'Nhất thể hóa' một số chức danh: Quan trọng là chọn được người tài đức

Người giữ vai trò vừa là bí thư, vừa là chủ tịch HĐND, UBND đòi hỏi vừa có năng lực vừa có đạo đức thì mới vận hành bộ máy thông suốt, hiệu quả.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh cho rằng, chủ trương nhất thể hóa bí thư kiêm chủ tịch HĐND, UBND cấp huyện, xã có đủ điều kiện đã được thông qua tại Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25.10.2017, Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” và cũng được làm thí điểm ở các huyện, xã.

“Tôi cho rằng rất phù hợp, cần phải tiến hành nhân rộng ở nhiều nơi trong cả nước” – nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ nhấn mạnh.

Cần chọn đúng người

Thưa ông, việc nhất thể hóa một số chức danh đang được thí điểm ở một địa phương. Theo đánh giá của ông, việc nhất thể hóa có những mặt tích cực như thế nào?

Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh

- Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh: Việc này sẽ giúp tinh giản đội ngũ cán bộ, đỡ cồng kềnh, đặc biệt tính hiệu quả, hiệu lực được nâng cao. Đây là những cái cần nhấn mạnh. Trước kia, khi Đảng đã có chủ trương chính quyền thể chế hóa thì phải trải qua thêm một thời gian, nếu xảy ra việc chưa tìm được sự thống nhất chung giữa hai cấp HĐND và UBND thì dẫn đến những trục trặc, gián đoạn. Nếu nhất thể hóa, sau khi có sự thống nhất chủ trương của cấp ủy thì Bí thư cấp ủy đồng thời triển khai luôn thể chế của nhà nước, chính quyền xuống dưới dẫn đến việc hiệu lực, hiệu quả sẽ tốt hơn.

Thưa ông, để thực hiện nhất thể hóa bí thư kiêm chủ tịch, người nắm giữ vai trò 2 trong 1 này cần phải có những yếu tố gì?

- Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh: Vấn đề năng lực là yếu tố đầu tiên, sau đấy phẩm chất, đạo đức phải đi kèm. Anh vừa làm công tác lãnh đạo của Đảng, vừa thực hiện của công tác lãnh đạo của Chính quyền thì rõ ràng đòi hỏi năng lực rất cao, không những năng lực về lãnh đạo, năng lực quản lý trực tiếp mà ý thức trách nhiệm, ý thức tuân thủ pháp luật và quy định của Đảng, phẩm chất đạo đức khác cũng phải nâng cao. Như vậy trách nhiệm, gương mẫu của người đứng đầu cũng phải nâng cao vì rõ ràng yêu cầu là rất lớn.

Nếu không đáp ứng được yêu cầu về năng lực hay phẩm chất, đạo đức thì đều không được. Người giữ vai trò vừa là bí thư, vừa là chủ tịch HĐND, UBND đòi hỏi vừa có năng lực, vừa có đạo đức thì mới vận hành bộ máy thông suốt, hiệu quả. Nếu chọn người không có năng lực, thực tiễn, không có đạo đức thì rất nguy hiểm. Khi thực hiện nhiệm vụ, nhận nhiều trọng trách sẽ là sức nặng khiến công việc không trôi chảy, không dám làm, lại phải xin ý kiến tập thể, hay có tình trạng sợ nên núp bóng tập thể. Việc này dễ dẫn đến sai lầm, dễ mất cán bộ, gây tác hại cho xã hội.

Nhiều người vẫn lo ngại khi thực hiện nhất thể hóa, quyền lực tập trung quá nhiều vào một người dễ dẫn đến độc đoán, chuyên quyền, xuất hiện hiện tượng “vừa đá bóng vừa thổi còi”. Vậy cần thực việc kiểm soát quyền lực như thế nào, thưa ông?

- Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh: Để kiểm soát quyền lực khi nhất thể hóa phải có những cơ chế kiểm soát quyền lực, phải có những quy chế, quy định rất rõ, chi tiết đối với những vị trí này và phải có giám sát của Đảng của HĐND, các cấp chính quyền ở dưới cũng như của nhân dân, v.v... Những đồng chí nào vi phạm chức năng quyền hạn thì phải bị xử lý nghiêm theo quy định của Đảng và Nhà nước.

Theo nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh: Để kiểm soát quyền lực khi nhất thể hóa phải có những cơ chế kiểm soát quyền lực. Ảnh minh họa

Vừa rồi Đảng cũng có nhiều quy định. Tại Hội nghị TƯ 8 khóa XII (khai mạc vào sáng 2.10.2018) có quy định về trách nhiệm “nêu gương” của người đứng đầu. Như vậy, dần dần hoàn thiện hóa về cơ chế giám sát để đảm bảo những người nắm vị trí chức vụ có quyền lực thực hiện tốt, hiệu lực, hiệu quả. Như Tổng Bí thư đã nói “phải nhốt quyền lực vào trong lồng thể chế”, do đó, trước hết phải kiểm soát bằng quy chế của Đảng và Nhà nước.

Tuy nhiên, quan trọng là việc xử lý như thế nào những trường hợp vi phạm đó để răn đe. Cùng với việc phòng chống tham nhũng, chúng ta phải xử lý việc này thật mạnh tay.

Phải khẳng định được năng lực, phẩm chất đạo đức

Khi gộp chức danh đồng thời “bớt ghế”, điều này có thể làm nảy sinh mâu thuẫn, thậm chí gia tăng sự “đấu đá” trực tiếp trong nội bộ, thưa ông?

- Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh: Việc này cũng có thể dễ có, đáng lo ngại nhưng vẫn phải triển khai và lựa chọn cho tốt, phải vì lợi ích chung, khi người được chọn ở vị trí đó mà khẳng định được thì sẽ thuyết phục tất cả. Vừa rồi một loạt địa phương, trong đó nhiều tỉnh cũng toàn là cán bộ rất trẻ như là Nghệ An vừa rồi Chủ tịch tỉnh mới 42 tuổi. Như vậy, nếu như năng lực đã được khẳng định thì sẽ được lựa chọn.

Hiện nay, Đảng cũng đã chuẩn bị tốt quy trình 5 bước trong việc bổ nhiệm cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Theo đó, có nhiều quy định chặt chẽ hơn, nhiều bổ sung, sửa đổi hơn, phù hợp, đảm bảo chọn đúng con người tốt.

Nhưng suy cho cùng vẫn là cái tâm và đồng thời là trách nhiệm của những người đứng đầu trong quá trình thực hiện công tác cán bộ. Do đó, quan trọng nhất vẫn là con người. Phải chọn cho tốt, vì cái tâm, cái chung. Đồng thời, phải chú ý mặc dù đúng quy trình nhưng cá nhân chưa tốt thì dẫn đến sự méo mó quy định.

Vậy theo ông, đầu là những điều kiện cần và đủ để thực hiện mô hình này, những nơi nào có thể thực hiện được?

- Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh: Bây giờ theo cái chung, trước hết chúng ta làm thí điểm ở cấp xã và huyện. Trên thực tế, nhiều xã, huyện đã làm chứ không phải thí điểm và đều có kết quả khả quan.

Nhưng tôi có băn khoăn rằng, việc Bí thư kiêm Chủ tịch HĐND thì không có vấn đề gì lớn. Nhưng Bí thư kiêm Chủ tịch UBND thì với góc độ anh làm Bí thư (huyện ủy hoặc Đảng ủy xã) sẽ có toàn quyền, còn ở HĐND, Chủ tịch HĐND sẽ giám sát lại UBND. Nhưng Bí thư lại kiêm Chủ tịch UBND thì cơ quan hành pháp triển khai những chỉ đạo của cấp trên thì thông thường Phó Bí thư lại là Chủ tịch HĐND. Tức là ông Phó Bí thư về mặt Đảng là cấp dưới của ông Bí thư, nhưng khi ông Phó Bí thư lại kiêm Chủ tịch HĐND thì lại giám sát lại hoạt động của UBND mà Bí thư lại là Chủ tịch UBND. Do đó, nếu việc này không được giải quyết cẩn thận thì sẽ dẫn đến mâu thuẫn, khó khăn trong việc giám sát, giải quyết công việc.

Bí thư kiêm Chủ tịch UBND cũng có cái hay, cái tốt bởi vì từ chủ trương ông sẽ giao cơ quan quan hành pháp triển khai luôn sẽ thuận. Tuy nhiên, mối quan hệ trong giám sát đó là một vấn đề cần phải được giải quyết.

Suy cho cùng thì công tác tổ chức cán bộ cũng là công tác của Đảng, sự lãnh đạo chung của Đảng. Tất cả công tác cán bộ là công tác của Đảng. Kể cả cấp xã, huyện thì các vị trí cơ bản đều phải có sự chỉ đạo của Đảng, thống nhất ở trong Đảng rồi thì ra ngoài HĐND bầu rồi thì cũng thuận, nếu chúng ta chuẩn bị tốt, quy hoạch tốt, đào tạo bồi dưỡng tốt, chọn cán bộ tốt, khách quan công bằng thì không vấn đề.

Có sự thống nhất, đưa ra bầu thì tôi tin chắc là sẽ thuận. Nhưng trong quá trình vận hành bộ máy, nhất thể hóa thì có mối quan hệ rõ như tôi nói. Trong mối quan hệ đó phải giải quyết, trong thực tiễn thì cũng nhiều nơi chưa thấy có vấn đề gì, vẫn ổn. Hiện nay, theo Nghị quyết 18 trước hết là tập trung vào cho xã, huyện. Tỉnh thì chưa đặt ra nhưng tôi tin chắc là cũng phải đặt ra.

Xin cảm ơn ông!

Thành An (thực hiện)

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/tin-tuc/nhat-the-hoa-mot-so-chuc-danh-quan-trong-la-chon-duoc-nguoi-tai-duc-917697.html