Nhảy thác

'Nhảy' đang là từ được nhắc đến nhiều trong mùa World Cup 2018. Chúng tôi cũng đi nhảy, nhưng là nhảy thác. Từ trên vách núi nhảy xuống dòng nước xanh biếc để tận hưởng cảm giác sảng khoái. Nhưng, cũng là sự mạo hiểm. Mạo hiểm từ lúc hướng dẫn viên người địa phương hô 'Jump' (nhảy).

Đu dây, nhảy xuống suối. Ảnh: NGUYỄN TÀI

Sức ép từ 2 chữ ký và những lời dặn dò

Cách thành phố Cebu (Philippines) 130km về hướng Tây Nam, thác Kawasan nằm lọt trong lòng dãy núi Barangay Matutinao, thuộc thị trấn Badian. Mục tiêu của chúng tôi là đến Kawasan để nhảy thác.

Sau hơn 3 tiếng di chuyển, chúng tôi có mặt ở 1 lán trại đặt ngay bên bờ biển. Kết thúc màn chào hỏi, mỗi người trong đoàn phải ký vào 1 tờ giấy cam kết, trong đó, ngoài những nội dung về sức khỏe còn có số điện thoại liên lạc trường hợp khẩn cấp.

Ăn trưa (bữa trưa có trong tiền tour nhảy thác) xong, chúng tôi được hướng dẫn thay sang quần áo bơi (mỗi người đã mang theo), rồi mặc áo phao. Những chiếc áo phao được hướng dẫn viên mặc cho từng du khách vì phải điều chỉnh các dây sao cho áo phao vừa người nhưng không thít chặt, nhất là 2 chiếc dây đai vòng qua háng.

Phía trước áo phao có 1 túi nhỏ kéo khóa. Trong túi có 1 chai nước 350 ml và 1 bánh ngọt. Lời dặn dò vừa nghiêm túc vừa hài hước: Nước và bánh chỉ dùng trong trường hợp không may lạc đường hoặc chỉ đến khi sắp…chết đói, chết khát mới được ăn, được uống.

Tiếp đến, đội mũ bảo hiểm, chiếc mũ màu xanh thật dịu dàng nhưng bảo vệ đầu khi nhảy xuống nước. Cuối cùng là giầy. Tốt nhất là thuê giầy của nơi mua tour, 100 Peso/đôi (khoảng 50.000 VNĐ), vì chỉ những đôi giày chuyên dụng như thế mới không làm đau chân, chống trơn khi đi trong rừng và không tuột ra khi nhảy thác, bơi dưới suối.

Kết thúc việc trang bị bảo hộ cá nhân, chúng tôi được đưa lên những chiếc xe máy. Lái xe là thanh niên bịt kín mặt, tổ lái đến mức có thể làm tim bạn bay ra ngoài với góc cua hẹp, rộng không hề giảm tốc mà đường thì có lớp sỏi mỏng.

Nghĩ dại, lúc đó mà xe chỉ lạng nhẹ là cả người và xe sẽ đo đường. Chạy khoảng 3km, đến điểm xuất phát của khu du lịch thác Kawasan. Xuống xe, 1 nữ hướng dẫn viên của khu du lịch giới thiệu về thác Kawasan và một số động tác cần biết khi nhảy thác như tư thế của tay, chân, khi nào thì cần bịt mũi…

Vừa háo hức, vừa hồi hộp nên mong nhanh chóng đến được thác, nhưng sự chuẩn bị chưa dừng ở đó. Chúng tôi lại phải sang 1 chiếc bàn khác, khai tên và ký. Cứ nghĩ như thế là xong, là thấy thác ngay rồi. Nhưng, lại tiếp tục đi bộ gần 2km dưới trời nắng như đổ lửa, đường có lúc là bêtông, lúc là đường đất dốc, khá trơn. Thật sự lúc đó, áo phao và đôi giày chuyên dụng dưới chân là gánh nặng vì nóng, mồ hôi đầm đìa như tắm.

“Đừng sợ, nhảy đi”

Có 4 hướng dẫn viên người địa phương theo đoàn chúng tôi. Trước lúc đi tôi hào hứng lắm, nhưng sau khi thấy phải làm nhiều thủ tục và quá nhiều lời dặn dò đâm ra hoang mang. Cậu hướng dẫn viên người địa phương bảo, có 7 thác để nhảy, thác thấp nhất là 2m, thác cao nhất là hơn 12m.

Đến thác đầu tiên, chỉ 2m. Hướng dẫn viên đưa từng người vào vị trí để nhảy. Người mở màn nhảy rất nhanh, vèo cái đã thấy nước tóe ra, nổi bọt trắng, rồi người từ từ ngoi lên. Có vẻ đơn giản. Tôi ra vị trí nhảy gần cuối cùng. Đứng từ trên nhìn xuống, suối xanh trong vắt, các thành viên trong đoàn đứng dưới nhìn lên và hô cố lên, đằng sau là những người còn lại đang chờ đến lượt.

Tôi nhắm mắt, định liều nhảy xuống, nhưng nghĩ đến cái cổ tay gãy cách đây 2 năm, giờ trở trời vẫn đau và cái đĩa đệm bị lệch lại thấy sợ. Tôi quay vào. Hướng dẫn viên ở đây cũng đã quen những trường hợp như tôi nên bảo thở đều, hít sâu, lấy lại bình tĩnh. Lần thứ 2, tôi không dám nhảy, lần thứ 3 cũng không thể gieo mình xuống.

Hướng dẫn viên dẫn tôi ra chỗ mỏm đá thấp hơn, động viên “đừng sợ, nhảy đi, đã có tôi đây rồi”. Nghĩ một lát, tôi đầu hàng, chấp nhận đi men theo đường đá xuống thác thấp hơn. Khi chạm chân xuống dòng nước suối chảy xiết qua những tảng đá nhỏ, tôi tự nhủ “phải cố lên”. Nhưng rồi đến thác thứ 2, thứ 3 tăng dần độ cao nên tôi càng không thể nhảy.

Có thác tôi bỏ qua luôn, có thác cũng thử ra vị trí nhảy, song lại quay vào để…lội bộ. Phía dưới chân thác, mỗi lần nhảy xong, các thành viên trong đoàn lại bơi đến thác tiếp theo. Cứ thế, số thác để nhảy ít dần, mà tôi thì vẫn không thể lấy được can đảm. Cũng kỳ lạ, lúc bé tôi là đứa lì đau.

Chơi trò đuổi bắt (su-vê), vấp chân vào thành sắt, lộn cổ từ tầng 2 xuống không hề khóc; chơi trốn tìm chuyên men theo đường ống máng (nước) ở tầng 3 của trường không thấy sợ. Có lẽ chính cái hùng vĩ, hoang sơ của núi rừng nơi thác Kawasan đã làm tôi ngợp. Suối chảy xiết, có những thác nhảy chỉ là khe hẹp, cảm giác có thể va vào đá bất cứ lúc nào, xung quanh là cây cối rậm rạp.

Sau này, hỏi 1 cậu bạn trẻ trong đoàn, cảm giác nhảy thế nào, cậu ấy trả lời: Đã lắm chị ơi, mình như được rơi tự do, thậm chí còn thấy như mình có thể bay. Hỏi: Có sợ không? Trả lời: Lúc đầu thì có, nhưng sau thì thích, nhảy xong lại muốn trèo lên nhảy tiếp.

Vượt qua nỗi sợ ở tuổi 45 bằng cú đẩy lưng

Đến 1 thác khá cao, kể cả chỗ thấp - tức bậc nhẩy ở độ cao thấp hơn bậc nhảy chính - cũng cao gần 2m, cậu hướng dẫn viên người địa phương hỏi: Có nhảy được không, vì chỗ này không có đường để đi?

Chỉ có 1 lựa chọn là nhảy. Tôi lắc đầu. Cậu hướng dẫn viên động viên: Nhảy đi, tôi với chị cùng nhảy. Vừa dứt lời, không để tôi nói thêm câu nào, cậu hướng dẫn viên móc tay vào quai phía trên vai áo phao của tôi, 1 tay đẩy nhẹ lưng tôi cùng nhảy xuống. Trong tích tắc tôi thấy mình đã chìm nghỉm dưới nước.

Khua tay, khua chân để ngoi lên thì mũi cay xè. Cậu hướng dẫn viên vừa cười vừa hỏi: Chị thấy thế nào? Tôi hét ầm lên: Nước vào mũi rồi. Cậu bảo: Giờ chị thư giãn, bơi ngửa để suối đẩy đi. Chị nhảy được rồi mà…

Sau thác nhảy bằng cái đẩy lưng và cẩu áo phao đó, tôi đã tự nhảy ở thác tiếp theo. Oái oăm, thác này bắt buộc phải quay lưng ra suối để nhảy. Tôi bảo: Để chị quay mặt ra phía trước rồi nhảy được không? Hướng dẫn viên dứt khoát không cho.

Thôi thì liều mình vậy. Mọi người nhảy đều tiếp nước bằng chân. Còn tôi, kệ đi, cho tiếp nước bằng lưng. Sau này tôi mới biết, có không ít người còn tiếp nước bằng mông khiến 2 dây đai áo phao ở háng xiết chặt, đau lộng óc.

Cứ thế, chúng tôi, người nhảy thác, người đi bộ (rất ít) đều gặp nhau dưới mỗi chân thác để di chuyển đến thác tiếp theo. Những đoạn suối rộng không nói làm gì, nhưng có những đoạn nhảy xuống chân thác rồi phải bơi qua 2 vách núi cách nhau chưa đầy 1m.

Có đoạn suối cạn, đá to, nhỏ xen lẫn, hướng dẫn viên phải đứng dưới, dùng đùi làm bàn đỡ để chúng tôi bước xuống. Có những người nhảy không cần sự hò hét, động viên nào, nhưng đến thác ở khe núi hẹp thì đầu hàng. Hỏi ra mới biết, nếu lúc đó đứng ở trên thác, nhảy xuống luôn thì không sao, nhưng vì chạy xa lấy đà, đến bên mép thác, nhìn xuống khe hẹp bị khựng lại nên không dám nhảy.

Nhảy từ trên xuống, nhảy quay lưng bỗng trở nên bình thường khi phải trượt theo đường máng từ trên núi xuống để rơi xuống đoạn suối khá sâu. Sau đó, lại leo lên vách núi, bám vào dây, đu ra giữa dòng suối, thả tay, rơi xuống. Lần này, rút kinh nghiệm, tôi bịt mũi, để người tự trôi từ trên đầu máng xuống.

Cái cảm giác lưng mát lạnh như được dòng nước vuốt ve, mắt nhìn cả bầu trời trong xanh, đến giờ tôi không thể quên. Chỉ tiếc, tôi đã leo lên được vách núi, đặt tay vào chiếc dây đu nhưng không đủ dũng cảm để đẩy mình lao theo chiếc dây. Tất nhiên, tôi lại bám vách núi, tụt xuống suối, bơi sang bờ bên kia.

Nhảy thác cho ta nhiều cảm giác, hồi hộp, sợ hãi, liều lĩnh, thăng hoa. Kể ra, là phụ nữ, lại trải nghiệm những hành động mạo hiểm ở tuổi 45 là quá muộn. Nhưng muộn và không trọn vẹn còn hơn không. Giờ, mỗi lần có việc gì khó phải vượt qua, tôi lại nhớ đến lúc mình dũng cảm quay lưng ra suối, hất chân để cả cơ thể rơi xuống dòng suối. Phải vượt qua nỗi sợ hãi, dù không phải dễ.

LINH NGUYÊN

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/du-lich/nhay-thac-615938.ldo