Nhật vẫn mua F-35: Hệ lụy F-35 rơi không hề khủng khiếp!

Việc Nhật Bản không có ý định hủy thương vụ 105 máy bay F-35 đã cho thấy hệ lụy từ sự cố F-35A rơi không hề khủng khiếp...

Nhật không hủy thương vụ 105 máy bay F-35 sau sự cố một chiếc F-35A bị rơi xuống biển

Ngày 12/4, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Takeshi Iwaya tuyên bố: "Chúng tôi chưa thể xác định được nguyên nhân vụ tai nạn, nên việc thay đổi hay hủy kế hoạch mua tiêm kích F-35 không được tính đến", The Japan Times tường thuật.

Theo ông Iwaya, Nhật có khả năng thu hồi toàn bộ xác máy bay từ độ sâu 1.500 m dưới đáy biển, nhưng các nhà chức trách hiện vẫn chưa tìm thấy dấu tích của chiếc máy bay gặp nạn.

Trước đó, Tokyo đã triển khai tàu cứu hộ tàu ngầm JS Chiyoda trang bị hệ thống định vị thủy âm, cùng hai tàu thăm dò biển sâu để vẽ địa hình đáy biển và xác định vị trí chiếc F-35.

Chiếc F-35A mang số hiệu cuối 79-8705 trong lần bay thử nghiệm năm 2017

Chiếc F-35A mang số hiệu cuối 79-8705 trong lần bay thử nghiệm năm 2017

"Các lực lượng phòng vệ Nhật Bản đang trực chiến ngày đêm để giám sát tình hình tại khu vực máy bay gặp nạn. Chúng tôi chưa thấy khí tài nước ngoài xuất hiện ở vùng biển này", Bộ trưởng Iwaya nói thêm.

Tối ngày 9/4, một chiếc F-35A lao xuống biển khi đang huấn luyện bay đêm ở Thái Bình Dương. Lực lượng phòng vệ trên không Nhật Bản (JASDF) đã vớt được một số mảnh vỡ và phát hiện vết dầu loang, nhưng chưa thấy xác máy bay hay phi công.

JASDF cũng cho biết, tiêm kích F-35A gặp nạn mang số hiệu cuối 79-8705 thuộc biên chế Phi đoàn tiêm kích chiến thuật số 302, cũng là chiếc F-35A đầu tiên được Nhật tự lắp ráp và xuất xưởng ngày 6/6/2017.

Xin nhắc lại, tháng 12/2011, Nhật Bản đặt mua của Mỹ 42 tiêm kích F-35A để thay thế cho các phi đội F-4EJ đã lạc hậu trong biên chế của Lực lượng phòng vệ trên không Nhật Bản.

Tuy nhiên, Tokyo không mua bản quyền để tự chế tạo F-35 mà giao cho Tập đoàn công nghiệp nặng Mitsubishi lắp rắp với sự hỗ trợ kỹ thuật của Tập đoàn chế tạo máy bay Lockheed Martin, dưới sự giám sát của chính phủ Mỹ.

Theo thỏa thuận, 4 chiếc F-35 đầu tiên trong hợp đồng được Lockheed Martin chế tạo ở Mỹ và bàn giao cho JASDF, 38 chiếc F-35 còn lại được lắp ráp tại nhà máy của Mitsubishi ở Nagoya.

Đến tháng 2/2019, Chính phủ Nhật Bản tiếp tục thông qua kế hoạch mua thêm 105 máy bay tiêm kích F-35, bao gồm 65 chiếc F-35A và 40 chiếc F-35B để vận hành trên hai tàu sân bay trực thăng lớp Izumo.

Như vậy, trong tương lai, với việc sỡ hữu 147 máy bay tiêm kích F-35 - cả F-35 A và F-35 B, Nhật Bản sẽ trở thành nước sở hữu số lượng chiến đấu cơ này nhiều thứ hai trên thế giới.

Tàu chiến Nhật tham gia tìm kiếm xác máy bay F-35A và phi công bị nạn

Những tưởng, sau sự cố F-35 A rơi xuống biển, Tokyo sẽ xem xét lại thương vụ 105 chiếc F-35, tuy nhiên, với khẳng định của người đứng đầu Bộ Quốc phòng Nhật Bản thì thương vụ vẫn được tiếp tục.

Hệ lụy từ việc chiếc F-35A rơi xuống biển không hề khủng khiếp

Sau khi chiếc F-35A rơi, và nhất là khi xác máy bay và phi công gặp nạn vẫn chưa được tìn thấy, đã có nhận định rằng sự kiện này sẽ gây ra hệ lụy khủng khiếp cho ngành công nghiệp quốc phòng của Mỹ và tính năng, hiệu quả của vũ khí Mỹ.

Thậm chí vụ F-35A gặp nạn còn được so sánh với thảm họa của Boeing 737 MAX. Tuy nhiên, việc Nhật Bản không có ý định hủy thương vụ 105 máy bay F-35 đã cho thấy hệ lụy từ sự cố F-35 rơi không hề khủng khiếp.

Thực ra, theo giới phân tích, nhận định hệ lụy khủng khiếp cho công nghiệp quốc phòng và vũ khí Mỹ từ sự cố F-35 rơi chỉ là bi thảm hóa sự kiện mà thôi. Xét cả trên góc độ kỹ thuật và thương mại.

Về kỹ thuật

Tính chất kỹ thuật : Có thể thấy rằng tất cả các bộ phận cấu thành máy bay tiêm kích F-35 đều là sản phẩm của cơ khí chính xác, nhưng sản xuất máy bay F-35 nói riêng, công nghiệp kỹ thuật quân sự nói chung, không phải là ngành cơ khí chính xác.

Điều đó có nghĩa là luôn tồn tại những sai số về mặt kỹ thuật và chỉ khi nào những sự cố xảy ra vượt hệ số sai số cho phép hay có thể chấp nhận, thì khi đó mới được coi là thảm họa và gây ra hệ lụy. Còn nằm trong hệ số cho phép thì chỉ là sự cố kỹ thuật.

Khi có sự cố kỹ thuật thì việc khắc phục là vấn đề đầu tiên và cũng hoàn toàn bình thường, chứ không có gì gọi là thảm họa. Điều này đã xảy ra rất nhiều và cũng không thể tránh khỏi với mọi ngành kỹ thuật ngoại vi của cơ khí chính xác.

Nếu một chiếc máy bay tiêm kích F-35A rơi xuống biển đã là thảm họa với Mỹ, vậy thì việc hệ thống phòng thủ S-400 mà Nga chuyển giao cho Trung Quốc bị bão làm cho hư hỏng sẽ là thảm họa khủng khiếp với Nga.

S-400 bị bão đánh hư không gây ra thảm họa với Nga thì F-35A rơi chưa phải là thảm họa với Mỹ

Bởi chẳng lẽ hệ thống phòng thủ tiên tiến như vậy mà phải để trong phòng kín tránh bão? Tuy nhiên, mọi việc rất đơn giản vì đó là sự cố kỹ thuật và Nga phải khắc phục. Vì thế S-400 vẫn được khách hàng ưa chuộng sau sự cố "bão tố".

Chuyển giao công nghệ : Nhật Bản không mua bản quyền để tự chế tạo F-35 mà giao cho Tập đoàn công nghiệp nặng Mitsubishi lắp rắp với sự hỗ trợ kỹ thuật của Tập đoàn chế tạo máy bay Lockheed Martin.

Và Lực lượng phòng vệ trên không Nhật Bản cho biết, tiêm kích F-35A gặp nạn mang số hiệu cuối 79-8705 thuộc biên chế Phi đoàn tiêm kích chiến thuật số 302, cũng là chiếc F-35A đầu tiên được Nhật tự lắp ráp và xuất xưởng ngày 6/6/2017.

Như vậy, sự cố hoàn toàn có thể liên quan đến chuyển giao công nghệ. Bởi dù có nắm chắc kỹ thuật đến đâu thì cũng hoàn toàn có thể tồn tại những khoảng trống kỹ thuật giữa người sáng chế và người vận dụng kết quả sáng chế.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/nhat-van-mua-f-35-he-luy-f-35-roi-khong-he-khung-khiep-3378234/