Nhất quán chính sách tiền tệ

Việc Mỹ và Trung Quốc liên tục tung ra các đòn áp thuế vào hàng hóa của nhau mang đến nhiều lo ngại, rủi ro cho kinh tế toàn cầu. Điều này cũng sẽ tác động lên thị trường hối đoái, làm thay đổi về dòng chảy thương mại cũng như dự báo tăng trưởng và chính sách tiền tệ.

Việt Nam phải làm gì trong bối cảnh này? ĐTTC đã trao đổi với ông NGUYỄN ĐỨC HÙNG LINH, Giám đốc Phân tích và tư vấn đầu tư khách hàng cá nhân của SSI, xung quanh vấn đề này.

Tỷ giá trong mục tiêu kiểm soát

PHÓNG VIÊN: - Từ diễn biến phức tạp của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và vấn đề Brexit trở lại vạch xuất phát sau 3 năm, ông cảm nhận sao về thị trường tiền tệ quốc tế và trong nước thời gian tới?

Ông NGUYỄN ĐỨC HÙNG LINH: - Một cảm nhận rõ ràng nhất là rủi ro gia tăng. Mỹ và Trung Quốc là 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới, Anh, Đức, Pháp, Italia cũng thuộc top 10 nền kinh tế lớn. Các nước này đều đang đối mặt với những vấn đề nội tại cũng như những bất đồng sâu sắc với các đối tác quan trọng của mình.

Diễn biến của cuộc chiến Mỹ - Trung rất khó lường, trong khi Brexit vẫn là bài toán không có lời giải. Các đồng tiền chủ chốt như USD, CNY, EUR, GBP sẽ chịu áp lực lớn, không loại trừ khả năng có những cú sốc do tính chất dòng tiền trên thị trường tiền tệ toàn cầu dịch chuyển rất nhanh, trong khi tâm lý của giới đầu tư đang khá yếu.

Trong bối cảnh này, với nền kinh tế mở như Việt Nam, VNĐ sẽ chịu sức ép lớn, đặc biệt là diễn biến của cặp tỷ giá USD, CNY.

- Nhưng việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) khẳng định lãi suất không thay đổi thời gian tới, trong khi thị trường vẫn kỳ vọng vào khả năng FED sẽ cắt giảm lãi suất. Ông nghĩ sao về kỳ vọng này?

- Dù FED vẫn tỏ ra lạc quan về triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ, nhưng diễn biến leo thang mới đây trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, rõ ràng sẽ tạo ra những thách thức lớn cho tăng trưởng của 2 nước cũng như toàn cầu. Tăng trưởng chậm và lạm phát lõi hiện vẫn thấp hơn mức mục tiêu 2%, là 2 cơ sở cho những dự báo FED có thể giảm lãi suất vào cuối năm 2019.

Lãi suất của FED luôn là biến số cực kỳ quan trọng cho điều hành chính sách tiền tệ của nhiều quốc gia. Việc FED nâng lãi suất 4 lần trong năm 2018, đã kéo theo 35 ngân hàng trung ương (NHTW) nâng lãi suất. Tuy vậy, cũng có 37 NHTW giảm lãi suất. Điều này có nghĩa, tùy vào mục tiêu điều hành của mỗi quốc gia, NHTW có phản ứng khác nhau.

Trong năm 2018, NHNN Việt Nam đã nâng lãi suất tín phiếu từ 0,6% dần lên mức 3% và duy trì đến nay; lãi suất huy động trên thị trường 1 cũng tăng 0,5-0,7%/năm tùy từng kỳ hạn. Mặt bằng lãi suất của Việt Nam chịu ảnh hưởng bởi rất nhiều yếu tố cả bên trong lẫn bên ngoài.

Nhưng theo tôi các yếu tố bên trong đang có vai trò chi phối lớn hơn. FED giảm lãi suất không thể khiến NHNN giảm lãi suất theo, vì lãi suất còn tùy thuộc vào diễn biến tỷ giá, thanh khoản ngân hàng, cán cân thanh toán tổng thể…

- Việc tỷ giá trung tâm và tỷ giá giao dịch của các NH biến động tăng thời gian qua có ảnh hưởng đến mục tiêu kiểm soát tỷ giá đặt ra từ đầu năm, thưa ông?

Sự ổn định, nhất quán trong chính sách điều hành tỷ giá trung tâm của NHNN đã góp phần bình ổn tâm lý thị trường khi phải đối mặt với áp lực khó lường từ bên ngoài.

- Việc tăng tỷ giá trung tâm là định hướng nhất quán của NHNN trong năm nay; đến thời điểm hiện tại tăng 1,06% so với cuối năm 2018. Cụ thể, 4 tháng đầu năm tỷ giá trung tâm tăng tổng cộng 0,9%. Tuy nhiên, tỷ giá giao dịch đi ngang trên cả thị trường NH và tự do, vì môi trường quốc tế ổn định và diễn biến cung cầu ngoại tệ trong nước thuận lợi.

Khi có biến động bất ngờ trong tháng 5, tỷ giá trung tâm đã ở mức tương đối cao, đảm bảo biên độ đủ rộng cho biến động của tỷ giá. Nên việc điều hành tỷ giá trung tâm vẫn trơn tru với các phiên tăng giảm đan xen như giai đoạn trước.

Tỷ giá giao dịch tăng giai đoạn gần đây là điều khó tránh khỏi, nhưng mức tăng lũy kế từ đầu năm đến nay chỉ khoảng 0,8%, trong khi tỷ giá USD/CNY đã tăng tới 2,5%.

Tôi cho rằng, tỷ giá năm nay vẫn dao động trong mục tiêu kiểm soát đặt ra đầu năm vì các yếu tố kinh tế vĩ mô trong nước vẫn ổn định, nguồn cung ngoại tệ từ các thương vụ mua bán sáp nhập (M&A) cùng dự trữ ngoại hối hiện tại đủ để bình ổn thị trường khi có biến động.

Lãi suất duy trì ổn định

- Từ những nhận định trên, ông dự báo ra sao về lãi suất huy động, cho vay thời gian tới?

- Nếu không có những diễn biến khác từ quốc tế, tôi cho rằng lãi suất huy động vẫn duy trì ở mức hiện tại, vì các NHTM cần đảm bảo nguồn thực hiện mục tiêu tăng trưởng tín dụng, trong bối cảnh phải cạnh tranh với các kênh đầu tư khác đang phát triển nhanh (trái phiếu, chứng chỉ quỹ…), cùng nhu cầu gia tăng số dư huy động để đáp ứng lộ trình tiếp tục giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn từ 40% hiện nay xuống 30%.

Việc đẩy mạnh cho vay khách hàng cá nhân với lãi suất tốt hơn sẽ là cơ sở để các ngân hàng có thể duy trì được mặt bằng lãi suất huy động hiện tại mà không ảnh hưởng nhiều đến lợi nhuận.

Với lãi suất cho vay, dù lãi suất huy động bắt đầu tăng và thiết lập mặt bằng mới gần 6 tháng nay, nhưng lãi suất cho vay sản xuất kinh doanh vẫn tương đối ổn định, chưa kể những gói vay ưu đãi một số ngành nghề ở các ngân hàng lớn.

Kế hoạch lợi nhuận 2019 của 17 ngân hàng niêm yết chỉ tăng 18% so với năm 2018 - thấp hơn nhiều mức tăng 31% của năm 2018 - nhưng số ngân hàng đã đạt hoặc đặt mục tiêu đáp ứng chuẩn Basel II tăng lên, cho thấy họ chấp nhận tăng trưởng chậm lại để bền vững hơn. Việc mở rộng nguồn thu, thay đổi cấu trúc khách hàng, quản lý chi phí hiệu quả… sẽ được ưu tiên lựa chọn thay vì tăng lãi suất cho vay.

- Theo ông, những biến động trên thị trường tiền tệ sẽ ảnh hưởng ra sao đến thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam và chúng ta phải làm gì để tiếp tục giữ và thu hút dòng vốn ngoại?

Việt Nam luôn có những câu chuyện hay để thu hút NĐTNN, như nâng hạng thị trường, nới room, IPO… Điều cần làm là tiếp tục thúc đẩy các câu chuyện cho sống động, đồng thời thường xuyên truyền tải các thông điệp này đến NĐTNN, để khi có cơ hội, họ lập tức nghĩ đến Việt Nam.

- TTCK dù không liên thông trực tiếp nhưng có sự liên quan nhất định với thị trường tiền tệ. TTCK hay thị trường tiền tệ đều rất nhạy cảm với những dự báo về cơ hội và rủi ro vĩ mô.

Khi dự báo rủi ro gia tăng, như chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, đồng thời cả 2 thị trường đều diễn biến theo hướng tiêu cực. Vì vậy, để nhìn vào ảnh hưởng của thị trường tiền tệ đến TTCK, đầu tiên chúng ta cần nhìn sâu hơn vào bản chất kinh tế của vấn đề.

Hiện nay TTCK Việt Nam đang chịu sự chi phối nhất định của dòng tiền nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN). Trong bối cảnh tăng trưởng toàn cầu chậm lại, áp lực tỷ giá với các đồng tiền thuộc nhóm thị trường mới nổi tăng, NĐTNN thường có xu hướng chuyển sang mua các tài sản ít rủi ro như trái phiếu, đồng JPY, vàng...

Việc bán hay rút vốn của NĐTNN sẽ gây áp lực nhất định đến TTCK, không chỉ của Việt Nam mà của nhiều thị trường mới nổi khác. Xu hướng rút vốn hay bơm vốn thay đổi rất nhanh phụ thuộc vào động thái của FED, đàm phán thương mại Mỹ - Trung hay các diễn biến vĩ mô mới. Điều này có nghĩa, việc rút vốn dù có gây áp lực nhưng không phải là quá lớn và kéo dài một cách nguy hiểm với TTCK.

- Xin cảm ơn ông.

Ngọc Quang (thực hiện)

Nguồn SGĐT: http://saigondautu.com.vn/kinh-te/nhat-quan-chinh-sach-tien-te-68768.html