Nhẹ

(TuanVietNam) - Giống như khi nhìn vào những ký họa bằng bút chì hay bút sắt của một họa sĩ lớn, các câu chuyện ở đây cấu trúc giản dị và rõ ràng, với lời kể nắm bắt lấy những đường nét chủ yếu một cách hết sức tự nhiên không một chút rườm rà, bất định hay ngập ngừng.

Tác phẩm: Những mối tình nực cười (Tập truyện ngắn) Tác giả: Milan Kundera Dịch giả: Cao Việt Dũng Nhã Nam & Nxb Văn học, 2009 ----- “Nhẹ”, để mượn lại hàm ý trong cái tên tiểu thuyết Đời nhẹ khôn kham của Milan Kundera. Và với tôi đây là một sự khám phá lại, bởi cách nay không lâu trong một cuộc trò chuyện, dịch giả Cao Việt Dũng cũng đã nói đến quan niệm độc đáo của M. Kundera về “tính nhẹ” (của cuộc đời; và của văn chương nữa chăng?) Bìa cuốn sách Những mối tình nực cười. Như “những quả tạ bằng giấy” (tr.325, Edouard và Chúa) - cái cảm nhận của nhân vật Edouard về những gì, tất cả, mà trước lúc được Alice người tình trao thân, anh đã nghĩ là nghiêm túc. Mà lại không phải không có gì nghiêm túc. Hoàn toàn không phải như vậy. Nhưng qua một cuộc phiêu lưu cả về ý tưởng và hành động, một cuộc phiêu lưu vì ái tình (người kể chuyện cũng sẽ nói rõ luôn: vì khao khát tình dục) rốt cục khiến Alice sắt đá sùng đạo thành ra vui mừng tự nguyện thông dâm với anh, Edouard phát hiện một tính ngẫu nhiên khủng khiếp: “Rằng các ý nghĩ của Alice trên thực tế chẳng qua chỉ là một điều gắn lên số phận cô, và số phận cô chẳng qua chỉ là một điều gắn lên cơ thể cô… sự chắp ghép phi hữu cơ, võ đoán và không bền chắc” (tr.322, Edouard và Chúa). Thế là Edouard bỗng tách được khối lượng ra khỏi những quả tạ trên đời? Tuy nhiên tôi không định nói vì thế mà nó Nhẹ, không định nói rằng đó là Nhẹ. Chúng ta sẽ quay lại với Edouard và Chúa sau. Cảm thức về một tính nhẹ toát lên từ toàn bộ tập truyện gồm bảy câu chuyện này, mà truyện về Edouard xếp sau cùng hầu như có ý đưa ra một phán xét sau hết. Không phải một thứ niềm vui nhẹ nhõm nào, cũng không phải một cảm giác vơi bớt nhẹ lòng (ngược lại thì đúng hơn!), và không phải nỗi khoan khoái khinh bạc với “tục lụy” (cơm no bò cưỡi!). Cảm giác về Nhẹ toát lên từ tính chất minh bạch thấu suốt của truyện kể và của lời kể. Giống như khi nhìn vào những ký họa bằng bút chì hay bút sắt của một họa sĩ lớn, các câu chuyện ở đây cấu trúc giản dị và rõ ràng, với lời kể nắm bắt lấy những đường nét chủ yếu một cách hết sức tự nhiên không một chút rườm rà, bất định hay ngập ngừng. Đó là những kiến trúc và những bức tượng cẩm thạch ta sẽ thấy ở Athens. Toàn bộ toát lên sự trang nhã. Có lẽ tôi cần nói rõ hơn: sự trang nhã ở đây là sự kết hợp giữa cái đẹp và tính hiệu quả; cái đẹp của từ chương và tính hiệu quả của nghệ thuật kể chuyện. Tìm cách định nghĩa như vậy thì sẽ rơi vào một lỗi trùng ngôn. Nhưng đấy lại chính là điều ta phải nói đến. Không chỉ một đôi lần người ta đã thấy điều được thức nhận như một cảm giác lại tiềm tàng khả năng hóa ra cái gọi là sự đánh lừa của cảm giác. Sự trang nhã, vẻ trang nhã thường gieo cảm nhận nó là Nhẹ. Nhưng cái trang nhã lại là một tập hợp những sự tuân thủ quy tắc, theo quy luật. Không có cái trang nhã ở bên ngoài diện trường của các quy luật và quy tắc. Vậy thì tính nhẹ ở đây là một biểu hiện nghịch lý. Nghịch lý thú vị nhất là khi nó vang lên như một sự hiển nhiên. Bìa sách bản tiếng Anh. Trong truyện Chơi trò xin đi nhờ xe, một đôi tình nhân trẻ trên đường đi nghỉ mát bỗng tự rơi vào trò chơi một cô gái vẫy xe dọc đường rồi để cho tay lái xe quyến rũ; những biến chuyển nội tâm do lòng ghen tuông và nghi ngờ tình ái trỗi dậy một cách tiêu cực, đẩy cả đôi cuốn mình vào trò chơi không dứt ra được, cho đến kết cục làm tình với nhau trong vai kẻ quyến rũ với người-để-cho-quyến-rũ. Trò đùa miễn cưỡng đã hạ màn bẽ bàng, cô gái “nức nở gọi anh bằng tên riêng và nói: “ Em là em, em là em…” (…) nhắc đi nhắc lại thật lâu cái thứ trùng ngôn đầy xúc cảm ấy: “Em là em, em là em, em là em…”” (tr.122-123). Người kể chuyện đã nói rồi - đó là cái xa lạ được định nghĩa bằng chính cái xa lạ (tr.123). Cái mệnh đề trùng phức trong khẳng định tuyệt vọng Em là em đó trước hết là vô nghĩa: như một thí dụ chỉ về ngữ pháp, không tạo sinh một nghĩa gì (tất nhiên, ta chưa nói về ý nghĩa). Nhưng nó vang lên hiển nhiên: đây là em, em đây mà! Đồng thời nó hàm chứa một sự phủ nhận rằng đã có cái Em không là em; cho nên phải cần đến một sự khẳng định lại, mà thật sự là nghịch lý, bởi không có một liên hệ nào để chuyển cái Em không-phải-là-em thành cái em là em được. Cả câu chuyện là kể về cái mối liên hệ không thể có ấy. Xét trên bình luận đó, nó là một trùng ngôn: Trò chơi là Trò chơi. Trùng ngôn như là một định nghĩa, tối giản và chặt chẽ đến buồn cười. Nhưng đó là khía cạnh để ta nói đến ở đây: nó là một liên hệ thay thế - giải thích một ngữ đoạn này bằng một ngữ đoạn khác, mà trong mệnh đề trùng phức thì đó là sự thay thế mà không tạo nghĩa (tức không có thay đổi). Tuy nhiên ta đã nói đến nghịch lý: cô gái tự thay thế mình vào vai một em-đi-nhờ-xe, để anh người yêu cô thay thế mình vào vai một gã-lái-quyến-rũ; “chơi trò xin đi nhờ xe” họ chơi trò định nghĩa về mình; và rồi, như đã dẫn ở trên, trò đùa thay thế làm phát lộ cái xa lạ, và cái xa lạ sẽ không thể có mối liên hệ thuận - nghịch với chủ ngữ ban đầu của nó được nữa; em thành “xa lạ”, mà “xa lạ” không thể thành Em. Người ta có thể cho rằng những mối quan hệ bị quy định chặt chẽ trong lớp lớp những trùng ngôn ở đây chỉ là thuộc phạm trù ngữ pháp, cú pháp hay thậm chí là phạm trù ngữ nghĩa, tóm lại là những liên hệ văn bản. Song câu chuyện đã không tảng lờ hay làm ra vẻ ngẫu nhiên về đặc điểm đó: các địa danh trong truyện đều định vị bằng danh từ riêng trong khi tất cả các nhân vật đều chỉ là những đại từ nhân xưng vừa mô tả vừa quy định - “anh”, “em”, “tôi”, “cô”, “người đàn ông đằng kia”, “một thằng cha”… Và cái tên riêng bị tẩy xóa triệt để: “anh nghiêng người sang phía cô, vòng tay ôm lấy vai cô và, muốn hủy bỏ trò chơi, dịu dàng thì thầm tên cô” (tr.101). Cô ấy cũng đến lượt gọi anh bằng tên riêng (tr.122), và sự vắng mặt của những cái tên phía sau các ngữ đoạn “tên riêng” dường như nhấn mạnh vào hành động ngôn ngữ hoặc diễn ngôn về hành động, hay nói chung là có tính hành động. Bạn sẽ thấy chính xác điều đó qua những chương đoạn minh bạch đến mức thấu suốt, không chỉ ở một truyện này, trong đó người kể chuyện tiến hành theo một mô thức: các diễn biến nội tâm - như các tác nhân của hành động - rồi diễn ngôn mang tính hành động của nhân vật. Hãy lưu ý không có một nét thừa ra nào trong các trần thuật tự sự đó. Và không có những diễn đạt mơ hồ, lấp lửng, mập mờ hàm ý trong sự biểu đạt các tác nhân tâm lý. Tất cả đều phơi lộ vừa vặn và tinh xảo trên bình diện hiển ngôn; tất cả đều phải giải thích và đã được giải thích; nói một cách khác: tất cả đều là ngôn từ. “Anh” và “Em”, “tôi” hay “cô” đều chỉ là những dấu nối liên kết diễn ngôn về tác nhân với diễn ngôn về hành động. Ở đây, một thế giới trở thành văn bản, hành vi rơi vào những liên hệ trùng ngôn. Trùng ngôn không vô nghĩa, nhưng còn tệ hơn một sự vô nghĩa - nó nhân đôi hình ảnh của nhân cách (Em là em), làm phát lộ con-người-xa-lạ trong con người; và ở chỗ cái mối liên hệ không thể có giữa hai nhân cách ấy thì bản chất của nhân cách cũng trở thành không thể. Nhà văn Milan Kundera. Ảnh: prague-life.com Thế giới - văn bản tiếp tục là một thế giới của Lời lẽ trong truyện Tranh biện. Ta thấy ngay ở đoạn mở đầu: “Phòng trực (tại khoa bất kỳ của một bệnh viện bất kỳ ở một thành phố bất kỳ) tập hợp năm nhân vật…” (tr.127). Ba trong số năm nhân vật đó có tên riêng - Bác sĩ Havel, cô y tá Elizabeth và bác sĩ thực tập Fleischman - còn lại là ông trưởng khoa với cái đầu hói và nữ bác sĩ xinh xắn trạc ba mươi tuổi (tr.127). Sẽ hoàn toàn hợp lý nếu gắn hai chữ “bất kỳ” đó vào ba cái tên riêng kia: bác sĩ Havel bất kỳ, y tá Elizabeth bất kỳ… Những cái tên thì trôi dạt, còn lời lẽ từ chúng mà ra thì ấn định. Truyện này hiện lên dưới dạng một kịch bản (sân-khấu-đọc) ước lệ một cách đại khái nhất, với vắn tắt bảng nhân vật, phác họa khung cảnh chuyển đổi, với “Màn một”, “Màn hai”, “Màn ba”… tất cả như một thứ đường viền làm nổi bật lên những lời lẽ. Nhưng có vẻ như lời lẽ ở đây ngầm khuyến dụ ta đừng có buộc mình vào lời lẽ, đặc biệt khi nó đầy rẫy những ngụy biện hùng hồn. Chẳng hạn, ông trưởng khoa tinh quái bắt được tín hiệu mà Fleischman cho rằng cô nữ bác sĩ muốn hẹn hò với mình; vậy là ông ta đi ra chỗ anh bác sĩ thực tập trẻ đẹp trai khoanh tay đứng tựa vào một gốc tiêu huyền trong vườn đêm đang chờ chiến công ái tình của mình tự dẫn xác đến; và trưởng khoa bảo ông ta ra đây để tiểu tiện, vì: “Tôi thích đi tiểu ngoài thiên nhiên hơn là trong toalet hiện đại, tởm lắm. Ở đây cái tia nước mảnh màu vàng sẽ nhanh chóng và kỳ diệu hòa nhập tôi vào với đất mùn, cỏ dại và mặt đất. Bởi vì, Fleischman ạ, tôi là cát bụi, và chỉ một lúc nữa thôi, ít nhất là một phần nào đó, tôi sẽ trở về làm cát bụi. Tiểu tiện trong thiên nhiên là một nghi thức tôn giáo qua đó chúng ta hứa với đất là sẽ quay trời về, một ngày nào đó, toàn vẹn” (tr.142). Không thể không thừa nhận đây là một cú tiểu tiện trang nhã. Một cấu trúc lời lẽ kỳ diệu có ba đoạn hẳn hoi, đi ba bậc tam cấp phản đề-chính đề-hợp đề để một bước lên tới trời. Người sành điệu có thể nhếch mép coi đây chỉ là một ngụy biện trống rỗng không có thực chất. Lại còn đầy những cú thổi bong bóng hùng biện. Thì đúng rồi. Nhưng hãy xem cách thức chặt chẽ của tất cả các đoạn lập luận; hãy xem những lời lẽ “học đòi phong nhã” * một cách hoàn toàn phô trương, thông minh lồ lộ và lọc lõi tinh tế (như Ca tụng tình yêu kiểu Platon, tr.136, gợi ý không úp mở đến Bữa tiệc). Và hãy xem toàn bộ sự hợp lý tinh tế trong “hình thức của diễn đạt” đó, những Lời lẽ đó, đối lập một cách hoàn hảo ra sao với toàn bộ nội dung của diễn đạt Tranh biện: cả một cuộc rượu phóng dật tán tỉnh, biểu hiện, bỡn cợt và khoác lác về tình ái mà nhìn chung “không có lấy một lạng sự thật” (tr.167). Phong cách cao của hình thức, như vậy, chỉ khẳng định chính nó. Tôi không cố tìm cách suy diễn về một trùng ngôn nữa bao trùm trong Tranh biện, nhưng nếu có thể thấy ở đây rằng Lời lẽ là lời lẽ, hình thức là hình thức, ta sẽ nhìn vào mặt chính diện của trùng ngôn này: Lời lẽ không đem đến (tạo ra) “sự thật”. Tuy nhiên không nên coi ở đây một hàm ý nào về đạo đức. Tranh biện hướng cái nhìn của ta vào chỗ phát giác cái vỏ nhân vị của kiếp người (bạn cứ xem, ở đó có đủ “Thời gian để yêu, thời gian để chết”) nhưng chính xác là trong cái tính nhẹ kỳ quặc của nó, bởi vì trong vũ trụ của hắn ta mọi sức nặng đều không có trọng lượng. Các khối đá đã bị biến thành lông hồng (tr.153). Nhà văn Milan Kundera sinh ngày 1/4/1929 tại Brno, CH Czech, nhưng mang quốc tịch Pháp. Tác phẩm nổi tiếng nhất của ông là tiểu thuyết Đời nhẹ khôn kham. Ta nên lắng nghe lời phán xét về những điều ấy ở Edouard và Chúa. Nếu tất cả các truyện trong tập này đều có một bộ khung tiểu thuyết thì truyện về Edouard và Chúa sẽ là một tiểu thuyết dày dặn và phức tạp hơn cả. Thảo luận một chút về tính nhẹ ở đây, trong bài viết này, tôi không có tham vọng phân tích toàn bộ và đầy đủ (tất nhiên, đầy đủ nhẹ” thôi) về tác phẩm hết sức độc đáo này. Để tóm tắt một cách hết sức thô sơ thì: Edouard là một giáo viên trẻ ở một trường tỉnh lẻ, yêu Alice sùng đạo và trinh bạch một cách cương quyết vì sùng đạo; Edouard giả cách đi nhà thờ, tin vào Chúa để thuyết phục Alice trao thân cho mình; việc Edouard có biểu hiện theo đạo bị nhà trường phát giác; Edouard tương kế tựu kế công khai thừa nhận mình tin vào Chúa do cảm tính; bà hiệu trưởng nắm lấy cơ hội đó để nhận kèm cặp giáo dục cải hóa tay giáo viên trẻ ưa nhìn này; Edouard đành phải đi đến cùng việc cám dỗ “ hủ hóa” bà hiệu trưởng gái già độc thân; việc Edouard thừa nhận niềm tin công khai (giả trá) biến anh ta thành một anh hùng tuẫn đạo; Alice vui sướng ngưỡng mộ tự hào động lòng đồng ý trao thân… Đến đây là đoạn tôi đã trích dẫn ở đầu bài: Edouard phát hiện tính ngẫu nhiên khủng khiếp, một cách rất “hiện tượng luận”, trong sự chắp ghép rời rạc tâm hồn và thân xác ở Alice người yêu. Bạn có thể sẽ nhớ lại, nhân vật cô gái “chơi trò xin đi nhờ xe” cũng có một cảm thức tương tự, rằng cơ thể cô là cái gì đó rất ngẫu nhiên được đem đến cho cô. Cái thức nhận về sự tách rời của thực thể ấy, cái cảm giác xa lạ hiện sinh ấy là một khởi đầu mà rốt cục sẽ dẫn đến câu hỏi về bản chất, vâng, bản chất của mình đấy ạ. Ta hãy nhìn sang Edouard bằng cái mô thức ấy. Bắt đầu bằng việc giăng ra một cái bẫy của thông tin dối trá (tr.321) rằng mình tin vào Chúa, Edouard khi đạt được các mục đích chiến thuật rồi bỗng phát hiện ra đã tự giăng bẫy chính mình: “Nhưng dù vẫn gần như chắc chắn là Chúa không tồn tại, Edouard sẵn lòng để đầu óc mình suy tư, và với một niềm hoài nhớ, ý tưởng về Chúa” (tr.329). Thay vì sức nặng của những cơ thể (những mối tình, như Alice), những sức nặng như những quả tạ bằng giấy vì không thể tìm ra bản chất (tr.329), Edouard để cho một niềm ham muốn về Chúa (tr.329) choán chỗ. Chỉ vì nó phi bản chất (tr.329, như nhau. Bởi vì, cho dù tôi có thể khiên cưỡng, trong ngữ đoạn Edouard và Chúa có ít nhất hai mệnh đề trùng phức: Edouard là Edouard, và Chúa là Chúa; cả hai không thể có mối liên hệ nào ngoài mối liên hệ văn bản. Mà nghịch lý cuối cùng là bằng cách đó chúng hướng cái nhìn của ta về bản chất của nhân cách, theo cái mô thức biến những tảng đá thành lông hồng. Nguyễn Chí Hoan

Nguồn TuanVietNam: http://tuanvietnam.net/vn/nghexemdoc/sachhaynendoc/7584/index.aspx