'Nhất thể hóa' một số chức danh: Không lo quyền lực bị lạm dụng

'Chức năng nhiệm vụ của Bí thư Đảng ủy xã kiêm chủ tịch UBND xã theo quy định của pháp luật thì đã có quy định rất rõ để tránh việc lạm dụng quyền lực, đưa ra những quyết định sai trái nên không lo bị lạm dụng', ông Bùi Đức Thụ - Phó trưởng Ban Công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nói khi trao đổi với Dân Việt.

“Nhất thể hóa” để tinh giản bộ máy

Thưa ông, hiện nay nhiều địa phương đã thực hiện thí điểm “nhất thể hóa” ở cấp xã và cấp huyện. Ý kiến của ông như thế nào về việc hợp nhất các cơ quan Đảng và Nhà nước có chức năng, nhiệm vụ tương đồng hiện nay?

- Tôi cho rằng bộ máy hành chính ở nước ta từ Trung ương đến địa phương quá cồng kềnh, vì vậy việc tinh giản bộ máy, nhất thể hóa một số chức danh đó là cần thiết. Không chỉ là nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy công quyền mà đồng thời nhằm giảm chi thường xuyên trong tổng chi ngân sách Nhà nước từ đó tạo nên nguồn tích lũy để đầu tư phát triển.

Ông Bùi Đức Thụ - Phó trưởng Ban Công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Hiện tại, một số địa phương đã thực hiện thí điểm việc nhất thể hóa giữa chức danh Bí thư cấp ủy với chức danh Chủ tịch UBND. Tôi cho rằng, điều này là một trong những việc làm giảm đầu mối lãnh đạo. Nhưng qua nghiên cứu và theo dõi thực tiễn nhiều năm, tôi thấy, việc nhất thể hóa chức danh Bí thư Đảng ủy xã kiêm Chủ tịch UBND cần làm thí điểm để rút kinh nghiệm đánh giá những mặt được, mặt chưa được trên cơ sở đó để triển khai mở rộng trong phạm vi toàn quốc.

Thực tế, sẽ hợp lý hơn nếu nhất thể hóa chức danh Bí thư Đảng ủy xã với Chủ tịch HĐND. Bởi vì, Bí thư cấp ủy việc chính là đảm bảo lãnh đạo đối với mọi hoạt động của chính quyền cơ sở, nếu như kiêm Chủ tịch UBND tức là vừa quyết định chủ trương, đường lối đồng thời cũng tổ chức triển khai thực hiện những nghị quyết chỉ thị của cấp ủy Đảng thì vô hình trung dẫn đến tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi”. Vì vậy, nếu nhất thể hóa cái đó vai trò của HĐND bị suy giảm.

Còn nếu chúng ta nhất thể hóa theo hướng Bí thư Đảng ủy xã kiêm Chủ tịch HĐND thì phù hợp hơn. Đảm bảo được nguyên tắc, cấp ủy Đảng lãnh đạo quyết định những chủ trương, những biện pháp ở chính quyền cơ sở để thực hiện các mục tiêu kinh tế xã hội và đồng thời HĐND thể chế hóa thành nghị quyết của những chủ trương đó, trên cơ sở đó thực hiện chức năng giám sát đối với cơ quan hành chính tức là UBND trong khâu tổ chức thực hiện, làm như vậy vừa phù hợp, vừa phát huy được vai trò của HĐND, nếu sáp nhập với UBND thì chưa phù hợp như đã nói ở trên. Quan điểm của tôi là nhất thể hóa Bí thư Đảng ủy xã với Chủ tịch HĐND là hợp lý hơn.

Đã có quy định, không lo quyền lực bị lạm dụng

Nhiều ý kiến cho rằng khi thực hiện nhất thể hóa một số chức danh, như Bí thư với Chủ tịch UBND xã, huyện, quyền lực tập trung vào một người sẽ rất lớn, dễ dẫn đến nguy cơ lạm quyền. Làm sao để giải bài toán này một cách hài hòa, thưa ông?

Khi thực hiện nhất thể hóa giữa Bí thư Đảng ủy xã với Chủ tịch UBND rõ ràng quyền lực tập trung vào tay một người lớn hơn trước kia. Trước kia, ông Bí thư Đảng ủy chỉ lãnh đạo về đường lối chủ trương, kiểm tra trong phạm vi công tác Đảng, bây giờ kiêm thêm chức Chủ tịch UBND nghĩa là ông tham gia bộ máy chính quyền nhà nước ở cơ sở trực tiếp tổ chức thực hiện, điều hành các nhiệm vụ đó thì rõ ràng chức năng, trọng trách cũng cao hơn.

Phó trưởng Ban Công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Bùi Đức Thụ cho rằng sẽ hợp lý hơn nếu nhất thể hóa chức danh Bí thư Đảng ủy xã với Chủ tịch HĐND. (Ảnh minh họa)

Bên cạnh đó, đây là việc thu gọn đầu mối thì tập trung quyền lực vào một số người. Cái này nếu không làm tốt công tác cơ sở, làm tốt nguyên tắc lãnh đạo của Đảng, cũng như nguyên tắc điều hành trong hệ thống cơ quan công quyền thì có thể dẫn đến hình thành “chủ nghĩa cường hào” ở địa phương, lúc này sẽ ảnh hưởng đến tính dân chủ.

Nhưng tôi cho rằng, nếu thực thi đúng nguyên tắc của Đảng đối với lãnh đạo, đối với Bí thư đảng ủy chỉ là người thay mặt cấp ủy, việc quyết định các chủ trương, biện pháp ở chính quyền cơ sở là do tập thể cấp ủy đó quyết định, do đại hội cao nhất trên cơ sở giữa hai kì đại hội ủy quyền cho cấp ủy lãnh đạo theo nguyên tắc tập chung dân chủ chứ không phải ông chủ Bí thư Đảng ủy quyết được hết.

Thứ nữa là UBND có chế độ trách nhiệm tương đối cụ thể đối với chức danh của vị trí Chủ tịch, việc gì phải quyết, việc gì phải bàn ở tập thể. Cái này đã có quy chế trong từng lĩnh vực, cũng như giao chức năng nhiệm vụ trong từng công việc. Ví dụ như vấn đề sử dụng dự phòng ngân sách cấp xã thì Chủ tịch UBND có quyền nhưng vấn đề quyết định sử dụng số vượt thu của ngân sách cấp xã thì ông Chủ tịch UBND phải chỉ đạo các đơn vị thuộc xã, xây dựng các phương án để trình Thường trực HĐND cấp xã để xem xét quyết định trên cơ sở đó mới tổ chức thực hiện.

Như vậy, chức năng nhiệm vụ của Bí thư Đảng ủy xã kiêm chủ tịch UBND xã theo quy định của pháp luật thì đã có quy định rất rõ để tránh việc lạm dụng quyền lực, đưa ra những quyết định sai trái.

Vấn đề còn lại là phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, các cơ quan quản lý của nhà nước ở cấp xã cũng như cấp trên phải có trách nhiệm giám sát việc tổ chức hoạt động của người đảm nhiệm chức danh Bí thư kiêm Chủ tịch nếu làm tốt công tác kiểm tra giám sát theo đúng quy định của pháp luật, đúng quy trình thủ tục, thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ thì vấn đề lạm quyền, vấn đề tập quyền ở cơ sở là có thể ngăn khắc phục được.

Như vậy, theo ông khi nhất thể hóa các cơ quan Đảng và Nhà nước ở cấp xã, huyện, vai trò của người đảm nhiệm chức danh nhất thể hóa phải cần những tiêu chí nào?

- Với vị trí Bí thư Đảng ủy xã, để lãnh đạo được thì đòi hỏi phải đáp ứng được rất nhiều tiêu chí. Tiêu chí không chỉ về năng lực mà còn về đạo đức, phẩm chất và phải có được uy tín để đại hội bầu ra.

Bây giờ Bí thư Đảng ủy xã lại kiêm thêm chức danh Chủ tịch UBND hoặc Chủ tịch HĐND thì trọng trách càng lớn hơn. Nên tôi cho rằng, việc đảm bảo tiêu chí chức danh kiêm này đòi hỏi phải cao hơn thì mới hoàn thành được trọng trách đó.

Trường hợp Bí thư Đảng ủy xã kiêm Chủ tịch UBND thì điều này cũng đòi hỏi trước hết chức danh Bí thư Đảng ủy xã phải do đại hội bầu ra hoặc cấp ủy bầu ra.

Sau khi được bầu Bí thư Đảng ủy xã rồi để làm Chủ tịch UBND thì rõ ràng phải là đại biểu HĐND xã và được HĐND bầu chức Chủ tịch UBND thì mới kiêm được hai chức.

Như vậy, yêu cầu cũng như thực tế việc Bí thư Đảng ủy xã kiêm Chủ tịch UBND hoặc Bí thư Đảng ủy xã kiêm chủ tịch HĐND đòi hỏi uy tín phải cao, đảm bảo được bầu cách tự do dân chủ và đảm bảo nguyên tắc bầu cử là số phiếu quá bán.

Xin cảm ơn ông!

Phải chọn đúng người

“Người giữ vai trò vừa là Bí thư, vừa là Chủ tịch HĐND, UBND đòi hỏi vừa có năng lực, vừa có đạo đức thì mới vận hành bộ máy thông suốt, hiệu quả. Nếu chọn người không có năng lực, thực tiễn, không có đạo đức thì rất nguy hiểm. Khi thực hiện nhiệm vụ, nhận nhiều trọng trách sẽ là sức nặng khiến công việc không trôi chảy, không dám làm, lại phải xin ý kiến tập thể, hay có tình trạng sợ nên núp bóng tập thể. Việc này dễ dẫn đến sai lầm, dễ mất cán bộ, gây tác hại cho xã hội.

Suy cho cùng vẫn là cái tâm và đồng thời là trách nhiệm của những người đứng đầu trong quá trình thực hiện công tác cán bộ. Do đó, quan trọng nhất vẫn là con người. Phải chọn cho tốt, vì cái tâm, cái chung. Đồng thời, phải chú ý mặc dù đúng quy trình nhưng cá nhân chưa tốt thì dẫn đến sự méo mó quy định” – nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh.

Vẫn còn lo lắng

“Việc nhất thể hóa một số chức danh lãnh đạo đúng là có mặt tích cực là sẽ gọn lại bộ máy hành chính còn nếu để như kia sẽ cồng kềnh. Thứ hai là, làm như vậy các cơ quan của Đảng tách rời khỏi nhà nước và nó không chịu trách nhiệm. Nhưng nếu làm như vậy sẽ dễ rơi vào độc tài. Cái này chúng ta phải lo lắng. Còn nếu giải được nỗi lo độc tài, chuyên chế thì không vấn đề gì” - GS.TS Nguyễn Đăng Dung, nguyên Trưởng bộ môn Luật hành chính Hiến pháp, khoa Luật, ĐH Quốc gia Hà Nội.

Thành An (thực hiện)

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/tin-tuc/nhat-the-hoa-mot-so-chuc-danh-khong-lo-quyen-luc-bi-lam-dung-918056.html