Nhất Nam Land - Báo Công Thương: Ngày đầy cảm xúc ở nơi lũ còn chia cắt

Ngày 19/11, đoàn từ thiện của Công ty CP Dịch vụ bất động sản Hoàng Nhất Nam (Nhất Nam Land) với sự đồng hành của Báo Công Thương đã trao 400 suất quà (tiền và quà khoảng 300 ngàn đồng/suất) cho bà con nghèo và các em học sinh tại xã Trà Bui (huyện Bắc Trà My, Quảng Nam).

Đại diện Nhất Nam Land và Báo Công Thương đội mưa trao quà cho bà con ngay trên mũi thuyền

Đại diện Nhất Nam Land và Báo Công Thương đội mưa trao quà cho bà con ngay trên mũi thuyền

Hiện một số thôn tại xã Trà Bui bị sạt lở, hiện đang bị cô lập nên đoàn phải di bằng thuyền trên lòng hồ thủy điện sông Tranh 2 dưới cơn mưa tầm tã hơn 2,5 giờ mới tới nơi nhưng ai nấy rất ấm lòng vì đã sẻ chia được nỗi vất vả, thiếu thốn của bà con thiệt hại sau đợt bão lũ vừa qua…

Những món quà ấm áp dưới cơn mưa tầm tã

Khi thuyền đang ở xa tít bến lòng hồ Thủy điện sông Tranh 2, ở thôn 7-8 xã Trà Bui, bà con đã đứng chờ ven lòng hồ dưới trời mưa tầm tã dưới những chiếc ô, áo ni lông ướt mèm che tạm bợ. Đoàn chúng tôi cũng không hơn gì khi chiếc thuyền tình nghĩa cũng bị mưa hắt, dột ướt át. Thuyền không cập bờ gần được vì bùn lầy nhão nhoẹt, trời mưa quá lớn không thể mang quà đến điểm cao hơn như dự kiến nên đã tổ chức lót bạt, kê ván trao quà ngay trên mép thuyền. Những món quà dưới trời mưa lạnh nhưng cả người nhận và người trao đều thấy ấm áp.

Ông Trương Văn Hào- Phó Tổng giám đốc Nhất Nam Land trao quà cho bà con

Theo ông Hồ Chí Hải, Phó Chủ tịch UBND xã Trà Bui, toàn xã có 1.374 hộ dân với 6.300 khẩu, trong đó hộ nghèo chiếm 80%, đồng bào dân tộc chiếm trên 95%, chủ yếu là dân tộc Ka Dông, Mơ Nông. Đời sống bà con vốn đã khốn khó, những ngày mưa lũ vừa qua càng khiến ngặt nghèo hơn. Thôn 7 và 8 bị lở núi chia cắt đến nay vẫn bị cô lập. Tại đây có 9 hộ sập nhà do sạt lở. Đời sống bà con dựa vào nương rẫy, sống nhờ lòng hồ nhưng mưa lũ làm hư hỏng nương rẫy, không thể đi đánh bắt khi nước lớn nên “nghèo gặp eo”.

“Những món quà quý giá của các nhà tài trợ, nhất là đơn vị Nhất Nam Land và Báo Công Thương và những nhà từ thiện thân thiết đã không quản vất vả, mưa gió, hiểm nguy để đến chia sẻ với bà con nơi đây quả thật rất ý nghĩa và cảm kích”, ông Hải chia sẻ.

Thương lắm thầy trò vùng cao

Điều đặc biệt, ngày chúng tôi đến với xã Trà Bui là những ngày cả nước long trọng tổ chức kỷ niệm 35 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam nhưng ở nơi đây thì khó có tổ chức được vì học trò đã nghỉ 2 tuần, nay mới học lại nhưng học sinh còn thiếu. Trường tổ chức học bù ngày chủ nhật nên may mắn cho đoàn đã trực tiếp trao những món quà ngay tại lớp học. Buổi trao quà cũng chớp nhoáng chỉ với hơn 200 suất quà nhưng đúng vào những ngày này thì thật ý nghĩa. Nhìn các em nâng niu, trân trọng những món rất thiết thực (bánh kẹo, sách vở, bút….) khiến người trao ai cũng cảm động.

Đại diện Báo Công Thương trao quà cho học sinh ở xã Trà Bui

Các cô tâm sự, nghề giáo viên vốn đã gặp nhiều khó khăn, nhưng giáo viên vùng cao không nói nhiều thì ai cũng biết sự gian truân, vất vả nhân lên gấp bội. Khi đoàn chúng tôi đến, thầy Phan Ngọc Nam - Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm xông xáo hòa vào đoàn từ thiện mang từng túi quà từ bờ lòng hồ leo dốc cao hun hút để mang quà lên cho học trò mình. Thầy Nam cho biết, trường có trên 560 học sinh, giáo viên và nhân viên trên 50 người.

Thầy Nam làm hiệu trưởng nơi đây đã 5 năm. Trước đây thầy là hiệu phó ở xã Trà Giác (Bắc Trà My). Các thầy cô ở các huyện vùng cao thường hay luân chuyển từ dưới xuôi lên và trên vùng cao xuống trung tâm thị trấn để đảm bảo sự công bằng. Có nhiều người yêu vùng đất khốn khó, cũng ở lại với các em hơn một nhiệm kỳ.

Thầy Phan Ngọc Nam tích cực chở đoàn từ thiện vào trường trao quà cho học sinh

Khó khăn của giáo viên cắm bản thì không sao kể xiết, nhưng niềm vui thì cũng đong đầy, nhất là ngày nào có lớp đầy đủ các em đi học. Công tác vận động học sinh vùng cao đi học đầy đủ là một kỳ công mà không chỉ thầy cô, chính quyền địa phương và các lực lượng phối hợp.

Cô Nguyễn Thị Chung nhà ở Trà Sơn (Bắc Trà My). Cô Chung mới lên trường Nguyễn Bỉnh Khiêm ở xã Trà Bui được vài năm nhưng những khó khăn thì cũng đã cảm nhận hết. Lương cô cũng chỉ mới hơn 6 triệu đồng, trừ bảo hiểm nên cũng đủ chi tiêu trong gia đình. Ở trường có thầy Lê Ngọc Hồng dạy Lý - Công nghệ cũng đã gần 10 năm nay. Thầy yêu học sinh cũng đã quyết định ở lại hơn nhiệm kỳ quy định.

Những món quà ấm áp nghĩa tình đến với các em học sinh

Khi hỏi điều tế nhị, những ngày 20/11 ở dưới xuôi, các thầy cô được phụ huynh, học sinh tặng hoa, tặng quà, còn trên này thì sao, cô Chung cũng thật lòng: “Không có đâu anh. Nếu có thì các em tặng hoa nhựa. Học sinh ở trên này hoàn cảnh, các thầy cô cũng hiểu nên chẳng ai “lăn tăn” gì. Các em đi học đầy đủ, tiến bộ là món quà quý giá nhất với chúng tôi”.

Chia tay xã Trà Bui khi trời vừa sập tối, mưa vẫn tầm tã. Theo dự báo sẽ có một trận lũ lớn sắp về, nếu về muộn sẽ bị chia cắt khiến chúng tôi không khỏi bận lòng với những người thầy, người cô ở lại nuôi dạy các em. Đặc biệt với bà con vùng cao, cái học, cái ăn, cái ở cứ khó và khổ cứ đeo đẳng mãi… Thương lắm bà con, học sinh, và giáo viên cắm bản vùng cao!

Nằm trong tháng hành động thiện nguyện vì đồng bào miền Trung thiệt hại trong bão lũ, ngoài 400 suất quà vừa trao tại xã Trà Bui, Nhất Nam Land cũng vừa trao 155 suất (quà 300 ngàn đồng/suất) tại xã Trung An, Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam và 110 suất (giá trị 300 ngàn đồng/suất) tại xã Đại Lãnh, xã Đại An huyện Đại Lộc, Quảng Nam. Kế sắp tới sẽ tiếp thực hiện một số hoạt động từ thiện trong chương trình này với hàng trăm suất quà ý nghĩa…

Một số hình ảnh được ghi lại trong buổi trao từ thiện:

Xuân Hoài

Nguồn Công Thương: http://baocongthuong.com.vn/nhat-nam-land-bao-cong-thuong-ngay-day-cam-xuc-o-noi-lu-con-chia-cat.html