Nhạy bén như thầy cô, trích dẫn cả lời Sơn Tùng vào đề Ngữ văn để bàn về 'thương em'

Đề thi được cho là của 1 trường THPT trên địa bàn Hà Nội đã kịp thời bắt 'trend' 2 từ đang nhắc nhiều nhất trên MXH là 'thương em'.

Câu chuyện về tình yêu của Sơn Tùng M-TP và Thiều Bảo Trâm giữa đường đứt gánh sau 8 năm yêu vì có sự xen vào của "người thứ 3" Hải Tú đang khiến dư luận bàn tán rôm rả mấy ngày qua.

Không những thế, vào tối 23/1, Sơn Tùng đã có màn trình diễn live đầu tiên ca khúc Chúng ta của hiện tại. Trên sân khấu, nam ca sĩ đã có màn intro gây bùng nổ tranh cãi.

Cụ thể, Sơn Tùng đã nói: "Chúng ta của hiện tại, em dành cả thanh xuân cho anh. Anh dành cả thanh xuân cho em. Chúng ta dành cả thanh xuân cho nhau mà không hề nghĩ suy. Gặp nhau là duyên phận, xa nhau cũng là duyên phận. Chẳng ai biết tương lai sau này. Dù sau này có nhau hay không thể bên nhau cũng đừng quên rằng chúng ta đã dành tất cả điều tuyệt vời nhất cho nhau. Thương em".

Sau đó câu được bàn luận nhiều nhất trên MXH chính là 2 chữ "thương em". Người ta bảo: "Thương em nhưng là thương em nào thì sếp không nói rõ"; "Bảo là "thương em" nhưng lại bỏ theo dõi em và theo dõi cô "trà xanh". Thế này mà là thương sao?"...

Bài tập về nhà môn Ngữ Văn đưa lời phát biểu của Sơn Tùng M-TP vào đề thi đang gây sốt.

Mới đây, trong bài tập về nhà môn Ngữ Văn trường THPT Hòa Bình - Latrobe (Hà Nội) đã kịp thời bắt "trend" khi đưa câu nói gây tranh cãi của Sơn Tùng. Điều này khiến nhiều người đọc đề vừa thấy hài hước, vừa thấy lý thú và phục thấy các thầy cô nhà mình giờ cũng nhạy bén với thời cuộc.

Điều đáng nói là cách ra đề bám chắc dòng tự sự của Sơn Tùng để đưa ra những câu hỏi phù hợp, có tính gợi mở để khiến học sinh hào hứng và có cơ hội thể hiện tư duy sáng tạo của mình.

Qua câu hỏi: "Anh chị có đồng tình với quan điểm "Gặp nhau là duyên phận, xa nhau cũng là duyên phận không? Vì sao?", cho thấy người ra đề đã cho học trò của mình có cơ hội thể hiện quan điểm "người lớn", phần nào cũng nắm được tư duy của các bạn trẻ bây giờ.

Điều này là khá tích cực và phù hợp với các cô cậu học trò ở lứa tuổi với những rung động và tư duy có phần "chín sớm".

MXH hiện đang phân tích, mổ xẻ xung quanh 1 mối quan hệ tay ba.

MXH hiện đang phân tích, mổ xẻ xung quanh 1 mối quan hệ tay ba.

Đề văn cũng chỉ dừng lại ở giới hạn của nó, không bàn sâu xa hơn về vấn đề "trà xanh", "người thứ 3" - phạm trù dường như lớn hơn suy nghĩ của độ tuổi này.

Điều đáng nói là tư duy giáo dục cần liên tục có sự đổi mới ngay từ trong những đề thi như thế. Một đề Văn đưa ra được 1 vấn đề nóng với câu hỏi phù hợp sẽ khiến học trò hào hứng hơn để thể hiện quan điểm của mình.

Hiện nay đề văn này đang có lượng chia sẻ, yêu thích khá lớn. Dù rất nhiều người cảm thấy hào hứng dù đã ở tuổi ngồi công sở. Tuy nhiên, cũng có 1 số ít cũng bày tỏ quan điểm việc đưa 1 vấn đề nóng sốt từ MXH vào đề thi có phần làm giảm đi sự nghiêm túc cần có.

ĐX

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/giao-duc/nhay-ben-nhu-thay-co-trich-dan-ca-loi-son-tung-vao-de-ngu-van-de-ban-ve-thuong-em-20210130094952693.htm