Nhật muốn xuất khẩu công nghệ biến rác thải thành năng lượng sang khắp Đông Nam Á

Bộ Môi trường Nhật có kế hoạch thiết lập nên 10 cộng đồng tại Đông Nam Á phục vụ cho mục đích biến rác thải thành năng lượng trước năm tài khóa 2023 và đã chuẩn bị tài chính cho việc này.

Ảnh: Nikkei

Một số quốc gia Đông Nam Á như Philippines, Việt Nam và Indonesia đang nổi lên như những thị trường màu mỡ cho các nhà máy biến chất thải thành năng lượng, Nhật đang hy vọng sẽ có thể tận dụng được trình độ kỹ thuật của họ trong lĩnh vực này nhằm tối ưu hóa cơ hội.

Chính phủ Nhật đang hình thành nên nhiều liên minh hợp tác đầu tư công tư nhằm tăng cường xuất khẩu mô hình nhà máy này sang các nước trong khu vực. Các đối tác tham gia bao gồm chính quyền thành phố Osaka, một số chính quyền địa phương cũng như nhiều doanh nghiệp như Hitachi Zosen và JFE Engineering.

Liên minh sẽ giúp mang đến cho bên mua cơ hội thu thập, phân loại, tái chế và giảm rác thải, mô hình từng thành công tại Nhật.

Bộ Môi trường Nhật có kế hoạch thiết lập nên 10 cộng đồng tại Đông Nam Á phục vụ cho mục đích biến rác thải thành năng lượng trước năm tài khóa 2023.

Các vùng biển xung quanh Đông Nam Á hiện đang ngập rác thải nhựa và nhiều loại rác thải khác, đe dọa đến cuộc sống của các loài động vật biển cũng như gây tổn hại hệ sinh thái.

Tại Nhật, đất nước vốn gặp khó khăn với vấn đề rác thải từ khi kinh tế Nhật bắt đầu tăng trưởng bùng nổ vào thập niên 1960, các doanh nghiệp đã cố gắng phát triển các nhà máy tái chế rác giúp giảm ô nhiễm không khí.

Theo Bộ Môi trường Nhật, Nhật hiện có 380 nhà máy biến rác thải thành năng lượng, chiếm 30% trong tổng số nhà máy xử lý rác của Nhật. Trong thập kỷ qua, số lượng các nhà máy này tăng khoảng hơn 20%, nhờ vậy mà kỹ thuật xử lý rác đã tăng chóng mặt.

Tại Đông Nam Á, mô hình biến rác thải thành năng lượng đã được đưa ra thử nghiệm tại nhiều nước như Singapore hay Thái Lan. Ước tính hiện có khoảng 10 nhà máy như vậy ở 10 nước thành viên Đông Nam Á.

Công nghệ biến rác thải thành năng lượng khó phát triển tại Đông Nam Á bởi chi phí cao. Tuy nhiên nó không ngừng thu hút sự chú ý trong thời gian gần đây khi mà kinh tế Đông Nam Á tăng trưởng bùng nổ, chi phí môi trường ngày một cao hơn.

Tập đoàn Tài chính Quốc tế (IFC), thành viên của Ngân hàng Thế giới (WB), dự báo rằng quy mô thị trường toàn cầu cho những nhà máy kiểu như thế này sẽ tăng lên mức khoảng 80 tỷ USD từ năm 2022 từ mức 7,4 tỷ USD vào năm 2013.

Dù Trung Quốc cũng đang không ngừng tiếp thị công nghệ biến rác thải thành năng lượng, người Nhật mang đến giải pháp toàn diện hơn, trong đó có bao gồm hệ thống xử lý rác, đào tạo nhân lực cũng như tái chế và một số dịch vụ khác.

Hàng loạt doanh nghiệp như Hitachi Zosen, JFE Engineering, Mitsubishi Heavy Industries và một số công ty xuất khẩu khác của Nhật nhiều khả năng sẽ tham gia đấu thầu để xây dựng các nhà máy xử lý rác tại Đông Nam Á.

Bộ Môi trường Nhật đã dành ra khoảng 2 tỷ yên tương đương 18,49 triệu USD trong năm tài khóa 2019 để hỗ trợ cho hoạt động khảo sát và tiền đấu thầu. Đồng thời, Bộ Môi trường Nhật cũng sẽ cố gắng hỗ trợ toàn bộ chi phí ban đầu cho doanh nghiệp.

TRUNG MẾN

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/kinh-doanh-quoc-te/nhat-muon-xuat-khau-cong-nghe-bien-rac-thai-thanh-nang-luong-sang-khap-dong-nam-a-3511239.html