Nhật lộ chuyện Mỹ đã nhúng tay vào đàm phán Kuril

Nếu Liên Xô nhận được Quần đảo Chisima (tức quần đảo Kuril và Sakhalin) thì quần đảo Ryukyu phải được trao cho Mỹ.

Đài truyền hình TBS Nhật Bản mới đây đã tìm thấy các lá thư công bố các nội dung lá thư của một cựu nhân viên ngoại giao Nhật Bản cho thấy các bằng chứng về việc Mỹ can thiệp vào cuộc đàm phán giữa Nga và Nhật Bản trong tranh chấp chuỗi đảo Kuril.

Cựu Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ John Dulles.

Cựu nhân viên ngoại giao này là Syun-ichi Matsumoto, người đã đại diện cho Tokyo trong cuộc đàm phán với Moscow về số phận của quần đảo Kuril.

Các bức thư cho thấy Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ John Dulles (từ năm 1953- 1959) đã đưa ra một điều kiện với phía Nhật Bản.

"Bộ trưởng Ngoại giao Dulles bắt đầu nói những điều phi lý, rằng nếu Liên Xô nhận được Quần đảo Chisima (tên tiếng Nhật của quần đảo Kuril và Sakhalin), thì quần đảo Ryukyu sẽ thuộc về Mỹ" - nhà ngoại giao đề cập đến trong bức thư viết ngày 20/8/1956.

Quần đảo Ryukyu ở Biển Hoa Đông đã bị quân đội Mỹ chiến đóng sau Trận Okinawa năm 1945, một trong những trận chiến đẫm máu nhất trong mặt trận Thái Bình Dương.

Hòn đảo lớn nhất của quần đảo Ryukyulà Okinawa, nằm dưới sự quản lý của Mỹ cho đến năm 1972. Hiện giờ vẫn có căn cứ quân sự Mỹ đóng quân tại đây.

Sau chiến tranh thế giới II, các đảo Iturup, Kunashir, Shikotan và Habomai đã được Liên Xô tiếp quản. Vào tháng 10/1956, Liên Xô và Nhật Bản đã ký Tuyên bố chung về việc chấm dứt tình trạng chiến tranh giữa các quốc gia và khôi phục quan hệ ngoại giao. Tài liệu đã ghi rõ rằng hai bên từ bỏ các yêu sách lẫn nhau phát sinh do chiến tranh, và Moscow cũng khước từ các yêu sách bồi thường đối với Tokyo.

Liên Xô đã cam kết sẵn sàng giao lại đảo Shikotan, Habomai và một số hòn đảo nhỏ sang Nhật Bản như một cử chỉ thiện chí sau khi Hiệp ước hòa bình cuối cùng được ký kết.

Tuy nhiên, sau khi Nhật Bản ký một hiệp ước an ninh với Mỹ vào năm 1960, Liên Xô đã thu hồi các đảo trên. Chính phủ Liên Xô cho biết rằng, các đảo sẽ được bàn giao cho Nhật Bản chỉ khi nào tất cả các lực lượng ngoại quốc được rút khỏi lãnh thổ.

Hai nước tiếp tục các quan hệ ngoại giao và các quan hệ với nước khác, tuy nhiên không có hiệp định hòa bình nào được ký kết cho đến nay.

Tuyên bố 1956 giữa Nga và Nhật Bản không nhắc đến trao chủ quyền các đảo nào ở Kuril.

Nga và Nhật đã đồng thuận lấy tuyên bố chung Xô- Nhật 1956 làm cơ sở để giải quyết vấn đề tồn đọng giữa hai nước.

Truyền thông Nhật Bản nhấn mạnh, Thỏa thuận 1956 có điều khoản trao trả lại hai hòn đảo Shitokan và Habomai cho Nhật Bản và kỳ vọng vào khả năng sớm lấy được hai đảo này trong các nỗ lực đàm phán của Thủ tướng Shinzo Abe trong năm 2019.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov phủ nhận điều này và giải thích rằng, Tuyên bố 1956 không nhắc tới việc Nga sẽ trao, chuyển chủ quyền đảo cho Nhật Bản.

Tuyên bố chung năm 1956 không hề ngụ ý tới việc chuyển giao lãnh thổ Nga sang phía Nhật Bản. Điều đó có nghĩa là khi hai nước có một Hiệp ước Hòa bình đi nữa thì không phải phần lãnh thổ sẽ "tự động" được chuyển giao quyền sở hữu.

"Chúng tôi có thể nói, có được Hiệp ước Hòa bình nghĩa là được chuyển giao tự động bất kỳ phần lãnh thổ nào? Hoàn toàn không. Đây là những gì Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nói khi ông trả lời câu hỏi của nhà báo rồi" - ông Peskov cho hay.

Nga kiên định với lập trường chủ quyền trên chuỗi đảo Kuril. Việc Moscow từ bỏ chủ quyền trên bất kỳ hòn đảo nào dường như là điều không thể xảy ra.

Ngay cả việc Nhật Bản sẽ hối thúc Mỹ giảm sự hiện diện quân sự trên các khu vực đảo khác thuộc Vùng lãnh thổ phương Bắc thì khả năng Nga trao chủ quyền lãnh thổ vẫn là bằng 0.

Những năm gần đây, Nga và Nhật Bản đã đồng ý hợp tác kinh tế song phương trên các đảo thuộc chuỗi đảo Kuril. Trong chuyến thăm hôm 22/1 đến Moscow, Thủ tướng Nhật Bản và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thống nhất sẽ tăng kim ngạch thương mại song phương lên 1,5 lần, đạt mức 30 tỷ USD.

Người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov cho rằng cần phải củng cố bầu không khí tin tưởng lẫn nhau trong quan hệ Nga-Nhật Bản thông qua phát triển hợp tác kinh tế thương mại. Điều này cho phép thúc đẩy cả vấn đề ký kết hiệp ước hòa bình.

Sơn Dương

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/nhat-lo-chuyen-my-da-nhung-tay-vao-dam-phan-kuril-3373382/