Nhất quyết 'hạ đo ván' ông Trump đến cùng, Đảng Dân chủ nhắm tới ai?

Hạ viện Mỹ ra nghị quyết gây áp lực buộc Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence xúc tiến phế truất Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Phó Tổng thống Mike Pence kiên quyết không viện dẫn luật để phế truất ông Donald Trump

Áp lực ép ông Pence phế truất Tổng thống

Trưa 13/1, với tỉ lệ 220 phiếu thuận 205 phiếu chống, Hạ viện Mỹ do Đảng Dân chủ kiểm soát đã thông qua nghị quyết kêu gọi Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence viện dẫn điều 4 trong Tu chính án 25, truất bỏ quyền lực Tổng thống của ông Donald Trump vì vai trò trong vụ bạo loạn Quốc hội Mỹ.

Hạ viện Mỹ tổ chức bỏ phiếu và ra nghị quyết nhằm gây áp lực lên ông Mike Pence sau khi ông thẳng thắn thể hiện thái độ phản đối.

Trước đó, ông Pence đã gửi thư tới Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi, Phó Tổng thống Mike Pence nói rõ, ông không đồng tình việc phế truất Tổng thống Mỹ Donald Trump khi ông chỉ còn vài ngày nữa là hết nhiệm kỳ.

Ông Pence cảnh báo việc sử dụng luật pháp như vậy sẽ tạo ra tiền lệ vô cùng xấu và không giúp ích gì cho lợi ích quốc gia hay phù hợp với Hiến pháp. "Do vậy, ông sẽ không hùa vào nỗ lực chơi trò chơi chính trị của Hạ viện".

Dù đã ra nghị quyết gây áp lực lên ông Mike Pence nhưng Hạ viện Mỹ cũng khó có thể phế truất ông Donald Trump trong thời gian ngắn như vậy. Thủ tục để đưa ra quyết định cuối cùng vô cùng phức tạp và cần thời gian dài.

Khi viện dẫn luật, Phó Tổng thống Pence phải tuyên bố ông Donald Trump “không đủ năng lực làm tròn nhiệm vụ và quyền lực của văn phòng Tổng thống”. Nhưng một lời tuyên bố của ông Pence là chưa đủ mà còn cần sự ủng hộ của 2/3 thành phần Nội các Mỹ.

Trong khi những người còn lại với ông Trump đến giờ phút này đều là những người trung thành với ông.

Tuyên bố luận tội ông Trump chống lại quốc gia

Trong một diễn biến khác cùng ngày, Ủy ban Tư pháp Hạ viện Mỹ công bố văn bản luận tội Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Hạ viện Jerrold Nadler tuyên bố: “Tổng thống Mỹ Donald Trump phạm tội nghiêm trọng chống lại quốc gia, vi phạm luật pháp khi kích động bạo loạn tại trụ sở Quốc hội để lật ngược kết quả bầu cử Tổng thống năm 2020”.

Theo văn bản, Hạ viện cho rằng “ông Trump không nên tại nhiệm thêm một ngày nào nữa và cần phải luận tội ông Donald Trump ngay lập tức”.

Tuy nhiên, thủ tục luận tội phế truất cũng phức tạp không kém dù đảng Dân chủ gia sức thu gọn quy trình, cắt ngắn khâu điều tra so với lần luận tội trước. Theo lãnh đạo đa số phe Cộng hòa tại Thượng viện, ông Mitch Mc Connell, các thủ tục trên chỉ được xem xét sau khi ông Joe Biden tuyên thệ nhậm chức.

Bản thân ông Trump cũng không e ngại khả năng bị luận tội và chỉ trích đây là "hành vi giả mạo, xấu xa nhất".

Mục đích cuối cùng là gì?

Tuy khả năng thành công thấp nhưng Hạ viện Mỹ do đảng Dân chủ chiếm đa số vẫn muốn ép ông Trump tới cùng có thể là bởi cái đích các Nghị sĩ Dân chủ nhắm tới không chỉ là ông Trump mà còn là đảng Cộng hòa.

Dưới con mắt nhiều nhà quan sát, áp lực cuối cùng sẽ đặt lên các Nghị sĩ Đảng Cộng hòa, buộc họ phải thể hiện rõ lập trường ủng hộ hay phản đối hành động của ông Trump trong sự việc người biểu tình gây bạo loạn Quốc hội. Từ đó, nó có thể gây chia rẽ sâu hơn trong Đảng Cộng hòa và cô lập ông Donald Trump hơn nữa.

Mặt khác, với riêng tỷ phú Trump, nếu Hạ viện Mỹ luận tội hoặc xúc tiến phế truất thành công, trong tương lai gần, ông Trump có thể chưa phải chịu nhiều tác động vì ông cũng chỉ còn vài ngày tại nhiệm. Nhưng nó sẽ trở thành "vết nhơ" và ông Trump khó có thể trở lại chính trường Mỹ, hiện thực hóa tham vọng tái ứng cử vào năm 2024.

Tất cả những diễn biến trên xuất phát từ việc ông Donald Trump kêu gọi người biểu tình tới thủ đô Washington phản đối kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ 2020 sau đó người ủng hộ ông kéo tới Quốc hội làm loạn, khiến 5 người thiệt mạng. Sự việc diễn ra hôm mùng 6/1/2021 trở thành sự kiện chưa từng có trong lịch sử chính trị Mỹ, khiến người dân trong nước và quốc tế choáng váng.

Trang Trần

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/nhat-quyet-ha-do-van-ong-trump-den-cung-dang-dan-chu-nham-toi-ai-d492354.html