Nhặt 'sạn' để có những mùa lễ hội văn minh

Ngay từ trước Tết, nhiều tỉnh, thành phố đã có những hoạt động nhằm đảm bảo mùa lễ hội dịp tháng Giêng âm lịch diễn ra văn minh, lành mạnh, an toàn.

Những biểu hiện đầu tiên cho thấy các lễ hội diễn ra khá yên bình. Tuy nhiên, đây đó vẫn còn một số người dân do hiểu biết hạn chế, quá tin vào “thánh thần” dẫn đến những hành động chưa được đẹp mắt, lại là cơ hội cho nhiều kẻ lợi dụng mê tín, dị đoan...

Chen chân lấy “nước thánh”

Sáng sớm 19/2 (mùng 4 Tết), hàng nghìn người dân khắp nơi đã đổ về đền Cặp Tiên (xã Đông Xá, huyện Vân Đồn, Quảng Ninh), hàng trăm ôtô xếp hàng dài. Điều đáng chú ý là mỗi người đều mang theo một bình nhựa chứa đầy nước. Họ múc nước từ một “giếng tiên” ở đây uống, rửa mặt và mang về nhà để cầu may.

Trong khuôn viên đền Cặp Tiên có một giếng nước nhỏ rộng chừng 10m2. Nước liên tục chảy ra từ trong núi khiến giếng lúc nào cũng đầy ắp. Rất đông người dân từ già đến trẻ nhỏ chen nhau lấy gàu múc nước lên uống, rửa mặt ngay tại sân giếng. Sau khi uống, rửa mặt xong, nhiều người còn đổ nước vào bình nhựa mang về dùng. Ai muốn lấy bao nhiêu tùy thích mà không phải mất tiền. Để phục vụ nhu cầu của người dân, tại “giếng tiên” có người của Ban Quản lý đền Cặp Tiên bán những chiếc bình nhựa loại từ 1 - 5 lít với giá từ 5.000 - 20.000 đồng/bình.

“Người ta đồn rằng phụ nữ mà uống nước ở “giếng tiên” thì da sẽ trắng trẻo nên chị em múc nước ở giếng nhiều hơn đàn ông là như vậy”, một người dân lấy nước cho biết. Những người khác đều tin rằng uống nước giếng này sẽ xua đuổi hết bệnh tật trong người.

Trao đổi với PV, ông Phạm Hồng Uyên - Chủ tịch UBND xã Đông Xá (huyện Vân Đồn) cho biết, “giếng tiên” hình thành đã rất lâu, không ai nhớ chính xác từ năm nào. Đây là giếng nước ngọt nằm ngay bên bờ biển, khi thủy triều lên có thể khiến nước bị mặn nhưng ngay sau đó nước ngọt trở lại. Không những vậy, nước giếng rất trong và mát, quanh năm không bao giờ hết.

Theo ông Tô Văn Hải - Phó Chủ tịch UBND huyện Vân Đồn, địa phương tổ chức xét nghiệm nguồn nước, kết quả cho thấy nước “giếng tiên” không có chất độc hại. “Tuy nhiên, điều chúng tôi lo ngại là kẻ xấu có thể lợi dụng truyền thuyết và “phong tục” này để hoạt động mê tín dị đoan, chẳng hạn như tuyên truyền nước “giếng tiên” có thể chữa được bách bệnh. Chúng tôi đã khuyến cáo người dân qua hệ thống loa tại đền là không nên tin vào những lời mê tín dị đoan, vô căn cứ khoa học.

Tại địa phương nhiều điểm du lịch tâm linh khác là Thanh Hóa, lễ hội Phủ Na, huyện Như Thanh năm 2018 có sự tiến bộ tích cực rõ rệt nhờ chính quyền địa phương đã có động thái quản lí chặt chẽ hơn hoạt động kinh doanh trong khu di tích. Những hoạt động bói toán, các trò chơi đỏ đen trá hình, hoạt động ăn xin cũng đã được dẹp khỏi không gian khu di tích.

Bên cạnh đền Cô Chín, nơi cao nhất của khu di tích có một thác nước nhỏ chảy róc rách quanh năm, nguồn nước từ trên đỉnh núi Nưa chảy xuống. Người dân cho rằng đây là nước “lộc”, nước “thánh”, ai đến đây cũng chen chân để được rửa mặt, uống nước này để mong được may mắn.

Những năm trước, ở khu vực này luôn xảy ra tình trạng lộn xộn, nhốn nháo cảnh tranh giành nhau mua khách thì lễ hội năm nay trật tự cơ bản đã ổn định.

Dù đông đúc, những ngày đầu mùa lễ hội 2018 diễn ra tương đối bình an, trật tự.

Vẫn còn những “hạt sạn”

Chỉ cách đây ít ngày, có một sự kiện khá kỳ quặc, đó là việc một con cá chép lai xuất hiện ở mương nước hết sức bình thường do một người dân phát hiện sáng mùng 1 Tết kích điện để bắt nhưng không thành. Sau đó, con cá tiếp tục nổi lên rồi lặn xuống ở đoạn mương này khiến nhiều người đồn thổi cho rằng đây là “cá thần”, thu hút đông người hiếu kỳ tụ tập, bàn tán. Nhiều người còn mang hương, hoa, đồ cúng đến thắp trên bờ mương, nơi con cá xuất hiện để... cầu may. Sự kiện thu hút quá đông người gây ồn ào, náo loạn và khiến cả chính quyền địa phương phải vào cuộc. Sự việc nhỏ nhưng cho thấy một bộ phận người dân vẫn còn hiểu biết hạn chế, rất dễ bị kẻ xấu lợi dụng mê tín, dị đoan để trục lợi.

Ngoài ra, những ngày đầu ở mùa lễ hội năm nay vẫn còn nhiều nơi linh nghiêm có tình trạng nhiều chị em mặc váy ngắn hở hang đến chốn linh thiêng. Dù đã có các quy định nghiêm ngặt về vấn đề ăn mặc, nhưng do lượng du khách quá đông, bộ phận bảo vệ không thể kiểm soát hết tình hình.

Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều người ném tiền lẻ, xát tiền vào tượng ở chùa Bái Đính khiến các pho tượng cứ “mòn” dần và mất đi vẻ linh thiêng.

Đây là vấn đề thuộc về văn hóa, ý thức cá nhân. Mong rằng người dân sẽ ngày càng nâng cao ý thức, văn minh để có những mùa lễ hội thực sự lành mạnh, bình an và hạnh phúc.

Hải An

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/nhat-san-de-co-nhung-mua-le-hoi-van-minh-n141609.html