Nhảy vào bắt đáy, giá cổ phiếu tăng vọt, VN-Index hồi phục

Áp lực bán giảm mạnh sau khi thị trường chứng khoán về mức đáy xác lập giữa tháng trước. Sức cầu bắt đáy không thực sự lớn nhưng cũng đủ giúp nhiều cổ phiếu bật tăng và VN-Index tăng khá mạnh.

Thị trường chứng khoán chứng kiến sự bứt phá của cổ phiếu nhiều nhóm ngành như ngân hàng, thủy sản, năng lượng, chứng khoán, qua đó giúp VN-Index tăng hơn 12 điểm sau khi xác lập đáy mới trong hơn một năm qua.

Trong nhóm VN-30, Ngân hàng Vietinbank CTG tăng trần lên 25.250 đồng/cp. Sacombank (STB) tiếp tục tăng khá mạnh sau khi tăng hết biên độ trong phiên trước đó. Techcombank và MBBank tăng khá mạnh.

Nhóm cổ phiếu dầu khí và năng lượng tăng ấn tượng, với POW tăng trần lên 13.900 đồng/cp; GAS tăng 5.600 đồng/cp lên 116.800 đồng/cp.

Chứng khoán SSI tăng thêm 800 đồng lên 18.500 đồng/cp sau khi tăng trần trong phiên liền trước.

Rất nhiều cổ phiếu tăng mạnh trở lại nhưng thị trường cũng ghi nhận nhiều mã tiếp tục giảm. Dòng tiền không nhiều và dàn trải trên diện rộng mà tập trung vào bắt đáy một số mã. Sự thận trọng khiến thanh khoản giảm khoảng 10% so với phiên trước và xuống ngưỡng 14 nghìn tỷ đồng (thay vì 30-40 nghìn tỷ đồng/phiên thời kỳ sôi động.

Nhiều cổ phiếu tăng mạnh trở lại.

Nhóm cổ phiếu thủy sản cũng bật tăng mạnh với nhiều mã tăng ngay từ đầu phiên như: ANV, FMC, ACL…

Ngành thủy sản được đánh giá hồi phục nhanh sau 2 năm gián đoạn vì đại dịch Covid. Theo VASEP, xuất khẩu thủy sản 5 tháng đầu năm 2022 đạt 4,7 tỉ USD, tăng trưởng 44% so với cùng kỳ năm ngoái. Các thị trường đều tăng trưởng mạnh. Ước tính 6 tháng, xuất khẩu thủy sản có thể đạt 6 tỷ USD.

Chứng khoán Việt tăng trong bối cảnh chứng khoán châu Á hồi phục khá ấn tượng.

Mặc dù thế giới đối mặt với tình trạng lạm phát rất cao, nhiều nước lên 2 con số nhưng lạm phát ở Việt Nam được dự báo không tăng quá mạnh, có thể ở dưới ngưỡng mục tiêu 4%. Theo Ngân hàng UOB Việt Nam, lạm phát năm 2022 của Việt Nam sẽ ở mức 3,7%. Tăng trưởng kinh tế vẫn đạt 6,5%.

VN-Index hướng lại mốc 1.200 điểm.

Lạm phát Việt Nam có xu hướng tăng nhan gần đây do gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên, do Việt Nam có khả năng cung cấp thực phẩm trong nước, nên áp lực tăng giá không quá lớn.

Gần đây, cổ phiếu Việt giảm mạnh khiến dòng tiền dù không nhiều nhưng đổ vào các doanh nghiệp trả cổ tức cao và đều đặn như Vinamilk, Đạm Cà Mau (DCM), như PVGas (GAS)… Trên thị trường nhiều cổ phiếu đã về dưới mức khi thị trường tạo đáy vào tháng 3/2020 như HNG, TCH, VCG…

Nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng được xem là hấp dẫn. Theo SSI Research, nhiều khả năng các ngân hàng sẽ được nới room tín dụng vào cuối quý III. Ngân hàng Nhà nước sẽ cấp thêm hạn mức tín dụng cho các nhà băng vào thời điểm hợp lý hơn.

Trên thế giới, rủi ro còn nhiều. Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cho biết cơ quan này quyết tâm kéo giảm lạm phát dù thừa nhận có những yếu tố nằm ngoài khả năng kiểm soát của cơ quan này. Fed thừa nhận rủi ro suy thoái.

Dù tin tưởng vào sức mạnh nội tại của nền kinh tế Mỹ, chủ tịch Fed Powell thừa nhận rủi ro suy thoái là có thật và “hạ cánh mềm” là một mục tiêu không hề dễ dàng đối với nước Mỹ. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 5 tại Mỹ tăng 8,6% so với cùng kỳ năm 2021, cao nhất kể từ tháng 12/1981.

M. Hà

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/nhay-vao-bat-day-gia-co-phieu-tang-vot-vn-index-hoi-phuc-2032857.html