Nhất trí 'chia lại' Quỹ công đoàn

Sáng 7-6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về việc Việt Nam gia nhập Công ước 98 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể.

Đề xuất lập quỹ của người lao động

Hầu hết đại biểu đều thống nhất cao với việc gia nhập công ước này. ĐB Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa), Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho rằng việc gia nhập sớm Công ước 98 là để thực thi thực chất các cam kết về lao động trong Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và tạo điều kiện thuận lợi cho việc ký kết Hiệp định thương mại tự do Việt Nam và EU (EVFTA).

Điểm nổi bật khi gia nhập công ước này là Việt Nam phải tuân thủ những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể, chấp thuận có nhiều tổ chức xã hội tham gia, chứ không còn riêng tổ chức công đoàn khi bảo vệ quyền và lợi ích của người lao động.

Vận hành máy CNC chế tạo sản phẩm công nghiệp chủ lực của TPHCM tại Công ty TNHH CNS Amura Precision. Ảnh: CAO THĂNG

Vận hành máy CNC chế tạo sản phẩm công nghiệp chủ lực của TPHCM tại Công ty TNHH CNS Amura Precision. Ảnh: CAO THĂNG

Tuy nhiên, ĐB Vũ Tiến Lộc (Thái Bình), Chủ tịch Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI), đề nghị sắp tới do không còn duy nhất tổ chức công đoàn mà sẽ có nhiều tổ chức xã hội khác cùng tham gia bảo vệ cho người lao động, vì vậy phải “chia lại” mức 2% tiền đóng của các doanh nghiệp vào Quỹ công đoàn theo quy định hiện hành cho các tổ chức khác nữa.

Cùng với đó, thay vì tên gọi là Quỹ công đoàn, đề xuất thành lập quỹ của người lao động, hay là quỹ xây dựng quan hệ lao động hài hòa ở Việt Nam. Và để quản lý quỹ này, cần có vai trò của 3 bên, gồm: Nhà nước, công đoàn và tổ chức của giới chủ sử dụng lao động (hiện nay là VCCI).

ĐB Bùi Văn Cường (Gia Lai), Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, khẳng định Công đoàn Việt Nam khác với các tổ chức chính trị - xã hội khác là không sử dụng ngân sách nhà nước mà tự thu kinh phí để trang trải cho hoạt động của mình, cũng như để chăm lo cho người lao động.

Việc đóng 2% làm kinh phí cho công đoàn là một chính sách của Đảng và Nhà nước để tổ chức công đoàn thực hiện nhiệm vụ đại diện, chăm lo bảo vệ quyền lợi cho người lao động. Tuy nhiên, ĐB Bùi Văn Cường hoàn toàn nhất trí với đề xuất xem xét lại 2% này, theo hướng thiết kế lại việc sử dụng khoản kinh phí công đoàn cho các tổ chức đại diện khác.

Quản lý thế nào khi có nhiều tổ chức đại diện ?

Cũng liên quan tới cam kết cho phép nhiều tổ chức xã hội cùng tham gia bảo vệ người lao động, ĐB Vũ Trọng Kim (Hải Dương) đặt câu hỏi: Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã sẵn sàng, chủ động để tham gia vào quá trình hợp tác với các tổ chức xã hội đại diện cho người lao động sắp tới chưa, trong đó có sẵn sàng mời các tổ chức này tham gia làm thành viên của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam hay không? ĐB Vũ Trọng Kim cũng đặt câu hỏi cho Bộ trưởng Bộ LĐTB-XH Đào Ngọc Dung, nói rõ về những cơ sở pháp lý cho thành lập các tổ chức xã hội ở Việt Nam khi tham gia Công ước 98.

Đại biểu Quốc hội Vũ Trọng Kim (Hải Dương) phát biêủẢnh: TTXVN

Đáp lại câu hỏi, ĐB Bùi Văn Cường cho biết hoàn toàn nhất trí với việc các tổ chức đại diện của người lao động khác nhau, sau quá trình thành lập thấy rằng có thể gia nhập tổ chức Công đoàn Việt Nam thì công đoàn “hoàn toàn sẵn sàng”.

Còn Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thì khẳng định, cơ sở là căn cứ vào Hiến pháp quy định công dân có quyền tham gia lập hội và tham gia các tổ chức. Quốc hội đã phê chuẩn Hiệp định CPTPP với cam kết các bên tham gia sẽ phải đảm bảo thực hiện các quyền cơ bản của người lao động, trong đó có quyền tự do liên kết và thương lượng tập thể theo Tuyên bố 1998 của ILO.

Vẫn theo người đứng đầu Bộ LĐTB-XH, bộ đã thiết kế một kế hoạch hoạt động ngay sau khi Quốc hội phê chuẩn việc tham gia công ước này. Về việc đề xuất sửa Luật Công đoàn và xem xét lại mức kinh phí công đoàn (2%), Bộ trưởng Bộ LĐTB-XH cho rằng, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội hoạt động trên cơ sở quy định của Hiến pháp và Luật Công đoàn cũng như hệ thống pháp luật Việt Nam.

Còn các tổ chức đại diện của người lao động chỉ là tổ chức xã hội, hoạt động đơn thuần về quan hệ lao động. Tuy nhiên, ông Đào Ngọc Dung thống nhất với chia sẻ của Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về việc sửa Luật Công đoàn để đảm bảo sự đồng bộ với hệ thống pháp luật.

Đề nghị bắt buộc doanh nghiệp phải ký thỏa ước với công đoàn cấp trên
Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Bùi Văn Cường cho biết, hiện nay, Luật Công đoàn đang quy định cho doanh nghiệp chỉ ký thỏa ước lao động với công đoàn ở cấp doanh nghiệp, nên đang có những bất cập. Vì chủ tịch công đoàn hưởng lương tại doanh nghiệp, nếu như đấu tranh mạnh cho quyền của người lao động thì người sử dụng lao động sẽ tìm cách sa thải hoặc gây khó dễ. Vì vậy, luật cần phải thiết kế giống như các quốc gia trên thế giới là công đoàn cấp trên, tức là tổ chức người lao động cấp trên sẽ tham gia vào việc thương lượng ký kết này thì mới có thỏa ước lao động tập thể tốt, nhất là từ năm 2021 chúng ta thực hiện nghị quyết về tiền lương mới thì người sử dụng lao động và đại diện của người lao động sẽ thỏa thuận về vấn đề tiền lương. Nếu vẫn để chủ tịch công đoàn cơ sở, đại diện của người lao động ở cơ sở ký kết thỏa ước lao động tập thể thì sẽ không bao giờ có quyền lợi tốt cho người lao động.

VĂN PHÚC

Nguồn SGĐT: http://saigondautu.com.vn/doanh-nghiep-doanh-nhan/nhat-tri-chia-lai-quy-cong-doan-68961.html