Nhật thoát 'làn đạn' của Covid-19?

Với dân số già nhất thế giới và thủ đô thuộc hàng siêu đô thị đông đúc nhất hành tinh, Nhật Bản tưởng như là mảnh đất màu mỡ cho virus corona chết người lây lan.

Nhật Bản, quốc gia có 126 triệu dân, ghi nhận 16.024 ca nhiễm và 668 ca tử vong do Covid-19, AFP dẫn thông tin từ Bộ Y tế nước này. Đây là số liệu khá thấp so với nhiều quốc gia khác đang “chật vật” chống dịch.

Với số ca nhiễm mới giảm mạnh trong thời gian gần đây, Thủ tướng Shinzo Abe hôm 14/5 đã tuyên bố gỡ bỏ tình trạng khẩn cấp sớm nửa tháng trên hầu hết cả nước, trừ 8 tỉnh trong đó có thủ đô Tokyo và thành phố Osaka.

Song có ý kiến cho rằng cuộc khủng hoảng y tế ở Nhật đang ẩn sau tình trạng thiếu hụt bộ xét nghiệm Covid-19. Tính đến ngày 11/5, Bộ Y tế nước này chỉ thực hiện được 218.204 xét nghiệm, tỉ lệ thấp nhất trong các nước thuộc nhóm G7.

Chuyên gia về virus corona của chính phủ, ông Shigeru Omi, thừa nhận không ai biết chắc rằng số liệu được công bố có chính xác hay không. “Con số thật sự có thể cao hơn gấp 12 lần, gấp 20 lần”, ông Omi cho biết.

Văn hóa chống dịch

Trợ lý giám đốc Viện Đại học Y và Nha khoa Tokyo, ông Ryuji Koike, chia sẻ với AFP rằng số ca nhiễm và ca tử vong thấp không đồng nghĩa với việc chính phủ Nhật đang làm tốt.

“Tôi không nghĩ số ca nhiễm giảm là nhờ vào quyết sách của chính phủ. Tình hình khả quan hiện nay là do thói quen và cách hành xử của người Nhật”.

 Nhật Bản, quốc gia có 126 triệu dân, ghi nhận 16.024 ca nhiễm và 668 ca tử vong do Covid-19. Ảnh: AFP.

Nhật Bản, quốc gia có 126 triệu dân, ghi nhận 16.024 ca nhiễm và 668 ca tử vong do Covid-19. Ảnh: AFP.

Ông Koike cho rằng văn hóa Nhật Bản góp phần làm nên kỳ tích chống dịch. Người Nhật thường có ý thức bảo vệ sức khỏe bằng cách lựa chọn thực phẩm kỹ càng, duy trì lối sống lành mạnh, thường xuyên đeo khẩu trang, cởi giày và hạn chế bắt tay.

Trong khi đó, giáo sư Kazuto Suzuki của ĐH Hokkaido nhận định chính phủ đã có nhiều chiến lược hiệu quả, bao gồm truy dấu các cụm dịch và chỉ xét nghiệm những người có triệu chứng nhiễm virus corona.

“Xét nghiệm không phải là cách của người Nhật”, ông Suzuki chia sẻ. Chỉ 7,5% tổng số người xét nghiệm dương tính với virus corona. Do đó, giáo sư Suzuki cho rằng xét nghiệm là phương án “không hiệu quả”.

Song ông này cũng cảnh báo Nhật cần thêm các bộ xét nghiệm phòng trường hợp một đợt bùng phát dịch mới xảy ra.

Thành công mong manh

Nhật là một trong những quốc gia sớm ghi nhận trường hợp nhiễm Covid-19. Nước này thông báo về ca nhiễm bệnh đầu tiên hồi tháng 1. Sau đó, thủ đô Tokyo tiếp tục đón tàu du lịch Diamond Princess, “ổ dịch” lớn nhất ngoài Trung Quốc ở thời điểm này.

Sau thất bại trong việc xử lý dịch bệnh trên du thuyền Diamond Princess, Thủ tướng Shinzo Abe quyết định đóng cửa toàn bộ các trường học hồi cuối tháng 2.

Ở thời điểm này, số ca nhiễm mới tại Nhật liên tục tăng và đạt kỷ lục hơn 700 ca nhiễm/ngày vào hôm 11/4. Đây cũng là lúc virus corona lây lan nhanh chóng trong khi hệ thống y tế của Nhật phải chịu nhiều áp lực.

Đến ngày 7/4, ông Abe ban bố tình trạng khẩn cấp ở nhiều khu vực trên toàn quốc, đồng thời khuyến cáo người dân ở yên trong nhà. Song động thái này không đi kèm các chế tài xử phạt rõ ràng.

Để giảm thiểu tác động của dịch lên nền kinh tế, Thủ tướng Abe cũng tung ra gói hỗ trợ “khủng” trị giá khoảng 1 nghìn tỷ USD, tương đương với khoảng 930 USD cho mỗi người dân Nhật.

Dù vậy, nhiều quyết sách của ông Abe vấp phải không ít chỉ trích. Trong đó, chương trình phát 2 chiếc khẩu trang vải cho mỗi hộ dân bị cho là kém thiết thực và lãng phí nguồn ngân sách.

Kết quả một cuộc khảo sát của hãng tin Kyodo hôm 10/5 cho thấy 57,5% số người tham gia khảo sát không tán thành với các biện pháp chống dịch của chính phủ Nhật trong khi chỉ 34,1% ý kiến đồng tình.

Hơn 50% người Nhật tham gia khảo sát "không đồng tình" với cách chống dịch của chính phủ. Ảnh: AFP.

Kết quả này phản ánh sự thất vọng của dân chúng trong bối cảnh các biện pháp hạn chế kém hiệu quả đang khiến nền kinh tế Nhật bị đình trệ.

Chuyên gia chính trị Tobia Harris đến từ công ty tư vấn Teneo nhận xét hiệu suất làm việc của ông Abe “không đồng đều” trong quá trình chống dịch: “Ông Abe đã đi tắt đón đầu khi dịch bệnh khởi phát. Song nội các của ông ấy làm việc kém hiệu quả trong những giai đoạn tiếp theo”.

Cũng theo ông Harris, Nhật Bản kịp thời ngăn chặn virus corona lây lan là do quyết định đóng cửa trường học. Bên cạnh đó, dân số khỏe mạnh và có ý thức bảo vệ sức khỏe cũng là yếu tố làm nên thành công mong manh của Nhật.

Giới chức nước này cho biết chính phủ đang cân nhắc khả năng gỡ bỏ tình trạng khẩn cấp ở một số khu vực, ngoại trừ thủ đô Tokyo và 7 tỉnh thành lớn nằm trong danh sách cảnh báo đặc biệt như Hokkaido, Kanagawa, Saitama, Osaka, Hyogo,...

Bí mật của ngôi làng Nhật Bản sống thọ nhất thế giới Hòn đảo Tokunoshima tại Nhật là nơi có tỷ lệ người trên 100 tuổi cao nhất thế giới. Những người dân tại đây tin rằng loại rượu shochu tự chưng cất đã giúp họ sống thọ hơn.

Uyên Uyên

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nhat-thoat-lan-dan-cua-covid-19-post1084682.html