm túc hướng dẫn, văn bản của nhà nước đã ban hành, thực sự ý thức tự giác kiểm tra các thông số về môi trường nuôi như nguồn nước, thức ăn.

Bên cạnh đó, người chăn nuôi phải thay đổi thói quen hễ có bệnh là dùng kháng sinh đi. Để thay đổi ý thức này của người chăn nuôi, công tác truyền thông cũng phải xác định đây là một cuộc cách mạng sạch dài hạn, mới có thể tạo ra những sản phẩm sạch.

Đó chính là những yếu tố cốt lõi để cho ra sản phẩm thịt sạch chứ không phải chỉ đơn giản là thả rông, cho nó tự kiếm ăn, bạ gì ăn nấy. Nuôi gia súc thả rông để lại rất nhiều hệ lụy: Không đảm bảo vệ sinh an toàn thú y lẫn dịch bệnh thì làm sao đảm bảo VSATTP sau giết mổ? Nguy cơ nhiễm nhiều bệnh như nhiệt thán, liên cầu khuẩn…, khả năng lây sang người rất cao. Bằng chứng là rất nhiều người chúng ta vừa phát hiện nhiễm sán dây lợn ở Bình Phước. Ngoài ra, việc thả rông các loại gia súc, gia cầm nói chung còn góp phần không nhỏ trong việc gây ô nhiễm môi trường vì chất thải. Vì vậy, chỉ có chăn nuôi công nghiệp chúng ta mới khắc phục những yếu điểm trên và đáp ứng nhu cầu của xã hội.

HỒNG THỦY - PHÚ LỘC

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/nhiem-benh-tu-lon-tha-rong-post230726.html