Nhất thể hóa, hợp nhất, hướng tới tinh gọn bộ máy

Câu chuyện tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế được nói nhiều, bàn nhiều ở tầm vĩ mô, kéo dài trong nhiều năm và tiếp tục 'nóng' lên tại Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII và kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIV.

Cán bộ Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Mường Lát trao quà hỗ trợ của các nhà hảo tâm cho đồng bào khó khăn xã Pù Nhi. Ảnh: Lê Hợi

Qua báo cáo của các cơ quan chuyên môn, cũng như từ thực trạng tình hình, bộ máy tổ chức hưởng lương từ ngân sách ở nước ta ngày càng phình to, cồng kềnh, nhiều tầng nấc và chồng chéo, nhất là ở các đơn vị sự nghiệp công lập, người hoạt động không chuyên trách cấp xã và ở thôn, tổ dân phố.

Để có bộ máy hành chính nhà nước gọn nhẹ, giảm cấp trung gian, hiệu lực, hiệu quả thì việc sắp xếp lại các cơ quan là điều bắt buộc phải làm, dù rằng những vấn đề liên quan đến con người, vị trí công tác rất khó, nhạy cảm.

Tại Thanh Hóa cho thấy, việc nhất thể hóa chức danh, hợp nhất cơ quan có chức năng, nhiệm vụ tương đồng đã được đặt ra từ nhiều năm nay. Và, thực tế cũng đã và đang thực hiện bố trí kiêm nhiệm một số các chức danh từ tỉnh xuống tới huyện, xã, thôn. Tại 27 huyện, thị xã, thành phố, 100% bí thư hoặc phó bí thư cấp ủy kiêm chủ tịch HĐND. Ở 635 xã, phường, thị trấn có 100% các bí thư hoặc phó bí thư cấp ủy kiêm chủ tịch HĐND.

Ngoài ra, hiện trên toàn tỉnh còn có 22 bí thư Đảng ủy kiêm chủ tịch UBND cấp xã. 712 người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã đang kiêm nhiệm các chức danh, trong đó có 469 người giữ chức Phó Chủ nhiệm UBKT kiêm văn phòng Đảng ủy. Ở cấp thôn, bản, tổ dân phố hiện có 5.970 người là thôn, đội trưởng kiêm tổ phó tổ bảo vệ an ninh trật tự, 153 Bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, bản, phố...

Qua hoạt động, không chỉ bộ máy được tinh gọn, bớt đầu mối, giảm sự chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ mà nhờ tinh giản, sắp xếp tổ chức bộ máy, giúp cấp ủy các cấp ở Thanh Hóa đánh giá được khá chính xác những kết quả thực hiện của từng tổ chức, cá nhân trong bộ máy; tìm ra được những cán bộ có năng lực công tác và phẩm chất tốt, là nền tảng trong công tác tạo nguồn cán bộ cho những nhiệm kỳ tiếp theo...

Để tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, ngày 25-10-2017, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 12-CT/TU về lãnh đạo thực hiện việc sáp nhập thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh với mục tiêu giảm từ 1.200 đến 1.300 thôn, tổ dân phố, tương ứng 20% so với hiện nay. Đây là một công việc phức tạp, có liên quan đến yếu tố lịch sử, truyền thống và phong tục, tập quán, đòi hỏi cả hệ thống chính trị phải nỗ lực thực hiện để dân hiểu, cán bộ thông.

Chúng ta bước vào thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng, khoa học, kỹ thuật công nghệ làm chủ mọi mặt đời sống xã hội, thì công tác điều hành, lãnh đạo, bộ máy quản trị cũng cần có sự điều chỉnh cho phù hợp. Đó phải là một bộ máy quản trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Sự quyết tâm của Chính phủ, các địa phương, cũng như Thanh Hóa để đổi mới hệ thống chính trị đang nhận được sự đồng tình, ủng hộ rất cao của nhân dân.

.Nguyễn Việt

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/vn/chinh-tri/n178395/nhat-the-hoa,-hop-nhat,-huong-toi-tinh-gon-bo-may