Nhật ra mắt tàu ngầm thế hệ mới

Đây là một phần trong kế hoạch mở rộng hạm đội tàu ngầm của Tokyo để tăng cường năng lực bảo vệ an ninh hàng hải trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng gia tăng các hành động đơn phương và khiêu khích trong khu vực.

 Tàu Taigei vừa ra mắt là chiếc đầu tiên thuộc lớp tàu ngầm mới cùng tên. Ảnh: Japan’s Defense Ministry

Tàu Taigei vừa ra mắt là chiếc đầu tiên thuộc lớp tàu ngầm mới cùng tên. Ảnh: Japan’s Defense Ministry

Lễ hạ thủy diễn ra hôm 14-10 với sự tham dự của khoảng 150 quan khách, bao gồm Bộ trưởng Quốc phòng Nobuo Kishi và Tham mưu trưởng Lực lượng Phòng vệ biển Nhật Bản (MSDF) Hiroshi Yamamura. Mẫu tàu ngầm mới được đặt tên Taigei có nghĩa là Cá Voi lớn, do Tập đoàn công nghiệp Mitsubishi Heavy đóng với chi phí ước tính 720 triệu USD.

Tàu có chiều dài 84m, rộng 9,1m, nặng 3.000 tấn và sở hữu thiết kế tương tự máy bay tàng hình. Sức chứa khoảng 70 người, tàu Taigei trang bị pin lithium-ion giống hai chiếc cuối cùng của lớp Soryu, có khả năng hoạt động dưới nước lâu hơn nhưng lại ít cần bảo dưỡng so với lớp tàu thế hệ trước sử dụng pin axit-chì. Nhật cũng là quốc gia duy nhất trên thế giới có tàu ngầm hoạt động sử dụng hệ thống pin lithium-ion.

Theo MSDF, Taigei cần hoàn thiện trang bị và có thời gian thử nghiệm trên biển trước khi đưa vào biên chế hoạt động vào tháng 3-2022. Hiện quốc gia Ðông Á vận hành 9 tàu ngầm cũ lớp Oyashio nặng 2.750 tấn, 11 tàu chiến lớp Soryu nặng 2.950 tấn và chuẩn bị ra mắt chiếc thứ 12 vào năm tới.

Lộ trình này phù hợp Hướng dẫn Chương trình Phòng thủ Quốc gia năm 2010, trong đó Nhật Bản đặt mục tiêu tăng số lượng tàu ngầm lên 22 chiếc giữa thời điểm Trung Quốc đẩy mạnh hoạt động trên các vùng biển lân cận, đặc biệt xung quanh quần đảo Senkaku ở biển Hoa Ðông do Tokyo quản lý mà Bắc Kinh cũng tuyên bố chủ quyền. Không chỉ cải thiện năng lực phòng vệ, Nhật gần đây cũng liên tiếp điều tàu khu trục chở trực thăng và tàu ngầm đến Biển Ðông tập trận cùng hải quân Úc, Mỹ. Chiến hạm Nhật cũng đến Ấn Ðộ Dương và tập trận chung với hải quân Ấn Ðộ, Sri Lanka.

Ngoài kế hoạch bổ sung hai tàu ngầm lớp Taigei trong tương lai, Tokyo còn yêu cầu khoản ngân sách quốc phòng 654,1 triệu USD để đóng thêm một chiếc khác.

Trong diễn biến liên quan, Trung Quốc đang mở rộng nhà máy đóng tàu ngầm hạt nhân phục vụ tham vọng trở thành cường quốc biển. Trước đây, việc phát triển hạm đội tàu ngầm hạt nhân của hải quân Trung Quốc bị hạn chế khi cả nước chỉ có một nhà máy đóng tàu Bột Hải. Nhưng hình ảnh vệ tinh vài ngày trước cho thấy Bắc Kinh đang gia tăng công suất của nhà máy nói trên bằng cách cho xây thêm khu xưởng mới. Dựa vào phạm vi và số lượng các khu xưởng, giới phân tích dự đoán Trung Quốc có thể đóng 4 hoặc 5 tàu ngầm cùng lúc.

Theo Văn phòng Tình báo Hải quân Mỹ, Trung Quốc sẽ tăng thêm 6 tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân vào năm 2030. Trong khi đó, cựu quan chức tình báo tại Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ James Fanell cho rằng con số này khả năng cao hơn nhiều. Báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ về sức mạnh quân sự Trung Quốc năm 2020 thì ước tính đối phương sẽ có thêm 8 tàu ngầm trang bị tên lửa đạn đạo trong 10 năm nữa.

Giữa lúc Bắc Kinh không ngừng tăng cường năng lực hải quân, nhiều chuyên gia quân sự cho rằng Mỹ cần có điều chỉnh sao cho phù hợp. Trong kế hoạch “Lực lượng Chiến đấu 2045” công bố gần đây, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper xác định nước này phải bắt đầu đóng 3 tàu ngầm lớp Virginia mỗi năm càng sớm càng tốt để xây dựng lực lượng tàu ngầm “lớn và có năng lực hơn”, đóng vai trò là nền tảng tấn công sống còn trong trường hợp xảy ra xung đột giữa các cường quốc trong tương lai.

MAI QUYÊN (Theo Defense News)

Nguồn Cần Thơ: https://baocantho.com.vn/nhat-ra-mat-tau-ngam-the-he-moi-a126398.html