Nhau tiền đạo, nguy mẹ hại con…

Nhau tiền đạo (NTĐ) là một hiện bất thường nguy hiểm trong quá trình mang thai, có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, sự an toàn của mẹ và bé. Các sản phụ cần nhận biết và đảm bảo an toàn trong quá trình mang thai.

Mối liên kết của sự sống

Để được nuôi dưỡng và thành hình, thai nhi cần được nuôi dưỡng bởi cơ thể mẹ qua hệ thống nhau thai. Cùng với thai nhi, nhau thai cũng có sự phát triển tương xứng. Ở giai đoạn cuối của quá trình mang thai, nhau thai có hình tròn, đường kính khoảng 15cm, nặng 1/6 trọng lượng thai nhi (khoảng 400-500 gram), dày 2,5-3cm, mỏng hơn ở ngoại vi. Mỗi bánh nhau gồm 15-20 múi, giữa các múi nhau là các rãnh nhỏ.

Bánh nhau có nhiệm vụ vận chuyển dưỡng chất từ mẹ qua thai và các chất thải từ thai về mẹ. Nhau thai truyền dẫn chất dinh dưỡng đến thai nhi nhanh và hiệu quả, giúp nuôi dưỡng em bé phát triển hoàn thiện đến khi kết thúc thai kỳ. Nhau thai còn đảm nhận nhiều vai trò quan trọng đối với sự phát triển của thai nhi cũng như có những tác động lên cơ thể người mẹ:

- Nhau thai có vai trò như lá phổi của con người, truyền oxy cho thai nhi. Bảo vệ thai nhi khỏi nguy cơ hít phải nước ối. Thai không thể hô hấp trực tiếp với oxy bên ngoài.

- Nhau thai có chức năng hoạt động giống như thận. Có thể lọc độc tố, đào thải các chất độc hại ảnh hưởng đến sức khỏe thai nhi.

- Nhau thai “chuyên chở” chất thải sinh học do thai nhi thải ra đến hệ thống tuần hoàn của người mẹ, và đưa ra ngoài theo hoạt động bài tiết của cơ thể mẹ

- Nhau thai bảo vệ em bé khỏi nguy cơ bị nhiễm trùng, hoạt động như một bộ lọc máu.

- Với cơ thể mẹ, nhau thai giúp sản sinh một số hormone cần thiết cho cơ thể. Chẳng hạn như lactogen, estrogen và progesterone, có vai trò quan trọng trong thai kỳ.

Nhau là mối liên kết trực tiếp giữa mẹ và bé, những bất thường liên quan đến nhau thai ảnh hưởng trực tiếp đến cả mẹ và bé. Các yếu tố này tiềm ẩn những nguy hại đến tính mạng, nếu không được kiểm soát và sớm cảnh báo.

Nhau tiền đạo, mối nguy hiểm thường trực

Khi thụ thai, trứng có thể “làm tổ” ở bất kỳ vị trí nào trên thành tử cung. Do đó, vị trí bám của nhau thai có thể ở nhiều vị trí khác nhau. Ở tuần thứ 11 - 12 của thai kỳ, các bác sĩ có thể thấy được hình ảnh bánh nhau thông qua siêu âm thông thường. Có 4 vị trí nhau thai bám vào và phát triển được coi là bình thường. Biểu hiện không có những ảnh hưởng xấu đến sức khỏe mẹ và bé là: nhau bám mặt trước, nhau bám mặt sau, nhau bám phía trên, nhau bám bên trái hoặc bên phải tử cung. Trường hợp nhau bám ở gần lỗ trong ống tử cung được gọi là NTĐ, dễ gây chảy máu nghiêm trọng trong nửa sau thai kỳ và trong khi sinh đẻ.

Dấu hiệu thường thấy ở NTĐ là chảy máu âm đạo vào 3 tháng cuối của thai kỳ. Máu chảy tự nhiên, bất ngờ, không thấy đau bụng, máu đỏ tươi, kèm máu cục. Lượng máu có thể chảy nhiều, sau đó chảy ít dần và tự cầm máu.

Dựa vào vị trí và mức độ che phủ của bánh nhau với tử cung, NTĐ thường được chia thành 4 tuýp chính, đó là:

- Nhau bám thấp: Bánh nhau bám lan xuống đoạn dưới của tử cung, nhưng chưa tới lỗ trong cổ tử cung. Mép ngoài cùng của bánh nhau cách lỗ tử cung khoảng 2-3mm.

- Nhau bám mép: Bờ của bánh nhau bám sát mép lỗ cổ tử cung.

- NTĐ bán trung tâm: Một phần bánh nhau che lấp một phần lổ trong tử cung.

- NTĐ trung tâm: Là bánh nhau che lấp toàn bộ lỗ trong cổ tử cung.

Nguyên nhân: NTĐ là một bệnh lý nguy hiểm, nguyên nhân chính xác vẫn chưa được xác định. Một số yếu tố làm gia tăng tỷ lệ nguy cơ xuất hiện tình trạng NTĐ ở thai phụ có thể kể đến như:

- Mẹ lớn tuổi: Thai phụ trên 35 tuổi có tỷ lệ mắc NTĐ là 1,1%, cao gấp đôi so với 0,5% ở phụ nữ dưới 35 tuổi.

- Tử cung có hình dạng bất thường

- Sẹo mổ tử cung do mổ lấy thai, nạo phá thai làm tăng nguy cơ nhau bám vị trí bất thường ở phần dưới tử cung.

- Tiền sử mắc NTĐ ở những lần mang thai trước.

- Người có tiền sử nạo phá thai.

Về măt di truyền: Các thống kê cho thấy, NTĐ thường không mang tính di truyền (trừ các trường hợp di truyền gây ra vấn đề về cấu trúc của tử cung), có thể xuất hiện một cách ngẫu nhiên, không thể tiên lượng. Do đó, việc thăm khám, theo dõi thai kỳ là vô cùng cần thiết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe của mẹ và bé trước nguy cơ NTĐ cũng như các vấn đề bất thường khác trong thai kỳ.

Mức độ nguy hiểm: NTĐ là một bệnh lý nguy hiểm có thể ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng sức khỏe của mẹ và bé. Việc chảy máu trong bệnh lý NTĐ có sự ảnh hưởng ở nhiều mức độ khác nhau.

Một số trường hợp nhẹ, việc chảy máu gây ra thiếu máu, thiếu sắt… ở mẹ ảnh hưởng đến dinh dưỡng đến sự phát triển ở thai nhi. Trường hợp nặng, nếu phát hiện, cứu chữa không kịp thời, có thể gây tử vong ở thai phụ do mất máu cấp, thiếu máu; có thể dẫn đến việc cắt tử cung để cầm máu, ảnh hưởng đến khả năng sinh sản, cuộc sống sinh lý.

Với thai nhi, một số trường hợp được chỉ định phẫu thuật lấy thai sớm, làm trẻ sinh non tháng, là nguyên nhân ở các bệnh lý do thiếu máu, non tháng ở trẻ sơ sinh, có thể gây tử vong ở trẻ.

Phòng ngừa và điều trị: Dù khoa học chẩn đoán và y học về sinh sản đã có nhiều bước tiến mạnh mẽ trong thời gian gần đây, sự hỗ trợ của kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh (siêu âm, MRI..) đã giúp các bác sĩ có thể tiên lượng, chẩn đoán NTĐ từ những giai đoạn đầu của thai kỳ. Tuy nhiên, hiện nay vẫn không có biện pháp nào để phòng ngừa NTĐ ở thai phụ, cũng như không có biện pháp điều trị nào được xem là tối ưu .

NTĐ là một bệnh lý luôn kề cập, đe dọa sự an toàn của bất cứ phụ nữ mang thai nào. Nhằm đảm bảo thai kỳ khỏe mạnh, an toàn, các sản phụ nên thăm khám định kỳ ở những cơ sở uy tín. Theo dõi, chẩn đoán và có kế hoạch chu toàn để có thể cùng bác sĩ chủ động xử lý các biến cố bất lợi có thể xảy ra trong quá trình mang thai.

THS.BS NGUYỄN THỊ HỒNG THẮM

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/nhau-tien-dao-nguy-me-hai-con-n179868.html