Nhất vị nhị hướng

Phần lớn những quan tâm về phong thủy thường liên quan đến chuyện đặt bếp hướng nào, ngồi nhìn hướng nào, đi về hướng nào…

Tùy theo cấu trúc nhà mà vị và hướng cửa sẽ dẫn đến cách thức giao tiếp khác nhau

Nhưng khi vào cụ thể thì vẫn có các thắc mắc kiểu như “bếp đặt hướng đông, xoay về tây” là sao hoặc "đầu năm xuất hành hướng đông nam” là thế nào?... Các vấn đề này liên quan đến khái niệm định vị và định hướng khi làm nhà hay nói ngắn gọn hơn là vị và hướng thực sự cần được phân biệt.

Điểm giống nhau là cả 2 khái niệm trên đều ra kết quả về hướng gọi theo trong tự nhiên, như hướng đông, hướng tây nam… hoặc cũng có thể gọi tên theo hướng thuộc quẻ bát quái như càn, khảm… Nhưng điểm dễ gây nhầm lẫn là chủ thể xem xét và quan hệ chung quanh, ví dụ như nói "đặt bếp hướng bắc" và "bếp xoay về hướng bắc" là hoàn toàn khác nhau.

Khác nhau cơ bản như sau: Vị nói về nơi tọa lạc, vị trí đứng hay bố trí không gian nào đó so với gốc xem xét còn hướng chỉ đơn thuần là… hướng. Khi nói đến vị thì hay nghe kèm theo về hướng nào đó để chỉ hướng so với tâm gốc, theo kiểu nói của Tây phương: hướng 10 giờ, hướng 6 giờ… là hướng tính từ tâm đồng hồ. Do đó khi nói quận 4 nằm về phía nam so với quận 1, nằm về phía bắc so với quận 7 là đã thay đổi điểm xem xét để xác định vị trí của quận 4 so với quận ta xét. Còn một cách nói khác là "quận 4 có vị trí phía bắc giáp quận 1, phía nam giáp quận 7" tức là lấy quận 4 là gốc để xét phương hướng tiếp giáp chung quanh.

Khi nhà có nhiều cửa đi thì phải phân biệt, xác định rõ vị và hướng của cửa chính mang tính giao tiếp, cửa phụ phục vụ sinh hoạt nội bộ - Ảnh: Song Nguyên

Trong phong thủy, khi xét đến cửa cũng cần phân biệt vị và hướng của cửa. Vị của cửa là chỗ bố trí cửa so với tâm nhà hoặc so với toàn bộ bề mặt nhà. Ví dụ, nói cửa nằm về bên trái, nằm về góc đông bắc tức là xét từ tâm nhà, nhìn từ trong ra. Còn khi chọn được vị trí cửa ở đâu rồi thì tìm hướng cửa bằng cách đặt la bàn ngay tại tâm cửa, xem hướng vuông góc với mặt phẳng cửa từ trong nhà nhìn ra là hướng nào thì đấy là hướng cửa.

Phong thủy có câu “nhất vị nhị hướng” chính là nêu thứ tự ưu tiên xem xét trong không gian. Trước hết phải định vị rồi sau đó mới định hướng, nói nôm na là "ổn định vị trí rồi muốn xoay đâu thì xoay".

Từ đó có thể hiểu một số vấn đề gia chủ hay thắc mắc về vị và hướng như sau:

1.Nói “Đầu năm xuất hành hướng đông nam” tức là lấy ngôi nhà của người xuất hành làm tâm để xét, ra khỏi nhà thì đi về hướng đông nam của nhà (chứ không phải đông nam của thành phố). Nếu nhà không mở cửa ra đông nam thì cứ ra khỏi nhà trước, sau đó tìm đường quẹo sang thế nào để cuối cùng điểm đến nằm về hướng đông nam tính từ điểm xuất phát.

2. Còn nghe câu “Đặt bếp hướng đông, xoay về hướng tây”, thì phải xét từ tâm nhà, đặt la bàn vào đó sẽ tìm ra đâu là hướng đông của nhà, rồi mang bếp vào khu vực (vị trí) hướng đông đó, sau đó tìm cách xoay mặt trước của bếp về hướng tây (chú ý: xét hướng của cái bếp, chứ không phải của người đứng nấu).

3. Bàn làm việc đặt về cung Khảm (bắc) thì khi ngồi làm việc nhìn về hướng bắc hay ngồi dựa lưng về hướng bắc. Câu trả lời là cần đặt vùng có bàn làm việc (tức là chọn vị trí phòng làm việc) ở hướng bắc (so với tâm) của ngôi nhà. Còn khi ngồi làm việc xoay về hướng nào thì còn phải xét đến các yếu tố liên quan khác, như cách bố trí của căn phòng, cửa sổ mở đâu, cửa đi vào chỗ nào, chủ nhân hợp với hướng nào… để xoay xở cụ thể trong nội thất.

Hiểu đúng về vị và hướng là khởi đầu cho việc định vị và phân khu tổng thể trong thiết kế công trình hài hòa tự nhiên và con người. Phong thủy quy định cửa đi xác lập hướng giao tiếp chủ yếu của ngôi nhà, còn cửa sổ mở ra các hướng cảnh quan và khí hậu. Cửa đi chính sẽ tiếp nạp các điều tốt lẫn xấu nên quy ước hướng nhà chính là hướng của bộ cửa đi chính (đại môn).

KTS Hoài An

Nguồn Thanh Niên: https://thanhnien.vn/doi-song/nhat-vi-nhi-huong-974544.html