Nhất Linh, người định danh các loại phong lan Đà Lạt

Thoạt kỳ thủy, các loại phong lan ở Đà Lạt cũng như tất thảy mọi sự vật, hiện tượng trên thế gian vốn dĩ không có danh xưng.

Cho đến ngày văn sĩ Nhất Linh, vị thống soái của Tự lực văn đoàn bất ngờ tương ngộ chúng trên nẻo đường rừng, thế là những loại hoa ấy nghiễm nhiên có tên rất đẹp và gợi.

Nay, ít người còn nhớ, năm 1955, chán chường thế sự, văn sĩ Nhất Linh quyết định bỏ Sài Gòn, chọn Đà Lạt để ẩn cư, lấy việc trồng, chăm và sưu tầm phong lan làm niềm vui thú. Ông sống ở lầu 2, căn nhà Poinsard & Veyret, số 12 đường Yersin. Một thời gian sau, văn sĩ Nhất Linh chuyển về sống trong Villa Les Adrets ở đầu đèo Prenn, nơi có khuôn viên vườn rộng rãi để tiện cho việc tiêu dao cùng lan rừng.

Căn nhà Poinsard & Veyret (số 12, đường Yersin), nơi từng in dấu văn sĩ Nhất Linh.

Căn nhà Poinsard & Veyret (số 12, đường Yersin), nơi từng in dấu văn sĩ Nhất Linh.

Ông chơi phong lan rất công phu, kỹ lưỡng, đầy đam mê. Ngoài sưu tầm những giò phong lan lạ, văn sĩ Nhất Linh còn đặt mua từ Pháp những cuốn sách viết về các loại hoa phong lan trên thế giới, rồi tỉ mỉ phân loại, so sánh, đối chiếu với phong lan Đà Lạt. Cùng với đó, ông vẽ lại từng đóa hoa một, ghi chú từng đặc tính, cẩn thận tập hợp tư liệu, chăm chút thay tên, đặt tên cho một số loại phong lan. Bạch hạc có cành cao, gầy, mảnh, còn bông trông như con hạc trắng trầm mặc giữa hồ nước phẳng lặng, êm ru. Huyết nhung, cánh lan có màu đỏ thắm nổi bật giữa vầng lá xanh ngà ngọc tựa gấm nhung. Thủy tiên, nàng tiên hoa nơi thủy cung. Thủy tiên có cánh hoa mảnh mai, trắng tinh khiết, mang đậm tính nữ, thùy mị, đầy vẻ quý phái, thanh sạch. Nhất điểm hồng, cánh hoa có màu trắng ngọc, đáy cánh hoa điểm một màu đỏ phớt. Nhất điểm hồng ánh lên vẻ đẹp giản dị, tất cả sự kiêu sa lặn hết vào bên trong, chỉ lộ ra ngoài một nét đỏ chấm phá trên nền hoa trắng tuyết,...

Trải qua quá trình nghiên cứu kỳ khu về mỗi loại phong lan, cùng niềm đam mê sáng tạo như thể sáng tác một tác phẩm văn chương, văn sĩ Nhất Linh đã đặt tên cho các loại phong lan Đà Lạt những cái tên đẹp nhất, hay nhất, ấn tượng nhất, đúng với thần thái, dáng dấp của giò lan một cách khoa học và sang trọng nhất: Bạch ngọc, Thanh ngọc, Hoàng y Mị nương, Hoàng phi hạc, Kim điệp, Hồ điệp, Long tu... Sự chính danh của các loại phong lan Đà Lạt là dấu ấn tài hoa ông để lại trong mối tương quan giữa danh học và cuộc sống đời thường.

Trước khi giã từ Đà Lạt trở lại Sài Gòn, văn sĩ Nhất Linh mua một mảnh đất ở khu vực suối Đa Mê, gần ngã ba Fim Nôm, huyện Đức Trọng, rồi dựng một căn nhà gỗ nhỏ, tiếp tục theo đuổi thú chơi lan rừng, với ý định sẽ có dịp viết một cuốn sách về phong lan. Năm 1963, trong một lần trò chuyện cùng người con trai, Nguyễn Tường Thiết, ông bộc bạch ý định này, khi người con gợi ý cha viết hồi ký: “...và quyển thứ ba cậu viết về hoa phong lan”. Tuy nhiên, ý định của văn sĩ Nhất Linh không thành hiện thực, vì sau khi bộc lộ ý định đó với người con trai vài giờ đồng hồ, ông đã quyên sinh bằng độc dược. Dẫu vậy, những tên gọi riêng của văn sĩ Nhất Linh dành cho các loại phong lan Đà Lạt vẫn được giới chơi hoa lan chấp nhận và sử dụng rộng rãi từ bấy đến giờ.

*

Mảnh đất Đà Lạt và con người Đà Lạt rồi đây rất có thể sẽ chẳng còn ai buồn nhắc, hoặc giả có muốn cũng chẳng biết để gợi lại dấu xưa của văn sĩ Nhất Linh trong dáng hình lúi húi chăm bẵm từng giò phong lan bên hiên lầu 2 căn nhà Poinsard & Veyret trên đường Yersin, trong vẻ mặt thư thái ngắm nhìn những giò phong lan mới trổ bông đẹp mê mẩn trong khuôn viên Villa Les Adrets ở đầu đèo Prenn, hay trong bước chân văn nhân xao xác giữa đại ngàn tìm kiếm, sưu tầm những giò phong lan lạ. Nhưng mảnh đất Đà Lạt và con người Đà Lạt, dẫu có vô cảm vô tâm, cũng không thể làm mờ phai những tên phong lan mà ông là người định danh cho chúng.

TRỊNH CHU

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/nhat-linh-nguoi-dinh-danh-cac-loai-phong-lan-da-lat-n186178.html