Nhặt 'sạn' ở cuộc thi Tài năng trẻ Diễn viên Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc 2020

Với sân chơi dành cho các nghệ sĩ trẻ, cuộc thi Tài năng trẻ Diễn viên Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc 2020 bên cạnh những thành công, đã bộc lộ những hạn chế. Trong đó, NSND Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội đồng Giám khảo nhấn mạnh tới việc thiếu tính sáng tạo của các thí sính dự thi. Các nghệ sĩ trẻ dường như đang 'trả bài' cho thầy nhiều hơn là thể hiện được cá tính người nghệ sĩ trước ánh đèn sân khấu.

Tối ngày 29/10, tại Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh Bình Định, “Cuộc thi Tài năng diễn viên Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc – 2020” đã khép lại sau 7 ngày so tài trong niềm vui và sự xúc động của những người làm nghệ thuật truyền thống.

Với 41 trích đoạn, 44 diễn viên đến từ 6 đơn vị tuồng và dân ca kịch chuyên nghiệp trên cả nước đã mang đến sân khấu tình yêu nghề nồng cháy, thắp lên ánh sáng huyền diệu của nghệ thuật tuồng, nghệ thuật dân ca kịch dưới nhiều hình thức phong phú, đa dạng cùng với những sáng tạo tuyệt vời để làm cho các trích đoạn sinh động, hấp dẫn lôi cuốn người xem

Hội đồng Giám khảo gồm 5 thành viên là nghệ sĩ, nhà nghiên cứu, quản lý nghệ thuật có uy tín, tài năng và có nhiều đóng góp trong sự nghiệp phát triển ngành nghệ thuật biểu diễn.

NSND Trịnh Thúy Mùi, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam trao Bằng khen cho các diễn viên

NSND Trịnh Thúy Mùi, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam trao Bằng khen cho các diễn viên

Phát biểu tổng kết, NSND Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật đã ghi nhận, ở mảng đề tài truyền thống, các đơn vị nghệ thuật tuồng đầu tư khá kỹ. Người nghệ sỹ cùng một lúc vừa diễn vừa tả nhân vật, có lúc nhập hồn thắp sáng ngọn lửa sáng tạo, đánh thức cảm xúc của khán giả, vươn tới giá trị chân thiện mỹ qua các trích đoạn: Hồ Nguyệt Cô hóa cáo, Nhị khí Chu Du, Kỷ Lan Anh lạc đẻ, Lỗ Lâm đề cơ, Kim Lân qua đèo, Đào Tam Xuân đề cơ, Chung Vô Diệm…

Về mảng đề tài hiện đại, đây là thế mạnh của nghệ thuật dân ca kịch. Với những trích đoạn “Đồng đội”, “Vì nghĩa quên thân”, “Trạm xá tiền phương”, “Đứa bé tìm mẹ”, “Một mạng người”, “Chuyện tình bên dòng sông Thu”, “Đôi dòng sữa mẹ”…đã tạo nên một sắc màu sinh động cho cuộc thi.

Bên cạnh những thành công, NSND Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật cũng chỉ ra những hạn chế trong cuộc thi lần này. Dù có một số chi tiết thay đổi và cách biểu diễn của các thí sinh tưởng như mới trong một số trích đoạn, tuy nhiên, Ban Giám khảo chỉ coi đó là một cách “thêm mắm thêm muối”, mà không phải là các sáng tạo mới.

Bên cạnh đó trong cuộc thi còn bộc lộ một số thiếu sót trong dàn dựng biểu diễn. Vấn đề đầu tiên đó là diễn tả tính chân thực. Một số tình tiết được diễn trong trích đoạn còn khá đơn giản, diễn viên thể hiện giằng xé nội tâm không chân thật. Về xử lý không gian, thời gian trên sân khấu cũng chưa được quan tâm.

Một tiết mục dự thi

Câu chuyện được diễn ban đêm nhưng hành động, động tác như giữa ban ngày. Về yêu cầu hát và nói tròn vành rõ chữ như trong quy chế đã nêu. Nhưng trong cuộc thi có những thí sinh nói rất khó nghe. Có trích đoạn vẫn còn giữ nhiều câu Hán Việt hưa chuyển ngữ làm khán giả ngồi xem rất khó hiểu. Trong khi đó có một số trích đoạn dùng kèn, trống tạo không khí nhưng không biết tiết chế làm cho trích đoạn ồn ào căng thẳng không đáng có.

Đồng thời, Chủ tịch Hội đồng giám khảo cũng đưa ra những kiến nghị về các cuộc thi tài năng trẻ sân khấu như: Cần nâng cao tính sáng tạo, ở cuộc thi tiếp theo những trích đoạn đăng ký dự thi nên có những bài thi bắt buộc. Hay trong cuộc thi diễn viên phải bốc thăm để thể hiện một số trích đoạn mẫu theo quy định. Mỗi một trích đoạn mẫu này được biểu diễn trong 15 phút để bộc lộ tài năng.

Còn cuộc thi tài năng hiện nay, diễn viên đang trả bài đã học từ các thầy mà thiếu đi nhiều tính sáng tạo mới, hạn chế tính đa dạng vì chỉ thể hiện mỗi một nhân vật. Bên cạnh đó, Cục Nghệ thuật biểu diễn cần xây dựng kế hoạch tập huấn nâng cao tay nghề cho các diễn viên theo từng loại hình nghệ thuật ở cấp toàn quốc và khu vực.

Cuộc thi đã khép lại trong trong niềm đam mê, sự thôi thúc được cống hiến, mà ở đó có cả mồ hôi và nước mắt của các nghệ sĩ. Đây cũng là một bước trải nghiệm cho những nghệ sĩ trẻ chưa thành công, chính sự chưa thành công này sẽ trở thành nền tảng, là động lực thôi thúc để vươn tới những sáng tạo mới.

Cuộc thi Tài năng diễn viên Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc năm nay ghi dấu nhiều chuyển biến tích cực, nhất là sự tỏa sáng của nhiều gương mặt trẻ cho thấy nghệ thuật truyền thống vẫn có một sức sống bền b

Bế mạc cuộc thi, Ban Tổ chức đã trao 6 Huy chương Vàng, 14 Huy chương Bạc, 1 giải diễn viên xuất sắc và 4 giải khác cho các nghệ sĩ.

Trong đó, 6 HCV đã thuộc về diễn viên Nguyễn Quỳnh Liên (Nhà hát Tuồng Việt Nam) với trích đoạn "Hồ Nguyệt Cô hóa cáo", diễn viên Nguyễn Trần Thái Anh (Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống tỉnh Bình Định) với trích đoạn "Nhị khí Chu Du", diễn viên Trần Thị Kim Thoa (Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Khánh Hòa) với trích đoạn "Lỗ Lâm đề cờ", diễn viên Nguyễn Sơn Hà (Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống tỉnh Khánh Hòa) với trích đoạn "Vua hóa hổ", diễn viên Nguyễn Phạm Linh Giang (Đoàn ca kịch Quảng Nam) với trích đoạn "Đôi dòng sữa mẹ", diễn viên Sử Thành Việt (Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống tỉnh Bình Định) với trích đoạn "Vạn Lịch ăn xin".

Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam cũng trao tặng phần thưởng và Bằng khen cho 7diễn viên ấn tượng tham gia cuộc thi.

Thanh Xuân

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/nhat-san-o-cuoc-thi-tai-nang-tre-dien-vien-tuong-va-dan-ca-kich-toan-quoc-2020-post448646.antd