Nhất nghệ tinh!

Hỗ trợ, đào tạo cho nông dân khởi nghiệp là một phần trong thực hiện chính sách 'một thôn một sản phẩm' ở Trung Quốc.

Đoàn cán bộ Việt Nam đến làm việc tại Trung tâm Bồi dưỡng cách làm đồ ăn vặt huyện Sa. Ảnh: Ngọc Phương

Đoàn cán bộ Việt Nam đến làm việc tại Trung tâm Bồi dưỡng cách làm đồ ăn vặt huyện Sa. Ảnh: Ngọc Phương

Có dịp về thăm Trung tâm Bồi dưỡng cách làm đồ ăn vặt huyện Sa, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc những ngày cuối năm, chúng tôi cảm nhận rõ không khí rộn rã của các lớp dạy chế biến đồ ăn. Chỗ này, học viên miệt mài làm bánh, góc kia lại lách cách tiếng dao thớt dàn thịt.
Được thành lập từ năm 1998, hiện có diện tích 1300 m2, Trung tâm không chỉ đào tạo miễn phí kỹ năng chế biến đồ ăn vặt mà còn cung cấp các dịch vụ, hỗ trợ vốn, kỹ thuật cần thiết, giới thiệu vị trí, giới thiệu đối tác cho người dân khởi nghiệp, mở cửa hàng đồ ăn vặt.
Năm 2016, Bộ Công Thương đã cấp chứng chỉ thương hiệu huyện Sa, Tập đoàn huyện Sa được thành lập, các cửa hàng đồ ăn vặt đều có sự thống nhất cả về quy trình sản xuất, bàn ghế, trang phục...
Một lãnh đạo huyện Sa chia sẻ "Nhờ được đào tạo, hỗ trợ, ngày càng nhiều người dân đến các địa phương trong cả nước kinh doanh đồ ăn vặt huyện Sa; trong đó có 60.000 người là nông dân huyện Sa mở hơn 30.000 cửa hàng, doanh thu hàng năm hơn 7 tỷ NDT".
Kinh doanh đồ ăn vặt trở thành nguồn thu nhập chính của dân huyện Sa, người dân đã làm giàu được từ nghề. Thu nhập bình quân đầu người từ 2.800 NDT năm 1997 đã tăng lên đến 15.000 NDT năm 2016, người nghèo trong huyện đã giảm từ 14.000 người năm 1997 giảm xuống còn 1.800 người hiện nay.
Hỗ trợ, đào tạo cho nông dân khởi nghiệp là một phần trong thực hiện chính sách "một thôn một sản phẩm" ở Trung Quốc và cũng là hoạt động nổi bật của Trung tâm Bồi dưỡng cách làm đồ ăn vặt huyện Sa, giúp dân làm giàu.

Trung tâm Bồi dưỡng cách làm đồ ăn vặt huyện Sa. Ảnh: Bùi Mạnh

Nằm ở phía Bắc của thị trấn Hạ Mậu, huyện Sa, tỉnh Phúc Kiến, Vu Bang cũng là thôn thí điểm về xây dựng nông thôn sạch đẹp chuẩn hóa cấp quốc gia và cũng là thôn chuyên về đồ ăn vặt số 1 của huyện Sa. Được hỗ trợ về đào tạo, khởi nghiệp, cả thôn có 266 hộ với 1068 nhân khẩu thì có tới 236 hộ ra ngoài kinh doanh đồ ăn vặt đem về nguồn thu lớn cho người dân.
Hay thôn Thủy Tế, huyện Thái Ninh, tỉnh Phúc Kiến vốn là dân từ vùng xây đập nước di chuyển đến cũng là thôn mẫu mực nông thôn mới của huyện, thành phố và tỉnh. Khai thác lợi thế nằm ở gần hồ Kim, thôn Thủy Tế thành lập ba hiệp hội là homestay, du thuyền và ngư nghiệp.
"Nhà nào ở đây cũng kinh doanh nhà nghỉ, hộ nào cũng làm du lịch, chỗ nào cũng là ngư gia lạc", GS Tăng Ngọc Vinh, Viện trưởng Nghiên cứu Kinh tế và Thông tin Nông nghiệp, Viện Khoa học Nông nghiệp tỉnh Phúc Kiến nói. Giàu lên từ làm du lịch và ngư nghiệp, năm 2015, mảng dịch vụ ăn uống và nhà nghỉ của thôn Thủy Tế đón tiếp 150.000 lượt người, doanh thu hơn 9 triệu NDT, thu nhập bình quân của một hộ là 60.000 - 80.000 NDT.
Thôn Vu Bang và thôn Thủy Tế là hai trong số rất nhiều những điển hình thành công cho mô hình phát triển "một thôn một sản phẩm" của Trung Quốc. Đây là nội dung quan trọng của nông nghiệp hiện đại gắn với việc bồi dưỡng một loạt làng nghề và xã (thị trấn) nghề có đặc sắc rõ rệt, có sức cạnh tranh.

Không khí rộn rã của các lớp bối dưỡng cách làm đồ ăn vặt. Ảnh: Huyền Nguyễn

Chính phủ Trung Quốc thực hiện chính sách hỗ trợ vừa phải, Nhà nước thực hiện hỗ trợ nhưng không thể bao làm hết được mà vẫn phải đảm bảo yếu tố thị trường đồng thời tích cực đẩy mạnh, tạo ra sản phẩm khác biệt.
GS Tăng Ngọc Vinh nói rằng để thực hiện mô hình "một thôn một sản phẩm" thì phải "thể hiện được lợi thế nhất của địa phương"; "chiếm được thị trường tiêu dùng nhất"; "tạo ra hiệu quả kinh tế nhất"; "mang lại danh tiếng cho sản phẩm".
Bí quyết là "Người ta làm rồi thì phải làm khác, làm tốt hơn; người ta không có, mình khai thác ra lợi thế của riêng mình; người ta đã có thì mình làm tốt hơn người ta; người ta làm tốt thì mình phải làm cho đặc sắc, chú trọng xây dựng thương hiệu, giá cả của riêng mình; người ta đặc sắc rồi thì mình chuyển đổi, tạo ra cái mới...". Có thể chỉ là từ một bài hát dân ca hay một sản phẩm cũng có thể tạo ra sản phẩm đặc thù.
"Với khu nông thôn thực sự nghèo, không tạo dựng được thương hiệu thì chính quyền thực hiện di chuyển cả thôn để tìm ra cơ hội việc làm, phát triển thương hiệu mới", Giáo sư Tăng Ngọc Vĩnh chia sẻ.
Điều đặc biệt là tạo ra khác biệt, đặc thù nhưng vẫn phải giữ lại yếu tố nông thôn như đường nhỏ trong thôn làng, nhà cửa, công cụ sản xuất nông nghiệp, cảnh quan nông thôn. Đèo Đinh Vu, thôn Hoàng, thị trấn Cổ Thành, huyện Trang Đinh, Phúc Kiến vẫn giữ được cổng đá lâu đời, con đường trải đá độc đáo, giếng cổ từ thời vua Càn Long lấy đó làm lợi thế thu hút khách du lịch.
Chính quyền hỗ trợ về khoa học kỹ thuật, đào tạo tay nghề giúp người dân khởi nghiệp. Cán bộ kỹ thuật được cử về hỗ trợ từng hộ dân, giúp người dân tạo dựng nghề mà mấu chốt là chú trọng bồi dưỡng người dẫn đường, nông dân giỏi.
Phúc Kiến là một điển hình về hỗ trợ, thực hiện đào tạo người nông dân có trình độ cao đẳng. Tỉnh Phúc Kiến chọn ra người đứng đầu như chủ nhiệm, giám đốc hợp tác xã để đào tạo trong 1 - 2 năm tại các trường đại học, cao đẳng, ngân sách chi trả tiền học phí, ăn ở. Tỉnh cũng tổ chức rất nhiều lớp đào tạo cho trưởng thôn, bí thư chi bộ. Ngoài ra còn có những lớp đào tạo ngắn hạn cho chủ trang trại, nông dân giỏi do Phòng Nông nghiệp huyện tổ chức.
Chính sách "một thôn một sản phẩm" dẫn dắt nông dân làm giàu của Trung Quốc đem lại hiệu quả rõ rệt. Trung Quốc có 55.000 làng nghề các loại; trong đó có 2.349 làng nghề có thu nhập hàng năm hơn 100 triệu NDT; có 214 làng có thu nhập tới hơn 1 tỷ NDT. Không ít địa phương đã lấy phát triển "một thôn một sản phẩm" làm biện pháp xóa nghèo quan trọng.
Mô hình này cũng giúp tạo dựng thương hiệu rõ rệt, sản phẩm chủ đạo của 23.000 làng nghề được chứng nhận là sản phẩm sạch, thực phẩm xanh và sản phẩm hữu cơ. Làng nghề có thương hiệu đăng ký, thương hiệu trên cấp tỉnh và bảo vệ xuất xứ lần lượt chiếm tỷ lệ 26,9%; 8,1% và 17,4%.
Chia sẻ lúc rời thôn Vu Bang, ông Nguyễn Đức Ngọc, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cho hay, hiện nay Việt Nam cũng đang thực hiện thí điểm rất thành công mô hình mỗi xã, phường một sản phẩm độc đáo ở Quảng Ninh và cũng đã tạo dựng được các thương hiệu như mực Cô Tô, miến dong Bình Liêu, ba kích Ba Chẽ, trứng gà Tân An, chả mực Hạ Long, hoa Hoành Bồ...
Trên cơ sở thành công, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã trình Chính phủ xây dựng chương trình mục tiêu quốc gia về mỗi xã một sản phẩm. "Những kinh nghiệm của nước bạn về mô hình "mỗi thôn một sản phẩm" có thể vận dụng được để hoàn thiện chính sách tương tự như thế tại Việt Nam", ông Ngọc nói./.

Nguyễn Huyền/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/nhat-nghe-tinh-/76647.html