Nhật phát triển bom lượn siêu thanh

Bộ Quốc phòng Nhật Bản ngày 25/9 cho biết sẽ phát triển bom lượn siêu thanh để tăng cường phòng thủ cho các hòn đảo xa xôi, theo Japan Times.

Quần đảo Senkaku/Ðiếu Ngư, khu vực đang có tranh chấp giữa Nhật Bản và Trung Quốc. Ảnh: AP.

Bom lượn siêu thanh được phóng đi bằng tên lửa và khi đạt tới một độ cao nhất định (khoảng 20km) thì sẽ tự bay với tốc độ siêu thanh nhắm tới mục tiêu dưới mặt đất.

Các quan chức cho biết, Nhật Bản dự định sẽ đưa bom lượn vào ứng dựng thực tiễn từ năm tài khóa 2026. Tên lửa mang bom lượn sẽ được phóng lên từ các bệ phóng di động. Do khả năng tác chiến tầm xa, các loại bom này sẽ cùng với tên lửa hành trình tầm xa tạo nên sức tấn công khủng khiếp, gây lo ngại cho các nước láng giềng. Bởi lẽ, với tốc độ nhanh và bay cao, bom lượn trở nên khó đánh chặn.

Ngoài ra, Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản cũng đang xúc tiến việc triển khai các tên lửa dẫn đường đất đối hạm tại các đảo như Okinawa và Ishigaki nhằm đáp trả các hành động quân sự của Trung Quốc khi nước này đang gia tăng ảnh hưởng trên Biển Đông và trên khu vực đảo Senkaku/Điếu Ngư đang tranh chấp. Các loại tên lửa này có thể được trang bị bom lượn.

Một quan chức cao cấp cho biết, lữ đoàn phản ứng nhanh của Lực lượng Phòng vệ Mặt đất của Nhật Bản sẽ được huy động trong trường hợp các đảo xa xôi bị xâm chiếm và khả năng tấn công chống trả trên không là cần thiết để giúp thực hiện hiệu quả việc đổ bộ. Cũng theo các quan chức Nhật Bản, nước này muốn nhanh chóng phát triển loại bom mới, cải tiến nó qua nhiều giai đoạn và kết thúc thử nghiệm vào năm 2025. Ngay từ năm tài chính tới, Bộ Quốc phòng Nhật Bản muốn có ngân sách nghiên cứu và phát triển bom lượn 13,8 tỷ yên.

Theo JiJi Press, ông Garren Mulloy, phó giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Daito Bunkyo của Nhật Bản nói vũ khí mới sẽ được thiết kế để bổ sung cho các loại tên lửa hành trình mà quân đội Nhật Bản đã triển khai. Bởi lẽ, đến nay, người Nhật còn thiếu các vũ khí dẫn đường chính xác, đặc biệt so với Mỹ, NATO hay Nga. Tuy nhiên, những vũ khí này chỉ được sử dụng bởi Lực lượng Phòng vệ, theo luật Quốc phòng của Nhật Bản.

Lan Anh

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/hanh-trang-nguoi-linh/nhat-phat-trien-bom-luon-sieu-thanh-1327745.tpo